(CTTĐTBP) - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu khẩn trương hoàn thiện chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và chiến lược khôi phục và phát triển kinh tế; nghiên cứu sớm có chính sách kích thích kinh tế có hiệu quả, bảo đảm các chỉ số kinh tế vĩ mô phù hợp tình hình.
|
Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc phục hồi, mở cửa kinh tế phụ thuộc rất lớn vào phòng, chống dịch |
Thủ tướng nêu rõ, vừa qua, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng ta đã ưu tiên số 1 cho phòng, chống dịch, đặt sức khoẻ, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết cho nên phải hy sinh một phần kinh tế. Những tháng cuối năm, cùng với nỗ lực cao nhất về phòng, chống dịch, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh mọi biện pháp để tháo gỡ cơ chế, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tăng trưởng kinh tế tốt hơn vào những tháng cuối năm.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh một số nội dung quan trọng khi kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9, diễn ra sáng 2/10 tại trụ sở Chính phủ.
Nền tảng quan trọng để phục hồi nền kinh tế những tháng cuối năm
Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các ý kiến tại phiên họp nhận định, dịch COVID-19 bùng phát mạnh, lây lan nhanh trên diện rộng từ đầu tháng 5/2021, tiếp tục ảnh hưởng nặng nề, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế-xã hội nước ta. Bám sát tình hình thực tiễn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt để kịp thời ứng phó với diễn biến của dịch bệnh; tập trung tìm kiếm, mua, kêu gọi tài trợ và tiêm vaccine, nâng tỷ lệ bao phủ vaccine lên gấp nhiều lần so với những tháng đầu năm. Trên thế giới hiện nay tình hình vaccine phòng chống COVID-19 vẫn hết sức khan hiếm.
Đến nay, tình hình phòng chống dịch bệnh đã có chuyển biến tích cực: Số ca lây nhiễm trong cộng đồng giảm, đặc biệt số người tử vong giảm mạnh, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát ở phần lớn các địa phương, tiến độ tiêm vaccine được đẩy nhanh. Với quan điểm phòng, chống dịch được điều chỉnh theo hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh”, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các địa phương trọng điểm khu vực phía nam bắt đầu nới lỏng giãn cách xã hội, mở cửa lại nền kinh tế theo lộ trình nhưng vẫn bảo đảm an toàn dịch bệnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân từng bước được ổn định trở lại, đây là quyết sách và là nền tảng quan trọng để phục hồi nền kinh tế những tháng cuối năm 2021 và năm 2022.
Nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm đạt được một số kết quả tích cực. Nền kinh tế vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng dương, 1,42% trong 9 tháng dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Tính chung 9 tháng, hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn được duy trì.
Về phát triển doanh nghiệp, trong 9 tháng cả nước ghi nhận 117,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và trở lại hoạt động. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, việc nghiên cứu xây dựng và thực hiện lộ trình mở cửa trở lại tạo tín hiệu tốt cho cộng đồng doanh nghiệp, theo đó 70% doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan về tình hình kinh doanh những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, dịch bệnh phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của kinh tế-xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa, hành khách bị đình trệ, chi phí tăng cao, sức mua trong nước giảm sút, nguy cơ ảnh hưởng lâu dài đến sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đời sống người dân, người lao động, nhất là tại khu vực thành thị chịu tác động mạnh.
Nguyên nhân của kết quả đạt được là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ, đồng hành của Quốc hội, chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự kết hợp hài hòa giữa lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất với phân công, phân cấp, phân quyền trong tổ chức thực hiện; kế thừa kết quả và kinh nghiệm đạt được; tinh thần đoàn kết, đồng lòng, chung sức của nhân dân cả nước, hỗ trợ của bạn bè quốc tế.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, áp lực khôi phục sản xuất, kinh doanh những tháng cuối năm là rất lớn. Phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19 vẫn là yếu tố quyết định cho tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm. Nhiệm vụ những tháng cuối năm là hết sức nặng nề.
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, đến nay cả nước đã hỗ trợ hơn 18,1 triệu người với kinh phí hơn 14.900 tỷ đồng. Hai chính sách tiếp cận chậm hơn là cho vay trả lương, phục hồi sản xuất; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực.
Triển khai chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/10, ngay trong ngày hôm qua, các cơ quan đã khởi động việc này, tới 12h trưa đã hỗ trợ 3.570 người lao động trên cơ sở dữ liệu có sẵn. Các cơ quan phấn đấu trong 5 ngày hỗ trợ cho tất cả người sử dụng lao động và hỗ trợ cho 12,8 triệu lao động trong tối đa trong 45 ngày, rút ngắn 2/3 thời gian so với yêu cầu.
Yêu cầu kiểm tra, làm rõ về giá kit xét nghiệm
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, một trong những điểm nhấn trong thời gian qua là công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối hợp của các cơ quan chức năng, các bộ ngành, địa phương. Thực hiện kết luận của Hội nghị Trung ương 3, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo chủ chốt đã chỉ đạo quyết liệt, bám sát tình hình, Quốc hội vào cuộc hết sức tích cực, cùng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch có hiệu quả.
Với sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, sự giúp đỡ của các bạn bè, đối tác quốc tế, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc, ngay cả tại những tâm dịch như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, số ca mắc, tử vong ngày càng giảm sâu. Đây là một điểm sáng, kết quả đáng mừng trong quý III và tháng 9 sau khi 23 tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn tuyệt đối không được lơ là, chủ quan vì tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp; đồng thời không cực đoan, cần thực hiện lộ trình mở cửa an toàn, phục hồi và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong công tác phòng chống dịch ở các cấp chính quyền, nhất là cấp cơ sở, tiếp tục phối hợp giữa các địa phương, không cát cứ, cục bộ. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu và linh hoạt, sáng tạo để tổ chức thực hiện hiệu quả các quy định của Trung ương. Củng cố hệ thống y tế từ Trung ương đến cơ sở và sẵn sàng tăng cường y tế lưu động để bảo đảm người dân được tiếp cận y tế sớm nhất, nhanh nhất từ cấp cơ sở. Tiếp tục thực hiện công thức “5K + vaccine + thuốc + công nghệ + ý thức người dân”.
Thủ tướng lưu ý cần hoàn thiện việc tích hợp các nền tảng công nghệ phục vụ phòng, chống dịch và bảo đảm an sinh xã hội, nhất là kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo thuận lợi nhất cho người dân. Tiếp tục thực hiện các trụ cột về cách ly, xét nghiệm, điều trị. Cần tích cực công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm trên tất cả các mặt trong phòng, chống dịch.
Về giá kit xét nghiệm là vấn đề dư luận quan tâm, Thủ tướng đã yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, làm rõ và kịp thời thông tin chính thức tới dư luận. Thủ tướng cũng đã nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu công tác mua sắm và sử dụng trang thiết bị, vật tư phòng, chống dịch phải bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, tuân thủ đúng quy định pháp luật, tránh lãng phí, thất thoát, tiêu cực. Quan điểm của Chính phủ là xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện vi phạm, công khai kết quả xử lý cho nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ luôn lắng nghe và trân trọng mọi ý kiến đóng góp, phản ánh, nhưng thông tin đưa ra phải chính xác, tránh những thông tin phỏng đoán, không có kiểm chứng, thiếu căn cứ, ảnh hưởng tới niềm tin và tinh thần đoàn kết, tác động tới tâm lý các lực lực lượng phòng, chống dịch. Trong lúc này, càng cần củng cố niềm tin, sự đoàn kết, đồng lòng, vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, động viên, khích lệ các lực lượng tuyến đầu.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương hoàn thiện Chiến lược tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh. Đẩy nhanh tiến độ nhập vaccine, đây là vấn đề có tính chất rất quyết định cho việc mở cửa thắng lợi nền kinh tế; làm tốt công tác ngoại giao vaccine, bằng mọi cách, mọi giá để có vaccine nhanh nhất, sớm nhất, triển khai tiêm vaccine khoa học, hiệu quả, ưu tiên vaccine cho các đối tượng, địa bàn phù hợp theo quy định.
Thủ tướng lưu ý xây dựng, áp dụng các chính sách thỏa đáng cho lực lượng tuyến đầu; huy động nguồn lực y tế ngoài công lập vào phòng, chống dịch. Làm tốt công tác động viên, khen thưởng với các tập thể, cá nhân có giải pháp sáng tạo, thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong công tác phòng, chống dịch và xử lý nghiêm các vi phạm; tăng cường thông tin truyền thông, huy động toàn dân tham gia công tác phòng chống dịch, trong đó tập trung nâng cao ý thức, thay đổi hành vi, thói quen của người dân, tạo đồng thuận xã hội.
“Việc phục hồi, mở cửa kinh tế phụ thuộc rất lớn vào phòng, chống dịch”, Thủ tướng nêu rõ.
Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh mọi biện pháp để tháo gỡ cơ chế, khơi thông nguồn lực
Về tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng nhấn mạnh: Vừa qua, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, chúng ta đã ưu tiên số 1 cho phòng, chống dịch, đặt sức khoẻ, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết nên phải hy sinh một phần kinh tế. Nhiều địa phương phải giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, trong đó có các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm kinh tế lớn, cho nên tăng trưởng quý III giảm sâu. Do đó, trong những tháng cuối năm, cùng với nỗ lực cao nhất về phòng, chống dịch, Chính phủ quyết tâm đẩy mạnh mọi biện pháp để tháo gỡ cơ chế, khơi thông nguồn lực, tạo động lực mới, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để tăng trưởng kinh tế tốt hơn và tạo tiền đề cho những tháng đầu năm 2022, đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Thủ tướng chia sẻ, tình hình kinh tế và đời sống nhân dân rất khó khăn, GDP quý III giảm 6,17%, GDP 9 tháng tăng 1,42% so với cùng kỳ. Hầu hết các ngành đều suy giảm trong quý III, tổng cầu suy yếu mạnh, giải ngân đầu tư công chưa đạt mục tiêu đề ra.
Tuy nhiên, tình hình vẫn có những điểm sáng. Nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn vẫn được bảo đảm, lạm phát ở mức thấp. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, thanh khoản thông suốt, thu ngân sách đạt hơn 80%, góp phần bảo đảm thu chi cho phòng, chống dịch và an sinh xã hội. Sản xuất nông nghiệp vẫn là điểm sáng, xuất nhập khẩu tăng trưởng khá; đầu tư FDI vẫn được duy trì. Tổng cầu tăng nhẹ trở lại nhưng phải theo dõi thêm.
An sinh xã hội được đặc biệt quan tâm trong điều kiện dịch bệnh. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Đối ngoại được đẩy mạnh, đặc biệt là ngoại giao vaccine.
|
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, các ngành, địa phương bám sát, tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. |
Sớm có chính sách kích thích kinh tế
Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, các ngành, địa phương bám sát, tổ chức thực hiện thật tốt các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng, hoàn thiện chiến lược, kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế trong trạng thái bình thường mới, khẩn trương trình các cơ quan có thẩm quyền ban hành trong tháng 10, song song với chiến lược tổng thể về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Các bộ, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện hiệu quả các Nghị quyết số 63/NQ-CP về thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và thúc đẩy xuất khẩu; Nghị quyết 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19.
Các địa phương căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Phối hợp đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả giữa các chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ để giữ vững, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, vừa hỗ trợ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, vừa phục vụ phòng, chống dịch. Chính sách tài khóa phải phù hợp tình hình, linh hoạt, sáng tạo, Bộ Tài chính và các bộ, ngành, địa phương lưu ý cân đối ngân sách nhà nước, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi tiêu hội họp, đi lại…, lúc này phải “thắt lưng buộc bụng”.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, địa phương tập trung giải ngân vốn ODA. Các bộ quản lý vĩ mô sớm có chính sách kích thích kinh tế, đưa dòng tiền vào nền kinh tế đúng hướng, có hiệu quả; nghiên cứu nới trần nợ công, bảo đảm các chỉ số kinh tế vĩ mô phù hợp tình hình.
Các địa phương thực hiện thống nhất toàn quốc việc lưu thông hàng hoá theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng và chỉ đạo của Chính phủ, bảo đảm sản xuất bình thường, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt theo hướng dẫn của Bộ Y tế, không cứng nhắc. Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh sản xuất công nghiệp và nông nghiệp an toàn. Các địa phương bàn bạc với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình để mở cửa sản xuất an toàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy nhanh việc gỡ thẻ vàng IUU của EU với thủy sản Việt Nam.
Triển khai ngay các giải pháp phục hồi hoạt động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu chế xuất. Tháo gỡ các khó khăn giúp doanh nghiệp giữ đơn hàng, duy trì chuỗi cung ứng, nỗ lực sản xuất cho mùa cao điểm, nhất là các bạn hàng lớn ở châu Âu, Hoa Kỳ, Đông Bắc Á. Tổ chức khai tác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết. Tính toán, dự báo cung cầu hàng hoá dịp cuối năm để không thiếu hàng, triển khai quyết liệt các biện pháp điều hành giá. Tập trung tháo gỡ vướng mắc, cắt giảm tối đa các thủ tục hành chính ở các cấp, các ngành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin. Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm về giá, đầu cơ, găm hàng, trục lợi.
Theo dõi hằng ngày diễn biến đời sống người dân
Đẩy mạnh hiệu quả các chính sách hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội, an dân, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan quan theo dõi hằng ngày diễn biến đời sống người dân, thực hiện các chính sách hỗ trợ nhanh nhất, đơn giản nhất, hiệu quả nhất có thể. Có kế hoạch đưa học sinh trở lại trường ở những nơi an toàn.
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, đầu tư về nhân lực, vật lực, thời gian, công sức và lãnh đạo, chỉ đạo cho công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế. Quốc hội luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ Chính phủ trong công tác này. Bộ Tư pháp chủ trì, các Bộ trưởng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội, tăng cường tính chủ động để bảo đảm chất lượng, tiến độ, thủ tục trình các chương trình, dự án luật. Rà soát các điểm nghẽn, vướng mắc liên quan tới sản xuất, kinh doanh và sinh kế người dân.
Tăng cường bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, đẩy mạnh phòng ngừa, đấu tranh phòng chống tội phạm và phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; bảo đảm an ninh quốc phòng biên giới, giữ vững độc lập, chủ quyền. Chuẩn bị tốt chương trình, nội dung cho các hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong thời gian tới. Nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tạo đồng thuận trong xã hội, làm cho "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm". Những gì người dân thắc mắc thì phải giải thích rõ; đồng thời đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch, kẻ xấu, củng cố niềm tin của nhân dân, an lòng dân.
Thủ tướng yêu cầu chuẩn bị tốt cho các sự kiện chính trị quan trọng sắp tới của đất nước như Hội nghị Trung ương 4, Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV. Kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bên trong của các bộ, ngành để góp phần tinh gọn bộ máy, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tiết kiệm kinh phí.
Các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình cụ thể để thực hiện tốt nhất chương trình công tác trong tháng 10 và các tháng cuối năm theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Tình hình càng khó khăn, phức tạp càng phải đoàn kết thống nhất, tranh thủ mọi cơ hội và điều kiện phát triển đất nước, hạn chế tối đa khó khăn, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng lưu ý các địa phương một số nội dung liên quan tới việc người dân trở về quê sau khi nới lỏng giãn cách tại một số địa bàn. Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục vận động người dân ở lại, đồng thời triển khai các biện pháp ổn định cuộc sống, tiêm vaccine, quan tâm giải quyết việc làm cho bà con… Với những người thực sự cần trở về, các địa phương phối hợp, chia sẻ, hợp tác chặt chẽ để đưa đón người dân một cách an toàn, trật tự, trên tinh thần tương thân, tương ái, tránh những căng thẳng không cần thiết. Thủ tướng biểu dương và đề nghị các địa phương tham khảo một số bài học kinh nghiệm tốt như Vĩnh Phúc đã đón hơn 20.000 người dân trở về bảo đảm an toàn, Tiền Giang đón người trở về theo hướng phân cấp, phân tán xuống từng xã, huyện để tránh quá tải, vận dụng quan điểm lấy xã phường làm pháo đài, người dân là chiến sĩ…
Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã lắng nghe các ý kiến địa phương góp ý vào dự thảo thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả với dịch COVID-19; thảo luận về việc đề xuất, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định phát luật để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, góp phần thúc đẩy, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội./.