Thủ tướng chỉ đạo thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm tại Đông Nam Bộ

Chủ nhật - 11/08/2024 11:00
(CTTĐTBP) - Sáng 10/8/2024, tại TPHCM, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 4 của Hội đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo thúc đẩy các dự án hạ tầng trọng điểm tại Đông Nam Bộ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Cùng tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương vùng Đông Nam Bộ.

Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình triển khai hoạt động của Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ năm 2024. Bộ Khoa học và Công nghệ báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án hình thành và đẩy mạnh phát triển trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại TPHCM, tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai.

Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tình hình triển khai thực hiện Đề án xây dựng vùng động lực công nghiệp công nghệ thông tin, thu hút đầu tư sản xuất các sản phẩm điện, điện tử, các sản phẩm Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu báo cáo tình hình triển khai Đề án nghiên cứu khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ; tỉnh Đồng Nai tham luận về phát triển giao thông kết nối sân bay Long Thành; UBND TPHCM đề xuất phương án hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị Thành phố.

Cách đây 3 tháng (ngày 05/5/2024), Hội nghị lần thứ ba Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ tại tỉnh Tây Ninh đã sơ kết thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị số 24-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ số 154/NQ-CP về phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ; công bố và triển khai Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; rà soát các cơ chế chính sách đặc thù vùng; tình hình triển khai các dự án quan trọng, liên kết vùng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ chủ trì Hội nghị lần thứ 4 của Hội đồng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị, trong 9 nhiệm vụ được giao tại Hội nghị vào tháng 5, đến nay đã hoàn thành thêm 3 nhiệm vụ là: (i) Đã bổ sung quy hoạch bến cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; (ii) Phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư; (iii) Quốc hội đã ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án cao tốc Chơn Thành - Gia Nghĩa.

Cùng với đó, kết quả phát triển kinh tế - xã hội thời gian vừa qua của vùng Đông Nam Bộ tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của vùng là một đầu tàu kinh tế của cả nước, đi đầu trong đổi mới, sáng tạo, năng động và phát triển.

Mặc dù chỉ chiếm hơn 9% diện tích nhưng vùng Đông Nam Bộ đóng góp khoảng 1/3 GDP và hơn 44% nguồn thu ngân sách cả nước. Tổng thu ngân sách nhà nước 7 tháng đạt 452.000 tỷ đồng, đứng thứ 2 sau vùng đồng bằng sông Hồng. Giá trị xuất khẩu đạt trên 59,2 tỷ USD, 31% xuất khẩu của cả nước, đứng thứ 2 sau vùng đồng bằng sông Hồng (chiếm gần 35%).

Vùng Đông Nam Bộ có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động lớn nhất trong 6 vùng kinh tế với 58.246 doanh nghiệp, tăng 9,8%. Vùng tiếp tục dẫn đầu cả nước về cả số dự án và tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tính đến hết ngày 20/7/2024, tương ứng 20.000 dự án và 187,4 tỷ USD, trong đó, TPHCM đứng đầu cả nước (chiếm gần 32% số dự án và gần 12% tổng số vốn đăng ký).

Tính đến nay, vùng có 6/6 địa phương đã hoàn thành lập, trình thẩm định quy hoạch và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 5/6 quy hoạch tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Sớm khởi công 3 tuyến cao tốc trọng điểm

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng ý với nội dung báo cáo, ý kiến phát biểu tại Hội nghị, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, địa phương liên quan nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến được nêu, để tiếp tục tham mưu hiệu quả cho Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ trong quá trình triển khai Quy hoạch vùng thời gian tới.

Thủ tướng hoan nghênh nỗ lực của các thành viên Hội đồng điều phối vùng cùng các bộ, ngành, địa phương liên quan để giúp hoàn thành 3 nhiệm vụ quan trọng đã hoàn thành sau Hội nghị lần thứ ba; đồng thời ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao quyết tâm, nỗ lực và sự trách nhiệm của lãnh đạo, nhân dân và doanh nghiệp của vùng Đông Nam Bộ, với tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo, đổi mới, đạt những kết quả quan trọng, đóng góp vào thành quả chung của cả nước thời gian qua.

Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ, quá trình phát triển của vùng Đông Nam Bộ trong thời gian qua vẫn còn đối mặt với một số hạn chế, khó khăn, thách thức.

Tăng trưởng kinh tế vùng 6 tháng chỉ đạt 5,58%, thấp hơn mức bình quân cả nước, chỉ cao hơn vùng Tây Nguyên (3,86%). Mô hình tăng trưởng chậm chuyển đổi, động lực tăng trưởng của vùng đang chậm lại.

Chất lượng tăng trưởng kinh tế của vùng chưa thực sự bền vững do khả năng chống chịu và chưa có các giải pháp kịp thời trước các yếu tố tiêu cực từ bên ngoài.

Công nghiệp là một trong 3 trụ cột quan trọng của vùng nhưng phát triển còn thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, phân bổ chưa hợp lý, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tình trạng ô nhiễm môi trường, ngập úng là vấn đề bức xúc nhưng chậm được cải thiện, nhất là tại TPHCM. Môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh còn hạn chế; liên kết vùng thiếu chặt chẽ.

Để nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thực hiện Quy hoạch vùng trong thời gian tới và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng Đông Nam Bộ, Thủ tướng nhấn mạnh một số phương hướng, nhiệm vụ.

Theo đó, các bộ, ngành và địa phương cần chủ động, tích cực hoàn thành có chất lượng các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ và các quyết định của Chủ tịch Hội đồng điều phối vùng ban hành Kế hoạch hoạt động năm 2023 và năm 2024; chủ động bám sát tình hình, phản ánh chính sách kịp thời.
Thủ tướng chỉ rõ, quá trình phát triển của vùng Đông Nam Bộ trong thời gian qua vẫn còn đối mặt với một số hạn chế, khó khăn, thách thức - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về các nhiệm vụ chung, trọng tâm, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu từ nay đến năm 2024 đã đề ra để quyết liệt nỗ lực, phấn đấu hoàn thành, góp phần vào mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Cùng với đó, tích cực, quyết liệt triển khai công tác quy hoạch. Rà soát các điểm nghẽn, vướng mắc về pháp lý trong thực tiễn để cùng các bộ, ngành Trung ương đề xuất sửa đổi một số luật, đặc biệt là Luật Đầu tư công. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực trong xã hội.

Đồng thời, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, chip bán dẫn, hydrogen, trí tuệ nhân tạo…). Phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tăng cường liên kết vùng.

"Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tập trung vào các ngành mới nổi; đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện một trong 3 đột phá chiến lược mà Đại hội XIII đã đề ra", Thủ tướng nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Về các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai các Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế xã hội, trên cơ sở đó ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển vùng.

Các bộ, ngành, địa phương được giao chủ trì khẩn trương hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu đối với các dự án vùng và liên vùng: Đề án Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM, Trung tâm thương mại tự do tại Bà Rịa - Vũng Tàu, các hệ thống đường kết nối.

Thủ tướng giao TPHCM chủ trì, trình các cơ chế chính sách vượt trội thuộc thẩm quyền Quốc hội đối với Dự án đường Vành đai 4 TPHCM tại kỳ họp của Hội đồng vào tháng 11/2024.

TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Bình Phước khẩn trương hoàn thành các thủ tục tiếp theo đối với đường cao tốc TPHCM - Mộc Bài, Chơn Thành - Gia Nghĩa, TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, phấn đấu khởi công vào dịp 30/4/2025.

Các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi tích hợp, lồng ghép các cơ chế, chính sách, trong đó có các chính sách huy động nguồn lực, nhất là đối với các địa phương ở vùng Đông Nam Bộ có khả năng thu lớn, tạo điều kiện để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến cao tốc, quốc lộ và các dự án đi qua địa bàn các tỉnh để chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn tới./.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,047
  • Hôm nay205,419
  • Tháng hiện tại2,024,154
  • Tổng lượt truy cập437,827,773
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây