(CTTĐTBP) - Ban chủ nhiệm 334 tỉnh sáng nay (16/12) đã họp thành viên để thông qua đề cương các đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại, dịch vụ của tỉnh.
Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi chủ trì buổi làm việc.
Buổi làm việc đã xem xét 3 đề cương đề án về: “Chiến lược thị trường các sản phẩm chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”; Phát triển thương mại biên giới tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025; Phát triển hệ thống thương mại, thương mại điện tử tỉnh Bình Phước. Đồng thời, xem xét thông qua Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu.
Các thành viên Ban chủ nhiệm 334 đã có nhiều ý kiến đóng góp cho các đề án thuộc Chương trình phát triển thương mại, dịch vụ của tỉnh
Đối với đề cương Đề án “Chiến lược thị trường các sản phẩm chủ lực của tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”, bên cạnh những ý kiến đóng góp về cấu trúc xây dựng đề án, thống nhất số liệu, có ý kiến cho rằng cần thiết nên đưa sản phẩm du lịch thành một sản phẩm chủ lực trong chiến lược thị trường các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Đề án đã xác định được 6 sản phẩm chủ lực của tỉnh. Trong đó, sản phẩm nông nghiệp chiếm đa số với 5 sản phẩm gồm: sản phẩm từ cao su, điều, hồ tiêu, cà phê, trái cây; ngoài ra, còn có các sản phẩm từ gỗ.
Đề án cũng xác định rõ thực trạng của từng sản phẩm chủ lực này. Từ đó, đưa ra các định hướng thị trường cho từng sản phẩm cụ thể cũng như việc tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm. Tổng kinh phí dự toán cho thực hiện đề án này, bao gồm cả sản phẩm du lịch khoảng hơn 38,8 tỷ đồng.
Đóng góp cho Đề án phát triển thương mại biên giới tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, các ý kiến cho rằng, để thúc đẩy thương mại biên giới thì đầu tư mạnh vào Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư, nâng cấp thêm một số cửa khẩu lên thành quốc tế và đầu tư hạ tầng khu vực biên giới sẽ là 3 giải pháp mũi nhọn.
Đề án này cũng xác định mục tiêu cụ thể về xuất khẩu giai đoạn 2021-2025 với tổng kim ngạch xuất khẩu biên mậu đạt 1,06 tỷ USD; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 15,7%; tổng kim ngạch nhập khẩu biên mậu đạt 2,5 tỷ triệu USD; tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,8%. Tổng kinh phí dự kiến là 2.347 tỷ đồng, trong đó ngân sách nhà nước chiếm 61,3% và nguồn xã hội hóa chiếm 38,7% tổng nguồn vốn thực hiện.
Cuộc họp cũng thảo luận, đóng góp ý kiến và thông qua Đề án phát triển hệ thống thương mại, thương mại điện tử tỉnh Bình Phước và Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu./.