Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Chủ nhật - 16/06/2024 10:05
(CTTĐTBP) - Ngày 15/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng. Dự tại điểm cầu Bình Phước có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền và đại diện các sở, ngành liên quan.
Trong 10 năm qua, năng lực sản xuất ngành xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng của nước ta phát triển mạnh, được xếp tốp đầu trong khu vực Đông Nam Á với hàng ngàn triệu tấn/năm, trị giá hàng chục tỷ USD. Ngành vật liệu xây dựng đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước và một phần cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây do tác động của tình hình kinh tế, địa chính trị thế giới đã làm giảm mạnh hoạt động sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Ngược lại nguồn nguyên liệu và các mặt hàng vật liệu xây dựng nhập khẩu tăng. Trong khi đó chi phí vận chuyển, lao động tăng cao dẫn đến nhiều công ty, doanh nghiệp phải tạm ngưng hoạt động…
Tỉnh Bình Phước có 37 dự án sản xuất gạch đất sét nung và 20 dự án sản xuất vật liệu xây không nung đang hoạt động, với sản lượng đạt gần 170 triệu viên/năm. Từ năm 2022 đến nay, tình hình sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn, sản lượng vật liệu xây dựng cũng giảm mạnh và có 3 cơ sở sản xuất phải tạm ngưng hoạt động.
Hội nghị đã được nghe đại diện các bộ, ngành, hiệp hội vật liệu xây dựng và các địa phương tham luận góp ý, đề xuất nhiều giải pháp nhằm nâng cao hoạt động sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng trong thời gian tới.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành vật liệu xây dựng. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thăm dò, khai thác các loại khoáng sản đã được quy hoạch trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050; tiếp tục thúc đẩy phát triển ngành vật liệu xây dựng theo hướng bền vững, lấy hiệu quả thực tiễn làm thước đo. Đồng thời, ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm để tăng tính cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguyên liệu, nhiên liệu, đảm bảo môi trường, không hy sinh môi trường để đánh đổi sự phát triển kinh tế.
Song song đó, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia sản xuất vật liệu xây dựng; các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chủ động, linh hoạt vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng.
Đối với các doanh nghiệp, cần tái cấu trúc lại bộ máy, nguồn nhân lực, tài chính; ứng dụng công nghệ mới, hiện đại và đi vào sản xuất chiều sâu, tiết giảm giá thành tăng tính cạnh tranh. Xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược khuyến khích sản xuất và tiêu thụ trong nước, hạn chế nhập khẩu. Các ngân hàng cần có cơ chế, chính sách trong việc giãn nợ, hạ lãi suất để đồng hành với doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn./.