Quy hoạch với mục tiêu tổng quát đến năm 2025 đưa Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.
Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2025 phấn đấu đón từ 25 - 28 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 08 - 09%/năm. Đến năm 2030, đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 04 - 05%/năm. Đóng góp của du lịch trong GDP, đến năm 2025 đóng góp trực tiếp 08 - 09%; đến năm 2030 đóng góp trực tiếp từ 13 - 14%. Nhu cầu buồng lưu trú, đến năm 2025 phấn đấu khoảng 1,3 triệu buồng, đến năm 2030 khoảng 02 triệu buồng. Đồng thời, tạo ra khoảng 6,3 triệu việc làm, trong đó có khoảng 2,1 triệu việc làm trực tiếp; đến năm 2030 tạo ra khoảng 10,5 triệu việc làm, trong đó khoảng 3,5 triệu việc làm trực tiếp.
Về văn hóa - xã hội, du lịch góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, tạo sinh kế cho cộng đồng, góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia; nâng cao dân trí và đời sống tinh thần của người dân.
Về môi trường, phát triển du lịch bền vững gắn với bảo vệ môi trường; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Đến năm 2030, 100% các khu, điểm du lịch; các cơ sở lưu trú du lịch và các cơ sở kinh doanh dịch vụ khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.
Về an ninh - quốc phòng, du lịch góp phần khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia, giữ vững an ninh, trật tự và an toàn xã hội.
Đến năm 2045, du lịch khẳng định vai trò động lực của nền kinh tế; điểm đến nổi bật toàn cầu, trong nhóm quốc gia phát triển du lịch hàng đầu khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Phấn đấu đón 70 triệu khách quốc tế; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 7.300 nghìn tỷ đồng, đóng góp 17 - 18% trong GDP.
Quy hoạch đã đề ra một số giải pháp trọng tâm về cơ chế, chính sách; tổ chức quản lý hoạt động du lịch; liên kết, hợp tác trong phát triển du lịch; đầu tư thu hút nguồn lực; phát triển thị trường, sản phẩm; quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; ứng dụng khoa học, công nghệ; bảo vệ tài nguyên, môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu; nghiên cứu xây dựng Quỹ hỗ trợ cộng đồng du lịch; khuyến khích doanh nghiệp sử dụng lao động địa phương, ưu tiên hỗ trợ việc làm cho các đối tượng khó khăn trong phát triển du lịch cộng đồng; phát triển du lịch gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh và chủ quyền quốc gia; giữ gìn an ninh trật tự, đảm bảo an toàn cho khách du lịch./.