Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ tư - 06/12/2023 10:26
(CTTĐTBP) - Trong khuôn khổ hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ nhất, tại Thủ đô Viêng Chăn, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã diễn ra phiên họp về hợp tác kinh tế và văn hóa, xã hội với chủ đề “Tăng cường hợp tác nghị viện trong thúc đẩy kết nối các nền kinh tế Campuchia - Lào - Việt Nam hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm”.
Phiên họp do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Việt Nam Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Công nghệ và Môi trường Lào Linhkham Douansavanh và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Tài chính, Ngân hàng và Kiểm toán Campuchia Chheang Vun đồng chủ trì.
Dự phiên họp còn có Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước Điểu Huỳnh Sang, lãnh đạo đoàn ĐBQH các tỉnh có chung đường biên giới với Lào và Campuchia.
Theo các đại biểu, thời gian qua, Quốc hội ba nước đã nỗ lực hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách nhằm đảm bảo khung pháp lý đầy đủ cho việc thúc đẩy kết nối các nền kinh tế; đồng thời nhấn mạnh, Quốc hội ba nước đóng vai trò then chốt trong thúc đẩy kết nối ba nền kinh tế hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.
Tham luận tại phiên họp, đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước cho biết: Thời gian qua, Bình Phước luôn tích cực trong việc triển khai các nội dung thỏa thuận hợp tác trong Khu vực tam giác phát triển CLV, thể hiện thông qua một số nội dung cụ thể như: quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật các huyện giáp biên giới, đặc biệt là hệ thống hạ tầng giao thông nhằm từng bước nâng cao kết nối trong khu vực.
Giai đoạn 2017-2022, tỉnh Bình Phước thực hiện hoàn thành Dự án hỗ trợ phát triển khu vực biên giới - Tiểu dự án tỉnh Bình Phước, vay vốn ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương tại Quyết định số 739/QĐ-TTg ngày 29/4/2016, UBND tỉnh Bình Phước phê duyệt dự án tại Quyết định số 2016/QĐ-UBND ngày 27/7/2016, với tổng mức đầu tư 22,3 triệu USD, tương đương 495,56 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn Ngân hàng ADB là 20,34 triệu USD, phần vốn đối ứng là 1,96 triệu USD. Đến nay, dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng góp phần quan trọng trong nâng cấp kết nối hạ tầng giao thông trong khu vực với Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang
Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang cho biết thêm: Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 dự án đầu tư ra nước ngoài tại Campuchia do nhà đầu tư Bình Phước thực hiện còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 87.847.969 USD trong lĩnh vực trồng, khai thác, chế biến và kinh doanh các sản phẩm cây cao su (Dự án “Đồng Phú - Kratie phát triển cao su” và Dự án đầu tư 4.300 ha cao su tại huyện Snoul, tỉnh Kratie, Campuchia). Trong quá trình đầu tư, các doanh nghiệp của tỉnh đã nhận được nhiều sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền tại tỉnh Kratie trong hỗ trợ xuất nhập cảnh người lao động, cấp giấy đăng ký kinh doanh; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh hoạt động tốt và hiệu quả hơn.
Về hợp tác thương mại: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh năm 2022 đạt 595,98 triệu USD; 9 tháng năm 2023, đạt 601,96 triệu USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thực phẩm, phân bón, máy móc thiết bị, sơn, phụ gia sơn và thuốc trừ sâu, diệt cỏ; nhập khẩu các mặt hàng chính là hạt điều thô, chuối, máy móc thiết bị, cao su thiên nhiên, thực phẩm, đá tự nhiên.
Trong công tác đối ngoại, ngoại giao biên giới, trong thời gian qua, lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước cũng như các tỉnh bạn đã có nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể: Ký biên bản hợp tác phòng, chống tội phạm trên tuyến biên giới với Ty Công an các tỉnh Kratie, Mondulkiri, Kompong Chàm, S'tung Treng, Tbong Khmum; ký kết nội dung thỏa thuận hợp tác trên một số lĩnh vực với Công an Khu vực II (Campuchia) và Công an tỉnh Chămpasak (Lào). Bên cạnh đó, Bình Phước cũng đã tổ chức 5 đoàn tặng kinh phí, vật chất phòng, chống dịch Covid-19 cho công an các tỉnh Campuchia giáp biên với số tiền 450 triệu đồng kèm 19.500 khẩu trang, 300 đồ bảo hộ…
Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, thời gian qua, ba nước Campuchia - Lào - Việt Nam tuy đã có nhiều nỗ lực trong xây dựng chính sách nhưng công tác thực hiện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Cơ chế hợp tác kết nối ba nền kinh tế còn chưa rõ ràng, thiếu các chính sách đột phá để đẩy mạnh quan hệ ba bên. Do đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề xuất ba nước cần khẩn trương ban hành cơ chế hợp tác rõ ràng và để ưu tiên thu hút đầu tư từ các nước trong Khu vực tam giác phát triển CLV với nhau để phát huy lợi thế và nội lực của từng nước cũng như cả khu vực. Tiếp tục tiến hành các hoạt động đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư, vận động các doanh nghiệp trong nước tăng cường đầu tư sang nước bạn, đặc biệt là thủ tục hành chính trên lĩnh vực xuất nhập khẩu để từ đó tiếp tục nâng cao kim ngạch xuất nhập khẩu. Đơn giản hóa thủ tục hải quan, tạo điều kiện để đưa nhân lực, hàng hóa, thiết bị, phương tiện qua cửa khẩu thuận lợi. Giảm bớt gánh nặng về thủ tục, chi phí đưa người lao động là công dân ba nước vào làm việc trong Khu vực tam giác phát triển CLV. Tiếp tục thực hiện chương trình phát triển tuyến du lịch xuyên bốn quốc gia (Việt Nam - Campuchia - Lào - Thái Lan).
“Các lực lượng vũ trang hai bên tiếp tục thường xuyên tổ chức hội nghị giao ban cấp huyện, tỉnh về các vấn đề an ninh, quốc phòng, hợp tác phòng, chống tội phạm và bảo vệ an ninh trật tự trên tuyến biên giới.Quan tâm đến vấn đề an ninh phi truyền thống, nhất là vấn đề môi trường, nguồn nước có thể tác động, ảnh hưởng lâu dài đến đời sống người dân trong và ngoài Khu vực tam giác phát triển CLV. Mở rộng và tăng cường hơn nữa hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm buôn bán người, hoạt động buôn bán ma túy và buôn lậu qua biên giới”, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề xuất.
Bình Phước là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có 258,939km đường biên giới tiếp giáp với ba tỉnh của Vương quốc Campuchia là Mondulkiri, Kratie, Tboung Khmum. Bình Phước giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế Đông - Tây, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội và giao thương giữa các tỉnh vùng Đông Nam Bộ của Việt Nam với các tỉnh trong Khu vực tam giác phát triển CLV.
Các ý kiến tại phiên họp cũng nhấn mạnh, từ khi triển khai sáng kiến thành lập Khu vực tam giác phát triển CLV năm 1999 đến nay, ba nước đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác quan trọng liên quan đến nhiều lĩnh vực hợp tác như: kinh tế, đầu tư, thương mại, hải quan, giao thông vận tải, văn hóa, giáo dục và đào tạo, tạo thuận lợi cho thông thương hàng hóa, người và phương tiện qua lại biên giới...
Đại diện các bộ, ngành, địa phương đề nghị Quốc hội ba nước triển khai các hoạt động giám sát hằng năm theo chuyên đề về việc thực hiện các mục tiêu kết nối ba nước hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm, tăng cường tính đại diện cho người dân, chuyển tải tiếng nói của người dân trong việc giám sát các hoạt động của nhà nước và tạo điều kiện hơn nữa để người dân và cộng đồng tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật và chính sách./.