Tại Công văn này, UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu xây dựng, bổ sung các chỉ tiêu về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói vào nghị quyết, các chương trình, đề án, kế hoạch hành động phát triển ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân có nhu cầu xuất khẩu nông sản những quy định về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ động tham mưu UBND tỉnh trong việc phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thiết lập và đảm bảo các điều kiện kỹ thuật cần thiết đối với vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương để phục vụ công tác mở cửa thị trường, giải quyết rào cản kỹ thuật và xử lý các thông báo không tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch Covid-19.
Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với cơ quan chuyên môn của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn quy định về cấp mã số và quy định kiểm tra, giám sát vùng trồng, cơ sở đóng gói tại Tiêu chuẩn cơ sở 774;775:2020/BVTV để các tổ chức, cá nhân biết và áp dụng. Đặc biệt, chú trọng tập huấn quy trình canh tác theo hướng dẫn sử dụng vật tư đầu vào tiết kiệm, an toàn và hiệu quả; ghi chép nhật ký canh tác đầy đủ để phục vụ truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Tăng cường áp dụng công nghệ thông tin để quản lý vùng trồng và cơ sở đóng gói trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý và sử dụng mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói tại địa phương và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Bố trí cán bộ làm đầu mối và có phương án chuyển giao khi có sự thay đổi vị trí công tác để đảm bảo duy trì ổn định hoạt động quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói./.