Tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Thứ tư - 09/10/2024 11:29
(CTTĐTBP) - Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 37/CT-TTg ngày 07/10/2024 về tăng cường công tác chỉ đạo, phối hợp, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2025.
Để chủ động, tích cực chuẩn bị kỹ các điều kiện cần thiết bảo đảm nâng cao chất lượng dạy và học và tổ chức tốt Kỳ thi, tuyển sinh năm 2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát, toàn diện tổ chức Kỳ thi theo hướng giảm áp lực, giảm chi phí, ít tốn kém cho thí sinh, gia đình và xã hội, bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, lấy kết quả thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT; làm căn cứ đánh giá quá trình dạy và học ở các nhà trường, các địa phương; cung cấp dữ liệu tin cậy, trung thực để các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng trong công tác tuyển sinh; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả giữa Bộ GD&ĐT với các bộ, cơ quan, địa phương để tổ chức tốt Kỳ thi và tuyển sinh bảo đảm đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu đề ra, phù hợp với tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, miền và cả nước.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT kịp thời ban hành quy chế thi, Kế hoạch tổ chức Kỳ thi, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương về công tác chuẩn bị, tổ chức thi, bảo đảm yêu cầu phân cấp triệt để theo thẩm quyền, rõ nội dung, rõ quy trình, rõ trách nhiệm và hiệu quả. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc đổi mới phương pháp, tổ chức hoạt động dạy và học, ôn tập, kiểm tra, đánh giá đối với học sinh trung học phổ thông trong quá trình dạy và học, nhất là học sinh lớp 12 theo yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018; bảo đảm đầy đủ các yếu tố cần thiết phục vụ Kỳ thi, không để học sinh, giáo viên và các cơ sở giáo dục phổ thông bị động, khó khăn khi tham gia, tổ chức Kỳ thi.

Xây dựng và sớm công bố đề thi tham khảo có tính ổn định trong nhiều năm để các nhà trường, giáo viên, học sinh chủ động trong hoạt động ôn tập, dạy và học. Tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên của các địa phương, các cơ sở giáo dục đại học về công tác tổ chức Kỳ thi, công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, đề thi; đồng thời góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học, năng lực kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Tổ chức xây dựng đề thi bảo đảm chất lượng, bảo mật, an toàn, có độ phân hóa đáp ứng yêu cầu của Kỳ thi và tuyển sinh. Rà soát, hoàn thiện các quy trình, quy định bảo bảo đảm chặt chẽ các khâu, các bước trong công tác xây dựng đề thi và ngân hàng câu hỏi thi. Chỉ đạo các địa phương thực hiện tổ chức chấm thi bảo đảm chính xác, khách quan, trung thực.

Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về tuyển sinh theo hướng tăng cường công khai, minh bạch, công bằng, tin cậy, giảm áp lực và tạo điều kiện cho học sinh có nhiều cơ hội lựa chọn ngành nghề phù hợp năng lực của học sinh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đồng thời, bảo đảm tuyển sinh phải khách quan, thực chất, phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực đào tạo và có tác động tích cực tới nâng cao chất lượng hoạt động dạy và học ở bậc học phổ thông. Chỉ đạo các cơ sở đào tạo sớm hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh năm 2025 và các năm tiếp theo.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phục vụ tổ chức Kỳ thi, tuyển sinh bảo đảm đúng quy định, chính xác, an toàn và hiệu quả. Chuẩn bị từ sớm, từ xa các điều kiện về nguồn lực con người, tài chính, cơ sở vật chất cần thiết để từng bước tổ chức thi trên máy tính đối với các môn thi trắc nghiệm theo lộ trình đã công bố trong Phương án thi giai đoạn 2025 -2030 và các năm tiếp theo, trong đó lưu ý đối với các địa phương, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo.

Chỉ đạo, hướng dẫn và có phương án thanh tra, kiểm tra công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi và tuyển sinh bảo đảm rõ nội dung, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, tinh gọn, hiệu quả, tập trung vào những khâu tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực, gian lận trong Kỳ thi và tuyển sinh. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông trước, trong và sau Kỳ thi, tuyển sinh, nhất là đối với học sinh, phụ huynh học sinh bảo đảm kịp thời, đầy đủ, minh bạch góp phần tạo sự tham gia, ủng hộ, hỗ trợ của Nhân dân và đồng thuận của xã hội về công tác tổ chức Kỳ thi. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan trong việc tổ chức Kỳ thi, tuyển sinh và xử lý hiệu quả những vấn đề phát sinh theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về công tác chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi tại địa phương, trong đó tập trung chỉ đạo Sở GD&ĐT thực hiện kế hoạch dạy và học, ôn tập, kiểm tra, đánh giá học sinh bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018; yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan liên quan của địa phương phối hợp chặt chẽ với Sở GD&ĐT trong việc chuẩn bị, tổ chức Kỳ thi bảo đảm chất lượng, tạo thuận lợi cho giáo viên và học sinh để Kỳ thi được diễn ra an toàn, hiệu quả, nghiêm túc, trung thực, khách quan.

Xây dựng phương án và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về nhân lực, vật lực, các điều kiện cần thiết khác ngay từ đầu năm học, nhất là các phương án ứng phó với tình huống bất thường để tổ chức Kỳ thi đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra. Chỉ đạo các cơ quan liên quan tập huấn cho những người tham gia tổ chức Kỳ thi; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà trường trong việc dạy và học, ôn tập cho học sinh; tăng cường công tác thông tin, truyền thông trước, trong và sau Kỳ thi, tạo sự đồng thuận xã hội và sự ủng hộ, hỗ trợ của Nhân dân.

Chỉ đạo và tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động dạy học và thi trên địa bàn theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và các cơ quan bảo đảm an toàn, nghiêm túc, giảm áp lực, không chồng chéo; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trường thi; các lực lượng làm công tác thi thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và phân cấp quản lý nhà nước bảo đảm tất cả các khâu của kỳ thi đều được giám sát, thanh tra, kiểm tra theo quy định.

Chủ động triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, vật tư, trang thiết bị, nhân lực sẵn sàng đáp ứng các tình huống về sức khỏe của học sinh, giáo viên và những người liên quan trong quá trình ôn tập, tham gia Kỳ thi; bảo đảm an ninh, an toàn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, ăn ở và các điều kiện cần thiết khác cho học sinh nhất là đối với học sinh ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo và các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện công tác tuyển sinh các trình độ của giáo dục nghề nghiệp; phối hợp với các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục đại học thực hiện kế hoạch tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp, định hướng phân luồng người học vào giáo dục nghề nghiệp phù hợp với Kỳ thi và Chương trình giáo dục phổ thông 2018...

Tác giả: T.T

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập829
  • Hôm nay20,008
  • Tháng hiện tại7,112,291
  • Tổng lượt truy cập490,975,729
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây