(CTTĐTBP) - Ngày 17/10/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) ban hành văn bản đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh công tác thú y thủy sản.
Để nâng cao hiệu quả công tác thú y thủy sản, góp phần phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; khắc phục cảnh báo của cơ quan thẩm quyền thuộc Ủy ban Châu Âu nhằm giữ vững thị trường xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố thực hiện bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả “Kế hoạch quốc gia phòng chống một số dịch bệnh nguy hiểm trên thủy sản nuôi giai đoạn 2021 - 2030” ban hành kèm theo Quyết định số 434/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ NN&PTNT.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và cấp đủ, kịp thời kinh phí hàng năm bảo đảm triển khai có hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản; tăng cường giám sát chủ động nhằm phát hiện, cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra dịch bệnh và hỗ trợ công tác kiểm dịch giống hiệu quả, đảm bảo giống xuất tỉnh phải được giám sát hoặc kiểm tra xét nghiệm bệnh trước khi cấp giấy chứng nhận kiểm dịch. Tổ chức thanh tra, kiểm tra đột xuất các cơ sở buôn bán thuốc thú y thủy sản, cơ sở nuôi thủy sản đặc biệt là các cơ sở đã phát hiện có dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm trên thủy sản thời gian qua. Xác định rõ nguyên nhân, nguồn gốc nhiễm dư lượng kháng sinh, hóa chất tại từng cơ sở nuôi, các tổ chức - cá nhân bán nguyên liệu kháng sinh, thuốc ngoài danh mục; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.
Quản lý chặt chẽ lực lượng tiếp thị, quảng cáo và bán trực tiếp thuốc thú y tại vùng nuôi, cơ sở nuôi. Yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh, đại lý, cửa hàng buôn bán thuốc thú y, thuốc thủy sản, thức ăn thủy sản trên địa bàn tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, chủ động phối hợp với cơ quan thú y, nhân viên thú y xã để hướng dẫn người nuôi mua thuốc thú y tại các cơ sở đủ điều kiện, sử dụng đúng - đủ - kịp thời, không lạm dụng kháng sinh cho động vật thủy sản ăn định kỳ. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về thú y và thủy sản, nâng cao nhận thức và ý thức của người nuôi về phòng chống dịch bệnh thủy sản, sử dụng thuốc thú y thủy sản có trách nhiệm, mua thuốc thú y thủy sản có nguồn gốc rõ ràng, có trong danh mục được phép lưu hành, tuân thủ nghiêm ngặt việc sử dụng, ngừng sử dụng thuốc trước khi thu hoạch nhằm hạn chế tối đa dư lượng kháng sinh, đặc biệt không sử dụng kháng sinh nguyên liệu, thuốc dùng trong nhân y, kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản./.