Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ hai - 21/02/2022 15:44
(CTTĐTBP) - Sáng kiến phát triển module tự động hóa xây dựng kỷ yếu về nhãn mác hàng hóa thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và chuyển đổi số được phát triển và áp dụng lần đầu vào tháng 01/2022 tại Sở Khoa học và Công nghệ. Module được phát triển bằng ngôn ngữ lập trình hiện đại, trong môi trường công nghệ hiện đại và giải quyết được vấn đề thực tiễn đang đề ra.
Cổng Thông tin điện tử tỉnh giới thiệu bài viết của Tiến sĩ Trần Quốc Hoàn - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, đồng thời cũng chính là tác giả của sáng kiến.
Theo Tiến sĩ Trần Quốc Hoàn, từ năm 1997 đến nay, khối lượng tài sản trí tuệ được hình thành thông qua các văn bằng bảo hộ đã góp phát triển thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ trên địa bàn tỉnh như: chỉ dẫn địa lý “Hạt điều Bình Phước”, nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Bình Phước”, nhãn hiệu tập thể “Hồ tiêu Lộc Ninh”, “Gà thả vườn và nhãn tiêu da bò Thanh Lương, Bình Long”; 6 sáng chế hữu ích; 9 kiểu dáng công nghiệp; 400 nhãn hiệu hàng hoá… Sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu trên địa bàn tỉnh đã có khởi sắc, có nhiều đóng góp cho kinh tế - xã hội của tỉnh.
Để góp phần phát triển tài sản trí tuệ và thương hiệu, việc xây dựng kỷ yếu nhãn hiệu hàng hóa để phổ biến rộng rãi là rất cần thiết. Bên cạnh đó, việc quản lý về nhãn hiệu hàng hóa trong thời kỳ chuyển đổi số thì cũng cần xây dựng được cơ sở dữ liệu và phát triển được module để tự động hóa cho việc xây dựng kỷ yếu và quản lý nhãn hiệu hàng hóa. Việc module tự động hóa xây dựng kỷ yếu về nhãn mác hàng hóa là cần thiết và xuất phát từ thực tế. Thông qua ứng dụng này cũng góp phần tiết kiệm ngân sách cho tỉnh.
Theo tác giả, hiện nay, trên cơ sở tham khảo thông tin trên phạm vi toàn tỉnh, toàn quốc thì chưa thấy module hay phần mềm nào tự động hóa lập kỷ yếu về nhãn mác hàng hóa trên phạm vi toàn tỉnh từ năm 1997 tới nay. Do đó, việc xây dựng module tự động hóa xây dựng kỷ yếu về nhãn mác hàng hóa sẽ góp phần phát triển thành phần mềm để phục vụ cho công tác quản lý về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Phương pháp và các bước thực hiện
Việc thiết kế module được ứng dụng phương pháp lập trình bằng ngôn ngữ Microsoft Visual professional C# 2010, theo các bước sau: Thảo luận chuyên môn trong nhóm; thu thập dữ liệu; xây dựng, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu; xác định những nội dung cần thực hiện trong xây dựng kỷ yếu về nhãn mác hàng hóa.
Kết quả xây dựng ra trang web có cấu hình và chức năng như Ảnh 1. Khi khởi động module, màn hình máy tính xuất hiện giao diện cấu hình với những chức năng như Ảnh 1.
Các chức năng của module
Chức năng 1 (Truy xuất, hiện thị thông tin): Từ cơ sở dữ liệu ảnh, dữ liệu bảng đã được chuẩn hóa thì module sẽ tự động cập nhật và trung xuất một số thông tin điều khiển như Ảnh 2.
Chức năng 2 (Tự động hóa truy xuất thông tin, xây dựng Kỷ yếu nhãn mác hàng hóa theo phạm vi tự lựa chọn): Module sẽ tự động truy xuất thông tin, phân tích thông tin, xây dựng đầy đủ nội dụng của kỷ yếu theo phạm vi (tự chọn) và hiển thị kỷ yếu được xây dựng lên màn hình như Ảnh 3.
Chức năng 3 (Lưu kết quả xây dựng kỷ yếu ở dạng file .txt): Sau khi xây dựng xong kỷ yếu thì module sẽ tự động lưu kỷ yếu thành dạng file .txt như Ảnh 4.
Chức năng 4 (Lưu file .txt của kỷ yếu sang làm dự phòng): Từ file .txt của kỷ yếu thì module sẽ tự động hóa lưu thành một file .txt khác để dự phòng cho dữ liệu, như Ảnh 5.
Chức năng 5 (Lưu kỷ yếu sang dạng .doc): Từ kết quả xây dựng kỷ yếu dạng file .txt thì module sẽ tự động hóa lưu sang dạng Word như Ảnh 6.
Chức năng 6 (Mở kỷ yếu đã xây dựng): Từ kỷ yếu dạng Word được xây dựng thì module sẽ truy cập và mở file kỷ yếu ra như Ảnh 7.
Hiệu quả áp dụng
Module này đã vận hành thực nghiệm ở Phòng Quản lý khoa học và Công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) để xây dựng kỷ yếu nhãn hiệu hàng hóa tỉnh Bình Phước từ năm 1997 đến nay. Module được cài đặt độc lập trên máy tính nên vận hành thuận lợi.
Qua kiểm tra thực nghiệm, lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến được đánh giá như sau: Giảm được nhân công quản lý cho đơn vị, module giải quyết trên 80% nhiệm vụ (tương đương với giá trị khoảng 180 triệu đồng); góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số tại Sở Khoa học và Công nghệ theo chủ trương của tỉnh. Đồng thời, là cơ sở để khuyến khích cán bộ, công chức phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin để phục vụ cho công tác quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ.
Từ những nội dung trên cho thấy, sáng kiến cần được tiếp tục phát triển và đưa vào khai thác sử dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh./.