Hệ thống CSDL ngành du lịch được xây dựng, phát triển toàn diện thống nhất trên phạm vi toàn quốc, nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về du lịch, đồng thời góp phần quảng bá xúc tiến du lịch. Khai thác, kết nối, đồng bộ các CSDL gắn với cải cách hành chính, nâng cao năng lực quản trị nhà nước dựa trên công nghệ hiện đại, xác định dữ liệu làm nền tảng phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là phát triển, duy trì và cập nhật thông tin, dữ liệu trong hệ thống CSDL ngành du lịch trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới. Xây dựng hệ thống CSDL ngành du lịch theo đúng các tiêu chuẩn, quy chuẩn và phương án kỹ thuật liên quan một cách đồng bộ phù hợp với khả năng và nhu cầu về quản lý, khai thác dữ liệu dùng chung của các đơn vị, bộ, ngành, địa phương.
Tiếp tục chuẩn hóa, kết nối, tích hợp, chia sẻ các CSDL chuyên ngành hiện có để tổng hợp thành CSDL toàn diện ngành du lịch. Xây dựng hệ thống CSDL ngành du lịch có tính mở, có khả năng tuỳ biến, nâng cấp cao, đáp ứng kết nối, chia sẻ và tương tác dữ liệu giữa các cơ quan, bộ, ngành, doanh nghiệp, người dân và khách du lịch.
Các CSDL thành phần ngành du lịch được xây dựng, kết nối và chia sẻ trên toàn quốc, tạo nền tảng phát triển du lịch số với các thông tin theo yêu cầu quản lý của ngành. Cụ thể hoàn thiện CSDL về doanh nghiệp lữ hành (100% doanh nghiệp lữ hành bao gồm cả quốc tế và nội địa được đưa vào CSDL); tiếp tục duy trì, nâng cấp CSDL về hướng dẫn viên du lịch (100% thẻ hướng dẫn viên du lịch được đưa vào CSDL); phát triển hoàn thiện CSDL về cơ sở lưu trú du lịch (tối thiểu 80% các cơ sở lưu trú du lịch được đưa vào CSDL); xây dựng thử nghiệm CSDL về tài nguyên du lịch.
Đến năm 2030 tiếp tục phát triển hệ thống CSDL có thể thu nhận, lưu trữ thêm các dữ liệu khác từ công nghệ vạn vật kết nối Internet (IoT), áp dụng công nghệ dữ liệu lớn (Big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) là các công nghệ chính để xử lý, phân tích dữ liệu phục vụ phân tích, đánh giá, quản lý, kết nối, chia sẻ dữ liệu trong ngành du lịch và các tổ chức, cá nhân liên quan. Tiếp tục duy trì, nâng cấp, hoàn thiện các CSDL trong lĩnh vực du lịch (doanh nghiệp lữ hành; cơ sở lưu trú du lịch; hướng dẫn viên du lịch; khu du lịch, điểm du lịch; thống kê du lịch). Phát triển hoàn thiện các CSDL.
Thời gian thực hiện của đề án, từ năm 2024 đến năm 2030 và chia thành 2 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 (2024 - 2025), ưu tiên hoàn thiện, xây dựng một số CSDL thành phần chính ngành du lịch để kết nối và chia sẻ trên toàn quốc. Giai đoạn 2 (2026 - 2030), tiếp tục duy trì, nâng cấp, phát triển mở rộng các CSDL thành phần đã được hoàn thiện, xây dựng trong giai đoạn 1; hoàn thiện các CSDL thành phần còn lại tạo nên hệ thống CSDL toàn diện ngành du lịch.
Đối tượng sử dụng và hưởng lợi của đề án: cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, cơ quan chuyên môn về du lịch, doanh nghiệp/cơ sở kinh doanh liên quan đến du lịch, người dân, khách du lịch, các cơ quan liên quan.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: xây dựng mô hình tổ chức dữ liệu; giải pháp về công nghệ; đầu tư xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng cơ chế chính sách; đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp; tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể về sự cần thiết, ý nghĩa của việc số hóa dữ liệu ngành du lịch./.