(CTTĐTBP) - Ngày 01/6, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 184/KH-UBND thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021 - 2025.
Chương trình đề ra mục tiêu chung là chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng thương mại dịch vụ, tăng tỷ trọng đóng góp của dịch vụ du lịch vào kinh tế nông thôn, thúc đẩy liên kết, xây dựng phát triển chuỗi giá trị du lịch nông thôn hiệu quả; phát triển và đa dạng hóa kinh tế nông thôn thông qua phát triển kinh tế du lịch nông nghiệp, nông thôn với loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch làng nghề truyền thống có tiềm năng lợi thế nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn góp phần thực hiện mục tiêu chính trị quan trọng là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và đạt mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM bền vững. Đồng thời, phát triển hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn đặc trưng hấp dẫn, chất lượng, có khả năng cạnh tranh cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp, nông thôn trong hoạt động du lịch.
Phấn đấu đến năm 2025, mỗi huyện, thị xã, thành phố tập trung ưu tiên nguồn lực đảm bảo hoàn thành việc phát triển, hình thành mỗi địa phương có tối thiểu 02 điểm du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM; đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số có ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số; phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu xúc tiến quảng bá; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về kỹ năng phục vụ du lịch, bồi dưỡng nghề cho tối thiểu 80% nhân viên làm việc trong các cơ sở dịch vụ, làng nghề phục vụ du lịch, cán bộ quản lý du lịch tại địa phương và các chủ thể hoạt động kinh doanh du lịch nông nghiệp nông thôn; tập trung xây dựng 06 mô hình thí điểm du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
Chương trình được thực hiện từ năm 2023 đến năm 2025 ở các khu vực nông thôn trên toàn địa bàn tỉnh, trong đó tập trung tại các điểm du lịch nông thôn do cộng đồng địa phương tổ chức quản lý hoặc có sự tham gia của cộng đồng.
Đối tượng thực hiện bao gồm: các cơ quan quản lý nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào lĩnh vực du lịch nông thôn; đặc biệt là các hộ gia đình, chủ thể hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn nông thôn có nhu cầu khai thác và liên kết phát triển du lịch nông thôn.
Chương trình được thực hiện từ nguồn vốn Trung ương bổ sung có mục tiêu cho Chương trình mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; vốn ngân sách địa phương thực hiện theo phân cấp ngân sách; vốn xã hội hóa hợp pháp (các doanh nghiệp, hợp tác xã, các loại hình kinh tế khác, cộng đồng dân cư…); vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án khác; vốn huy động hợp pháp khác.
8 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong chương trình, đó là nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM; thí điểm xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch nông thôn mang đặc trưng địa phương; xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP; xây dựng mô hình hoạt động trải nghiệm, tham quan về ngành điều; xây dựng các mô hình theo chuỗi liên kết du lịch nông thôn đặc thù có sự tham gia của người dân là chủ thể, tổ hợp tác, hợp tác xã, hộ kinh doanh, doanh nghiệp; truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch nông thôn; phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; rà soát, bổ sung và triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh yêu cầu việc triển khai thực hiện phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn tỉnh phải gắn với thực hiện Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Việc lựa chọn xây dựng phát triển Điểm du lịch nông thôn phải phù hợp với đối tượng và không gian; bám sát các nội dung, yêu cầu của Chương trình phát triển du lịch nông thôn; xác định rõ nội dung công việc, lộ trình, thời gian thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo đúng tiến độ, chất lượng đáp ứng được mục đích, mục tiêu, yêu cầu đề ra. Triển khai kế hoạch đảm bảo sự phối hợp, thống nhất, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân liên quan, tránh hình thức, lãng phí.
UBND tỉnh giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối, chủ trì tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai thực hiện Kế hoạch này hiệu quả; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của tỉnh hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và giám sát các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch và làm đầu mối tổng hợp, báo cáo theo quy định. Chủ trì, phối hợp triển khai thực hiện xây dựng các mô hình thí điểm du lịch nông thôn từ nguồn ngân sách hỗ trợ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia của trung ương. Tham mưu nghiên cứu, bổ sung nội dung phát triển du lịch nông thôn vào Phương án phát triển du lịch trong Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050./.