Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ tư - 23/10/2024 08:32
(CTTĐTBP) - Từ một huyện mới tái lập với muôn vàn khó khăn, sau 15 năm, ngành giáo dục Hớn Quản đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, khẳng định vị thế và vai trò quan trọng trong sự nghiệp trồng người.
Có thể khẳng định, sau 15 năm tái lập, giáo dục Hớn Quản đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển.
Khởi đầu đầy thách thức
Tháng 11/2009, huyện Hớn Quản chính thức được tái lập theo Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ. Những ngày đầu, ngành giáo dục huyện đối mặt với vô vàn khó khăn: cơ sở vật chất thiếu thốn, đội ngũ giáo viên mỏng, chất lượng giáo dục chưa đồng đều, tỷ lệ huy động trẻ ra lớp còn thấp... Toàn huyện chưa có trường nào đạt chuẩn quốc gia, chưa xã nào đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, tỷ lệ huy động trẻ mầm non 5 tuổi ra lớp chỉ đạt 70%.
Điểm sáng trong giáo dục vùng khó
Từ một ngôi trường nhỏ, đơn sơ, được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, Trường Tiểu học Thanh An đã vươn lên trở thành một trong những điểm sáng của giáo dục địa phương. Với 25 phòng học và 43 cán bộ, giáo viên, nhân viên, nhà trường hiện đang đào tạo cho gần 800 học sinh. Trong những năm học vừa qua, Trường Tiểu học Thanh An đã chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch chi tiết nhằm triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho các khối lớp 1, 2, 3, và 4. Đồng thời, trường cũng chuẩn bị kỹ càng cho khối lớp 5, giúp học sinh tiếp cận chương trình mới một cách bài bản.
Trường Tiểu học Thanh An đã đầu tư, trang bị 100% phòng học với tivi thông minh, hỗ trợ hiệu quả trong quá trình giảng dạy và học tập. Hệ thống trang thiết bị đầy đủ đã giúp giáo viên dễ dàng triển khai các môn học tích hợp công nghệ, nâng cao chất lượng giảng dạy. Học sinh không còn thụ động tiếp thu mà được khuyến khích tham gia các hoạt động trải nghiệm thực tiễn, phát triển kỹ năng sống và tư duy sáng tạo.
Không chỉ đạt kết quả học tập cao, học sinh còn phát triển mạnh về phẩm chất, kỹ năng sống và sự tự tin. Môi trường học tập lành mạnh, thân thiện, kết hợp với phương pháp học tập tích cực đã giảm bớt áp lực, giúp học sinh thoải mái hơn trong việc học tập và tiếp thu kiến thức.
Hàng năm, tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học luôn đạt 100%, đặc biệt là tỷ lệ học sinh 6 tuổi vào lớp 1 trên địa bàn đạt tuyệt đối 100% và không có học sinh dân tộc nào bỏ học trong suốt năm học. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình học và lên lớp cũng đạt con số ấn tượng 99,2%.
Thầy Phạm Văn Quyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thanh An, xã Thanh An cho biết: “Hiện nay, đội ngũ giáo viên nhà trường đã đảm bảo về tỷ lệ là 1,5. Cơ sở vật chất đã được nhà nước đầu tư rất đầy đủ, mong muốn rằng sau khi đã hoàn thiện xong trường đạt chuẩn quốc gia, được nhà nước quan tâm để xây dựng trường học thông minh, trường học hạnh phúc”.
Phát triển cơ sở vật chất và môi trường học tập
Tại Trường Mầm non Tân Khai B, việc đầu tư và phát triển cơ sở vật chất luôn được chú trọng với mục tiêu tạo ra môi trường học tập an toàn, hiện đại và thân thiện cho trẻ. Trong năm học 2023-2024, nhà trường đã cải tạo và nâng cấp toàn diện từ khu vui chơi ngoài trời, vườn hoa, đến các phòng học đều được bố trí thiết bị giảng dạy tiên tiến. Các phòng học được trang bị đầy đủ bàn ghế tiêu chuẩn và các góc thư viện giúp trẻ phát triển thói quen đọc sách từ nhỏ. Đặc biệt, khu vui chơi được sáng tạo từ những vật liệu thân thiện với môi trường như bánh xe, ống nước tái chế, mang đến cho trẻ không gian vui chơi an toàn và gần gũi.
Những cải tiến này không chỉ đảm bảo sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ mà còn tạo điều kiện để các em trải nghiệm và khám phá, từ đó hình thành kỹ năng sống và tư duy sáng tạo. Phụ huynh và giáo viên đều nhận thấy sự tích cực và tiến bộ rõ rệt của trẻ khi được học tập trong môi trường xanh, sạch và thân thiện này.
Cô Lê Thị Trang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Khai B, thị trấn Tân Khai chia sẻ: “Năm học 2023-2024, trường đã được UBND tỉnh có công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Giai đoạn tiếp theo, nhà trường có kế hoạch mở rộng một số khu vui chơi, học tập, vườn rau, vườn cổ tích..., tiến tới xây dựng và phát triển trường đạt chuẩn quốc gia ở mức độ 2”.
Gặt hái quả ngọt
Sau 15 năm nỗ lực phấn đấu, đến nay, ngành giáo dục Hớn Quản đã đạt được những kết quả đáng tự hào, toàn huyện có 34 trường ở 03 bậc học gồm Mầm non, Tiểu học và THCS, 618 lớp học với gần 20.000 học sinh; 14/18 trường đạt chuẩn quốc gia, ước thực hiện đến cuối năm đạt thêm 04 trường chuẩn quốc gia; 100% cán bộ quản lý, giáo viên đã đạt chuẩn về trình độ đào tạo, trong đó 84% trên chuẩn.
Chất lượng giáo dục được nâng lên; tỷ lệ học sinh bỏ học đều giảm qua các năm; tỷ lệ huy động trẻ từ 3 tuổi đến 5 tuổi tham gia các lớp học mầm non; học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 và tỷ lệ tốt nghiệp THCS năm sau đều tăng so với năm trước.
Ông Bùi Duy Dũng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Hớn Quản cho biết: “Trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo các cấp tập trung nâng cao các năng lực ngoại ngữ của học sinh. Kết hợp việc dạy học song ngữ trong nhà trường, tham mưu các chính sách để đầu tư cho giáo dục và đào tạo, với phương châm giáo dục là quốc sách hàng đầu theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 29, Nghị quyết của Trung ương khóa 11 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng các yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.”
Tin tưởng rằng, với sự quan tâm của lãnh đạo các cấp, sự nỗ lực của ngành giáo dục và sự ủng hộ của toàn xã hội, ngành giáo dục Hớn Quản sẽ tiếp tục gặt hái được nhiều quả ngọt, xứng đáng với sự nghiệp trồng người cao quý./.