Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ ba - 26/09/2023 14:54
(CTTĐTBP) - Sáng 26/9, Tỉnh ủy viên, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phạm Thị Bích Thủy chủ trì hội nghị lấy ý kiến góp ý đối với hồ sơ dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (TAND) sửa đổi.
Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điểu Huỳnh Sang; đại diện lãnh đạo các phòng nghiệp vụ Tòa án nhân dân tỉnh; lãnh đạo Tòa án nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cùng dự hội nghị.
Dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi gồm 9 chương, 151 điều; trong đó, bổ sung 51 điều mới, sửa đổi 93 điều, giữ nguyên 7 điều. So với Luật Tổ chức TAND năm 2014, dự thảo luật giảm 2 chương, tăng thêm 54 điều. Dự thảo luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2/6/2023.
Bố cục của dự thảo luật gồm: Những quy định chung; nhiệm vụ, quyền hạn của TAND; Hội đồng tư pháp quốc gia; tổ chức bộ máy; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác trong TAND; hội thẩm; tổ chức xét xử; bảo đảm hoạt động của TAND; điều khoản thi hành.
Thống nhất cao với dự thảo sửa đổi Luật Tổ chức TAND sửa đổi nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân; các đại biểu tập trung cho ý kiến về nội hàm quyền tư pháp, hoàn thiện tổ chức, bộ máy của tòa án, trong đó đề cập đến nhiệm kỳ của thẩm phán; chức năng thực hiện quyền tư pháp của tòa án; nhiệm vụ xét xử các vi phạm hành chính, thẩm quyền, trách nhiệm thu thập chứng cứ của tòa án trong quá trình giải quyết, xét xử các vụ án hình sự, hành chính, dân sự, cần đặt ra trách nhiệm của tòa án trong việc hướng dẫn và hỗ trợ thu thập chứng cứ để bảo vệ đối tượng yếu thế…
Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điểu Huỳnh Sang khẳng định: Đây là hội nghị chuyên sâu, do đó các đại biểu cần phân tích sâu hơn những nội dung phát sinh từ thực tiễn, những bức xúc của cử tri. Đồng thời làm rõ thêm các nội dung liên quan đến nội hàm quyền tư pháp; việc thành lập Tòa án nhân dân chuyên biệt, Hội đồng tư pháp quốc gia cũng như địa vị pháp lý của Hội đồng tư pháp quốc gia…
Phát biểu tại hội nghị, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Phạm Thị Bích Thủy đánh giá cao dự thảo Luật Tổ chức TAND sửa đổi. Bà Thủy cho rằng: các ý kiến góp ý chất lượng của các đại biểu tại hội nghị sẽ được tổng hợp báo cáo lên tòa cấp cao trước khi trình cơ quan có thẩm quyền xem xét.
Tổng kết 8 năm thi hành Luật Tổ chức TAND năm 2014 cho thấy, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn tồn tại những vướng mắc, bất cập. Trong khi hệ thống tòa án đang đứng trước những thách thức lớn như: Yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, trách nhiệm ngày càng lớn; số lượng vụ việc phải giải quyết ngày càng tăng, với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp; việc thực hiện các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài phát sinh nhiều vấn đề mới… Do đó, sửa đổi Luật Tổ chức TAND là yêu cầu cấp bách, góp phần hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự án luật.