Kỷ niệm 50 năm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô (28/8/1972 - 28/8/2022)

Thứ ba - 23/08/2022 10:12
(CTTĐTBP) - Chiến thắng Tàu Ô (28/8/1972) là thắng lợi của truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, ngoan cường, thắng lợi của tinh thần quả cảm và sự mưu trí, sáng tạo. Là thắng lợi của sự đoàn kết keo sơn gắn bó giữa các lực lượng vũ trang với nhân dân các dân tộc, các tôn giáo trong quá trình chiến đấu, lao động và trưởng thành.
z3664751168530 a580c66a19cabbf11ce72be77b65a2b6
Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô
I. Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972

1. Vị trí lịch sử cụm chốt chặn Tàu Ô trên Đường 13 trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972


Trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 trên chiến trường Đông Nam bộ, Bộ Chỉ huy Miền sử dụng ba sư đoàn bộ binh (Sư đoàn 5, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 9) và lực lượng vũ trang Bình Phước tham gia chiến dịch. Sư đoàn 7 và lực lượng vũ trang Bình Phước được giao nhiệm vụ chốt chặn Tàu Ô (nay thuộc thị trấn Tân Khai, huyện Hớn Quản) kết hợp đánh vận động, sau đó chuyển sang chiến đấu phòng ngự khu vực đã chia cách địch trên Đường 13.

Nhiệm vụ là tấn công, ngăn chặn địch trên Đường 13 dài gần 20km (đoạn từ phía nam Bình Long đến phía bắc Chơn Thành), trọng điểm là khu vực Tàu Ô để quân ta giải phóng Lộc Ninh và tiến công thị xã An Lộc.

Thực hiện phương châm chỉ đạo chiến dịch “chốt cứng, chặn đứng” kết hợp giữ vững trận địa dài ngày và ngăn không cho địch dùng xe tăng, xe cơ giới vượt qua chốt chặn Tàu Ô, lấy thế trận bao vây, chia cắt, chặn bộ binh, cơ giới địch lên tăng viện và không cho địch tháo chạy về Sài Gòn… Cụm chốt chặn chiến dịch trên đường 13 (Tàu Ô) có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972, đó là:

Thứ nhất, lựa chọn Tàu Ô để lập chốt chặn vì nơi này có suối Tàu Ô, có cống to, xe tăng của địch không thể vượt qua được. Do vậy, Bộ tư lệnh Miền đưa Sư đoàn 7 mà chủ lực là Trung đoàn 209 và lực lưỡng vũ trang Bình Phước vào chốt ngay cống Tàu Ô, với quyết tâm giữ Đường 13. Tuyến đường này có ý nghĩa chiến lược quan trọng, do áp sát Sài Gòn.

Thứ hai, có giữ được Đường 13 thì chúng ta mới giữ được địa bàn Lộc Ninh, đảm bảo và đưa Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam về căn cứ cách mạng, cho nên ta với địch tranh giành nhau từng tấc đất. Phương châm chỉ đạo toàn bộ hoạt động của chiến dịch “chốt cứng, chặn đứng” với quyết tâm “mỗi người là một mũi thép tiến công”.

Do vị trí tự nhiên đặc biệt quan trọng nên Tàu Ô - Xóm Ruộng trở thành chiến lũy án ngự đoạn Đường 13, đây là bàn đạp quan trọng để ta phát triển xuống vùng trung tuyến hoặc địch tiến ra vùng giải phóng. Do vậy, Tàu Ô - Xóm Ruộng trở thành khu vực trọng điểm giành giật giữa ta và địch trong Chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972.

Cụm chốt chặn Tàu Ô đã đánh dấu bước phát triển mới, sáng tạo về chiến thuật chốt chặn của Đảng, quân đội Việt Nam, đó là “Chốt chặn kết hợp vận động tiến công”.

2. Diễn biến của chiến dịch

Đợt 1 của chiến dịch diễn ra sáng ngày 5/4/1972


Để khơi thông Đường 13 và đập tan lực lượng quân Giải phóng chốt chặn Tàu Ô, địch huy động toàn bộ lực lượng của các sư đoàn 18, 21, 25, lữ đoàn 15 tăng thiết giáp, 1 lữ đoàn lính dù và sử dụng hơn 35.000 quả đạn pháo 105mm, 155mm, đánh phá trận địa ta. Trong 3 ngày đầu (từ 5/4 đến 8/4/1972), địch dùng hai phi đội máy bay chiến thuật với 120 lần chiếc đánh vào Tàu Ô; 80 lần chiếc yểm trợ cho bộ binh tấn công vào Tàu Ô. Địch còn huy động máy bay chiến lược B52 đánh 2 lần vào 2 giờ gần nhau, đánh thành chữ (X) lấy Tàu Ô làm giao điểm từ tây sang đông với chiều sâu 800m. Trước sự hủy diệt của lực lượng không quân, bộ binh và các hỏa lực pháo binh của địch, bộ đội ta vẫn tồn tại và kiên cường chống trả quyết liệt mỗi ngày.

Trên cơ sở phân tích tình hình chiến sự, lực lượng của địch, Bộ Tư lệnh Miền hạ quyết tâm cao và huy động, bố trí ba sư đoàn bộ binh chủ lực (Sư đoàn 5, Sư đoàn 7, Sư đoàn 9) cùng với sự tăng cường của các đơn vị, lực lượng vũ trang Bình Phước.

Đúng 5 giờ 30 phút, ngày 5/4/1972, Sư đoàn 5 quân Giải phóng mở trận tấn công mãnh liệt vào cụm cứ điểm Lộc Ninh - trọng điểm chính của chiến dịch Nguyễn Huệ. Phối hợp với chiến trường Lộc Ninh, các lượng vũ trang và du kích Bình Long cùng với quân chủ lực tấn công và làm tan rã hoàn toàn các cứ điểm quân sự xung yếu của địch trên Đường 13. Sư đoàn 7 triển khai chiếm lĩnh dọc đường 13 từ ngã ba Đồng Tâm đến thị trấn Chơn Thành, kết hợp với Huyện đội Chơn Thành, Huyện đội Hớn Quản gỡ một số đồn bảo an ở ngoại vi thị xã.

Ở phía bắc thị xã An Lộc, Sư đoàn 9 cùng với du kích và lực lượng bộ binh tỉnh, huyện tiến công vào căn cứ Téc Ních và cứ điểm Phú Lố. Trong nội ô thị xã, ta liên tiếp pháo kích, giam chân địch trong các đồn bót. Trước sức tấn công mạnh liệt của quân Giải phóng, lại không được tăng viện, địch buộc phải bỏ Lộc Ninh để dồn sức phòng thủ Bình Long. Ngày 7/4/1972, Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng.

Mất Lộc Ninh, thị xã An Lộc bị bao vây, Mỹ - ngụy dồn lực lượng cả ba vùng chiến thuật và phần lớn quân chủ lực ngụy ở Nam bộ để đối phó với ta trên vùng đông bắc Sài Gòn, giữ lấy thị xã Bình Long. Các hoạt động đó của địch đã gây cho chúng ta nhiều khó khăn trong việc cơ động lực lượng, chuyển binh khí kỹ thuật, song Bộ Tư lệnh chiến dịch vẫn quyết tâm giải phóng bằng được thị xã An Lộc.

Từ ngày 7 đến 13/4/1972, trong khi quân Giải phóng bao vây thị xã An Lộc, lực lượng du kích, các đội công tác huyện và du kích các xã tập trung đánh trung đội bảo an đóng tại Xacoxuyt (Xa-cô-xít), truy bắt bọn tề điệp, phá rã bộ máy kìm kẹp của địch. Một bộ phận vũ trang huyện Hớn Quản và du kích Phước An chỉ huy trung đội dân vệ ấp chiến lược Tổng Cui đứng lên phá tan ấp chiến lược Tổng Cui. Ở Sóc Gòn, du kích diệt được 40 tên địch.

Khi các đơn vị chủ lực tiến công vào thị xã, tiểu đoàn 368 của tỉnh và lực lượng vũ trang huyện Hớn Quản tấn công bót cảnh sát Quản Lợi, kêu gọi dân vệ, bảo an ra hàng. Tiếp đó, hai đại đội 70 và 75 do đồng chí Út Tính, Huyện đội phó chỉ huy, cùng với đại đội đặc công tỉnh phối hợp tiến công địch ở ngoại vi, tiếp tục tấn công bọn bảo an dân vệ ở các ấp ven và ngay tại thị xã An Lộc, kềm chân địch để chủ lực quân Giải phóng tiến sâu vào nội thị. Đặc biệt trong các ngày 21, 22/4/1972, bộ đội đặc công tỉnh và du kích cùng với Trung đoàn 14 (Sư đoàn 7) và Trung đoàn 1 (Sư đoàn 5) chủ lực Miền, tấn công chiếm lại Núi Gió và cao điểm 169, diệt phần lớn tiểu đoàn 6 dù và ban chỉ huy lữ đoàn dù. Ở Tân Khai, Xa Cam, Xa Cát, các mũi tấn công cùng du kích phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kìm, gọi binh sĩ địch ra hàng. Ở Xa Cam, Xa Cát, hàng chục lính phòng vệ dân sự bỏ súng về với cách mạng, một số cơ sở mật tại Xa Cát đã vận động được 29 phòng vệ dân sự trở về với cách mạng.

Ngày 13/4/1972, quân Giải phóng bắt đầu tiến công thị xã An Lộc, pháo binh các loại đồng loạt bắn phá các mục tiêu quan trọng của địch trong tiểu khu, địch phản kích mạnh bằng những hoạt động bom, pháo và tấn công từ sau lưng đội hình của quân Giải phóng nhằm giải tỏa áp lực xung quanh thị xã. Suốt 32 ngày đêm liền, chiến sự diễn ra vô cùng ác liệt giữa một bên là quân Giải phóng quyết tâm giải phóng thị xã An Lộc bằng mọi giá. Địch tăng cường binh lực cố thủ trong thị xã bằng mọi giá, chúng huy động gồm 5 lữ đoàn để tăng cường hỏa lực không quân chi viện, máy bay B52, máy bay chiến thuật và hỏa lực chống tăng được tăng cường, bố trí sẵn ở các nút chặn và trên các nhà cao tầng để ngăn chặn tiến công của ta. Lực lượng phía sau của địch được tăng cường thêm Sư đoàn 21, Trung đoàn 15 (Sư đoàn 9) ở đồng bằng sông Cửu Long và Lữ đoàn 3 dù ở Tây Nguyên được điều về Đường 13 để tiến quân lên Bình Long.

Ngày 15/5/1972, quân Giải phóng mở đợt tiến công mới vào thị xã An Lộc, đột phá vào tuyến phòng thủ nhiều tầng của địch. Bộ đội ta đã mở toang cánh cửa và đột phá vào các mục tiêu vòng ngoài, chiếm nhà giam giải phóng toàn bộ đồng bào, đồng chí ở nhà giam An Lộc. Địch điên cuồng cho máy bay phản lực đến ném bom theo cách thảm sát để ngăn chặn.

Ngay khi chiến sự kết thúc, để giải quyết số người chết trong 32 ngày đêm đó, chính quyền Việt Nam Cộng hòa dùng xe ủi, ủi bốn rãnh lớn rộng khoảng 3m, sâu khoảng 1,5m trong khu vực bệnh viện để chôn các xác chết trong bệnh viện và từ các nơi khác về, hình thành ngôi mộ tập thể hơn 3.000 người - chứng tích của tội ác chiến tranh do bom pháo của chính quyền Việt Nam Cộng hòa giết hại đồng bào và binh lính địch.

Đợt 2 chiến dịch diễn ra từ ngày 16/5 đến ngày 28/8/1972

Đến ngày 15/5/1972, do yếu tố bất ngờ của chiến dịch không còn nữa và do lực lượng cách mạng có sự tổn thất, không kịp bổ sung để đối phó với địch khi chúng tập trung các loại phương tiện chiến tranh để giải tỏa Đường 13, giải tỏa thị xã An Lộc, Bộ tư lệnh Miền quyết định không tiến công thị xã, mà chuyển sang bao vây cô lập địch trong thị xã, dùng lực lượng mạnh chốt chặn ở Tàu Ô, Tân Khai đánh địch càn quét, giải tỏa Đường 13, tiêu diệt sinh lực địch. Lúc này vùng giải phóng ở Bình Long được mở ra rất rộng, hình thành thế bao vây áp sát địch trong nội ô thị xã An Lộc.

Từ ngày 16/5/1972, Sư đoàn 7 chủ lực Miền chốt chặn Đường 13 nhằm đẩy lùi và đánh bại âm mưu phản kích giải tỏa Đường 13 của địch, tạo điều kiện cho chiến dịch phát triển tiếp, phục vụ cho việc giữ vững vùng giải phóng phía sau. Sư đoàn 7 đã dựng lên trên Đường 13 một bức “tường thép” với chiều dài gần 20km từ phía nam thị xã An Lộc đến phía bắc huyện Chơn Thành, lấy khu vực Tàu Ô - Xóm Ruộng thuộc Hớn Quản làm khu vực then chốt. Nhiều trận đánh dọc theo các trận địa chốt chặn Tàu Ô diễn ra quyết liệt và kéo dài gần 4 tháng (từ 16/5 đến 28/8/1972). Tàu Ô trở thành cái bẫy thu hút nhiều đơn vị chủ lực của địch đến tham chiến và trở thành ác mộng đối với nhiều sĩ quan chỉ huy cấp sư đoàn, quân đoàn và cả Bộ Tổng tham mưu quân ngụy Sài Gòn. Những trận đánh Tàu Ô, Xóm Ruộng, cống Ông Tề, Tân Khai, Thanh Bình của bộ đội chủ lực tạo điều kiện để du kích địa phương tập trung uy hiếp tề xã, tề ấp và diệt một bộ phận lớn sinh lực địch. Sĩ quan, binh lính địch suy sụp tinh thần chiến đấu, binh lính đào ngũ, rã ngũ tăng lên, đồn bót địch co lại, không dám bung ra hoạt động như trước. 

Nhân khi địch đang bị thu hút ở chiến trường ác liệt thị xã An Lộc, tại Chơn Thành, bộ đội huyện cùng du kích phát động nhân dân các xã Minh Hòa, Minh Thành, sóc số 5 nổi dậy, giải phóng hoàn toàn các xã. Tại thị trấn Chơn Thành, tuy quân địch tập trung không đông, nhưng do chúng đang bị thu hút vào mục tiêu giải tỏa Đường 13, tiếp ứng cho An Lộc, nên phong trào đấu tranh của quần chúng đươc duy trì. Các chi bộ Đảng vận động nhân dân, một mặt cung cấp cho cách mạng lương thực, thuốc men và đưa con em tham gia lực lượng chiến đấu, mặt khác tổ chức các cuộc đấu tranh với địch đòi đưa chồng con, em đang đi lính trở về với gia đình.

Trong khi chiến sự diễn ra, hơn 80.000 nhân dân thị xã An Lộc phải chịu đựng một cuộc thử thách gay go ác liệt chưa từng có, hơn 5.000 người bị máy bay địch ném bom giết hại, nhiều bộ phận dân chúng bị dồn về các “vùng an toàn”, nhưng thực tế có nguy cơ tiếp tục bị tổn thất hàng loạt. Trước tình hình đó, Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước cử cán bộ đón và đưa dân từ các đồn điền bị bom địch đánh đe dọa chạy ra khỏi vùng chiến sự. Các đồng chí Năm Sao, Tám Lênh, Chính Thu, Sáu Dư, Tám Gia, Chín Chùa, Hai Kỳ, Năm Thành… nỗ lực khắc phục khó khăn về lương thực, thuốc men, phương tiện vận chuyển, đưa hơn 20.000 dân vượt qua bom đạn về vùng giải phóng. Tuy nhiên, do đánh giá tình hình chưa chính xác, chưa lường được hết tính chất giằng co ác liệt, nên việc đưa dân sơ tán diễn ra rất bị động, phải thay đổi địa điểm nhiều lần. Cuộc sống của các bộ phận người dân chạy khỏi vùng chiến sự không ổn định, không tổ chức cứu tế kịp thời và bị thiếu lương thực thực phẩm, thuốc men, nhiều người đau yếu, chiến sự diễn ra ngày càng lan rộng, khó khăn ngày càng tăng thêm.

Trong bom đạn ác liệt, Đảng bộ tỉnh phải vận dụng mọi khả năng của địa phương, cùng với sự chi viện của trên để chăm lo đời sống của người dân vùng mới giải phóng, vừa tích cực giải quyết lương thực, thuộc men cho dân, vừa vận động nhân dân tham gia phát rừng làm rẫy. Mọi phương tiện được sử dụng để đưa gạo về cho dân kịp thời cũng như di chuyển dân bị bệnh từ biên giới về nội địa.

Chiến dịch Nguyễn Huệ trên chiến trường Lộc Ninh - Bình Long đã góp phần vào thắng lợi của cuộc tập kích chiến lược xuân hè năm 1972, đòn tiến công có ý nghĩa quyết định trên toàn miền Nam buộc địch phải trở lại đàm phán tại hội nghị Paris. Cùng với thắng lợi to lớn của quân dân miền Bắc đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai mà đình cao là trận “Điện Biên phủ trên không” cuối năm 1972, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Đây là thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, kết quả của 18 năm đấu tranh kiên cường của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.

Kết quả, trải qua 150 ngày đêm chiến đấu tại chốt chặn Tàu Ô (từ ngày 5/4 đến 28/8/1972), Sư đoàn 7 và quân dân Bình Phước đã tổ chức đánh gần 800 trận lớn nhỏ với nhiều hình thức khác nhau như: Đánh phục kích, tập kích, vây ép… tiêu diệt 8.189 tên; bắt 211 tên địch; bắn rơi và phá hủy 119 máy bay các loại; phá hủy 202 xe các loại, 102 khẩu pháo, 20 hầm đạn và nhiên liệu, thu 390 súng các loại. Địch thiệt hại nặng buộc phải rút chạy khỏi khu vực tác chiến, từ bỏ ý đồ giải tỏa Quốc lộ 13.

3. Nguyên nhân và ý nghĩa lịch sử

a. Nguyên nhân thắng lợi


Có được thắng lợi Chiến thắng Tàu Ô (28/8/1972) chính là nhờ đường lối chính trị, đường lối quân sự đúng đắn của Đảng ta, của Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Bộ Tư lênh Miền. Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng ở từng giai đoạn cách mạng đã được vận dụng đúng đắn và sáng tạo vào từng điều kiện cụ thể ở địa phương, từ đó đã phát huy được sức mạnh tổng hợp, khơi dậy được truyền thống cách mạng, huy động được sức lực và trí tuệ để làm nên chiến thắng.

Đó là thắng lợi của truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm, ngoan cường, thắng lợi của tinh thần quả cảm và sự mưu trí, sáng tạo. Là thắng lợi của sự đoàn kết keo sơn gắn bó giữa các lực lượng vũ trang với nhân dân các dân tộc, các tôn giáo trong quá trình chiến đấu, lao động và trưởng thành.

Do có sự lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, của tinh thần chiến đấu dũng cảm của ba sư đoàn bộ binh chủ lực (Sư đoàn 5, Sư đoàn 7, Sư đoàn 9) và nhiều đơn vị chủ lực khác, bộ đội địa phương và sự hỗ trợ của mọi ngành, mọi lực lượng trong và ngoài tỉnh tạo điều kiện cho Đảng bộ và nhân dân ta giành thắng lợi.

b. Ý nghĩa

Chiến thắng chốt chặn Tàu Ô trên Đường 13 đã làm cho đế quốc Mỹ, ngụy Sài Gòn thiệt hại nặng nề. Đây là chiến công oanh liệt của Sư đoàn 7 cùng với quân dân Bình Phước đã đập tan hoàn toàn ý đồ tiến công lấn chiếm vùng căn cứ giải phóng của địch tại chiến trường miền Đông Nam bộ.   

Tiếp tục làm lung lay học thuyết Ních-xơn và chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” đánh bại từng phần, từng bước ngăn chặn quân địch lấn chiếm hòng bình định và tràn ngập lãnh thổ; củng cố và mở rộng vùn căn cứ cách mạng tạo tiền đề vững chắc cho quân chủ lực Miền đứng vững trên địa bàn chiến lược Đông Nam bộ, đảm bảo an toàn  cho Sở Chỉ huy Miền và cơ quan đầu não của Đảng đóng trên địa bàn.

Trong chiến thắng chốt chặn Tàu Ô nói riêng và chiến dịch tiến công Nguyễn Huệ nói chung, chúng ta đã vận dụng linh hoạt và thành công phương thức tác chiến: lấy chiến thuật chốt chặn ngăn địch giữ vững trận địa kết hợp với đánh vận động luồn sâu, bao vây chia cắt. Đánh liên tục ngày và đêm, chủ động tiến công chiến lĩnh trận địa của địch, cắt đội hình chốt đường của địch và ngăn cản có hiệu quả quân tiếp viện.

Cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta thể hiện quyết tâm chiến đấu cao, tinh thần anh dũng, quả cảm hy sinh, không sợ gian khổ khó khăn, không lùi bước trước kẻ thù, mưu trí, linh hoạt và sáng tạo, tất cả mang ý chí quyết chiến quyết thắng, đoàn kết, trung thành và tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp trên.

Trong chiến thắng chốt chặn Tàu Ô, chúng ta đã thắng địch cả về chiến lược, chiến dịch và chiến thuật, góp phần quan trọng vào thành tích chung của Chiến dịch Nguyễn Huệ trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972, đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta bước sang một giai đoạn mới, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán để bàn về vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.

Di tích địa điểm chiến thắng “Chốt chặn Tàu Ô” là di tích tiêu biểu, có ý nghĩa giá trị lịch sử to lớn, do đó được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp loại di tích lịch sử Quốc gia theo Quyết định số 1205/QĐ-BVHTTDL ngày 29/3/2012.

Năm mươi năm đi qua, khúc tráng ca bất tử Tàu Ô - xóm Ruộng vẫn vang mãi trong trí nhớ của những người đồng chí, đồng đội. Chốt chặn Tàu Ô - xóm Ruộng gắn liền với con Đường 13 chiến lược, con đường chiến lược năm xưa, nay vẫn giữ vai trò chiến lược, kết nối giao thương giữa Bình Phước với các tỉnh, thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và Vương quốc Campuchia, trở thành động lực phát triển của Bình Phước.

3. Bài học kinh nghiệm

Một là, tổ chức chỉ đạo chiến dịch, vận dụng linh hoạt chiến thuật trong từng tình thế, hoàn cảnh cụ thể của chiến trường.

Hai là, vấn đề chỉ đạo chiến lược, tổ chức chiến dịch và sáng tạo chiến thuật trong tác chiến trên chiến trường.       

Ba là, chiến thắng Tàu Ô, nơi quân Giải phóng áp dụng thành công các hình thức chiến đấu linh động, sáng tạo, sử dụng có hiệu quả chiến thuật chốt chặn và vận dụng cách đánh, tiến công bao vây, chia cắt địch.

II. Khái quát những thành tựu tỉnh Bình Phước và huyện Hớn Quản đạt được sau 50 năm chiến thắng Tàu Ô (1972-2022)

1. Đối với huyện Hớn Quản


Thực hiện Nghị định số 35-NĐ/CP, ngày 11/8/2009 của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chia tách thành lập huyện Hớn Quản, trên cơ sở diện tích và dân số của huyện Bình Long. Đến nay, huyện Hớn Quản có 13 xã, thị trấn, với diện tích 664,14km2; dân số 102.643 người; huyện lỵ đặt tại thị trấn Tân Khai.

Sau hơn 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới, 50 năm chiến thắng chốt chặn Tàu Ô, huyện Hớn Quản vươn mình chuyển hướng phát triển và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực. Cụ thể:

Kinh tế của huyện vẫn tiếp tục phát triển, chuyển dịch nhanh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp và thương mại, dịch vụ. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng dần giá trị sản xuất hàng hóa, kinh tế trang trại, kinh tế hộ gia đình phát triển mạnh, hộ giàu, hộ khá giả tăng, hộ nghèo đói giảm dần, tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm đạt trên 12%. Tính đến tháng 7/2022, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện đến tháng 7 năm 2021 đạt 321 tỷ đồng, đạt 96% dự toán điều chỉnh Hội đồng nhân dân huyện giao và đạt 119,5% dự toán tỉnh giao; tổng chi ngân sách huyện thực hiện là 305,377 triệu đồng, đạt 46% dự toán Hội đồng nhân dân huyện giao (dự toán Hội đồng nhân dân huyện thông qua là 674,599 tỷ đồng) và đạt 47,5% dự toán tỉnh giao (dự toán Ủy ban nhân dân tỉnh giao là 639,599 tỷ đồng). Cơ cấu kinh tế giữa các ngành tiếp tục chuyển dịch theo đúng hướng.

Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, ưu tiên tập trung vấn đề phát triển về cơ sở hạ tầng nên kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc tiếp tục ổn định và phát triển bền vững. Đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 380 hộ, chiếm 1,35% trên tổng dân số toàn huyện, trong đó hộ đồng bào dân tộc còn 229 hộ, chiếm 60,26%.

Các hoạt động văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao trong các tổ chức và trong nhân dân được phát huy góp phần xây dựng đời sống tinh thần của nhân dân ngày càng phong phú, lành mạnh; cơ sở hạ tầng bưu chính - viễn thông tiếp tục được đầu tư nâng cấp, phủ sóng khắp các địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân tiếp cận thông tin khoa học kỹ thuật. Sự nghiệp giáo dục được quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng  giáo dục. Có 6/33 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 18,18%.

Công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân đạt được nhiều thành tích đáng kể. Công tác phòng chống dịch bệnh được quan tâm. Mạng lưới y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị tiếp tục được quan tâm; toàn ngành y tế tích cực triển khai phương án, biện pháp giám sát, điều trị tích cực và chủ động trong công tác phối hợp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Công tác khám, chữa bệnh có sự chuyển biến tích cực. Thực hiện tốt công tác phòng, chống các bệnh dịch, công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh dịch vụ y tế, an toàn vệ sinh thực phẩm. Đội ngũ y, bác sỹ tiếp tục được nâng cao cả về phẩm chất và năng lực chuyên môn, đạt tỷ lệ 4,9 bác sỹ/vạn dân.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ngày càng tiến bộ, Đảng bộ huyện đã tích cực trong việc triển khai thực hiện đề án đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Hiện nay, Đảng bộ huyện có 39 tổ chức cơ sở đảng với tổng số đảng viên trong toàn huyện là hơn 2.636 đảng viên. Công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ từ huyện đến cơ sở được đẩy mạnh, trình độ của cán bộ, đảng viên ngày một nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên được quan tâm, giúp cấp ủy các cấp tăng cường vai trò, trách nhiệm trong công việc, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, sai trái trong công tác.

Sau 50 năm chiến thắng chốt chặn Tàu Ô, về Hớn Quản hôm nay, chúng ta tự hào về sự đổi thay của một huyện anh hùng đang phát triển vững bước đi lên. Đảng bộ và Nhân dân huyện Hớn Quản đã và đang phát huy truyền thống cách mạng, tiềm năng, thế mạnh của địa phương, khơi dậy sức dân thành động lực, khát vọng vươn lên, xây dựng huyện Hớn Quản ngày càng văn minh, giàu đẹp.

2. Đối với tỉnh Bình Phước

Tỉnh Bình Phước được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1997, đến nay đã được hơn 25 năm. Tỉnh có diện tích tự nhiên trên 6.871 km2., biên giới dài 258,939km, tiếp giáp với 03 tỉnh của Vương quốc Campuchia.  Với 11 đơn vị hành chính cấp huyện, 01 thành phố, 03 thị xã (trong đó thị xã Chơn Thành mới được Ủy Ban Thường vụ Quốc hội thông qua), với 111 xã, phường, thị trấn. Dân số có trên 01 triệu người, với 41 dân tộc cùng sinh sống; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 20% dân số của tỉnh. Toàn Đảng bộ có 21 Đảng bộ trực thuộc với hơn 37 ngàn đảng viên.  

Bình Phước là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây, nhiều địa danh và chiến công vang dội đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành niềm tự hào của Đảng bộ, Nhân dân Bình Phước và cả nước, như: Di tích lịch sử Phú Riềng Đỏ; Khu căn cứ Tà Thiết; Nhà giao tế Lộc Ninh; Di tích lịch sử chiến thắng Chốt chặn Tàu Ô;  Sóc Bom Bo;...

Những năm đầu mới tái lập, Bình Phước chỉ là tỉnh thuần nông, lĩnh vực công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng khoảng 5% GRDP của tỉnh thì đến nay, một diện mạo mới đã được thay thế. Tính đến cuối năm 2021, cơ cấu kinh tế dịch chuyển rõ rệt với công nghiệp - xây dựng chiếm 43,4%; dịch vụ chiếm 32,8%, trong đó kinh tế số 3,4%. Năm 2021, thu ngân sách của tỉnh đạt 13.380 tỷ đồng, tăng gấp 77,8 lần so với năm đầu tái lập tỉnh (1997).

Trong 7 tháng đầu năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước đến 17/8/2022 là 9.296 tỷ đồng, đạt 76% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 65% dự toán điều chỉnh HĐND tỉnh thông qua. Tăng trưởng đạt 6,91%, đứng thứ 2 vùng Đông Nam Bộ và đứng thứ 35 so với cả nước. Năm 2021, GRDP bình quân đầu người đạt 74,9 triệu đồng.

Trong quá trình phát triển, lãnh đạo tỉnh Bình Phước luôn quan tâm, sẻ chia, đồng hành, hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp; tháo gỡ các điểm nghẽn, vướng mắc, của doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo sức hút mạnh mẽ. Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp, trong đó 7 khu công nghiệp đã lấp đầy 100%. Chính sách thu hút đầu tư có nhiều đổi mới, quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của doanh nghiệp và nhân dân.

Từ 2 doanh nghiệp FDI năm đầu tái lập tỉnh (1997), tính đến hết tháng 7/2022, toàn tỉnh đã thu hút được 357 dự án FDI, với tổng vốn hơn 3.383 triệu USD. Dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong suốt 2 năm qua, nhưng đến nay Bình Phước đã có 10.286 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với số vốn 180.941 tỷ đồng và có 281 hợp tác xã hoạt động hiệu quả.

Giao thông “đi trước mở đường”, Bình Phước đã từng bước tháo “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, tạo được sự lưu thông, kết nối giữa Tây Nguyên với các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh; TP. Hồ Chí Minh đến các nước Campuchia, Lào, Thái Lan qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; giữa các địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, hiện nay, Bình Phước đang khẩn trương triển khai thực hiện dự án đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) và dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội, Bình Phước đang tập trung đầu tư vào lĩnh vực du lịch, trọng tâm là phát triển 4 loại hình du lịch thế mạnh của tỉnh gồm: sinh thái, văn hóa, tâm linh và du lịch cuối tuần.

Bình Phước là một trong những tỉnh đi đầu cả nước về đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, phát triển chính quyền số, chuyển đổi số. Nhiều chương trình, giải pháp đột phá, tháo gỡ “điểm nghẽn” về thủ tục hành chính đã được tỉnh Bình Phước thực hiện với quyết tâm mãnh liệt, khát vọng xây dựng chính quyền kiến tạo, lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo chất lượng hoạt động của bộ máy hành chính. Là địa phương gần như không có nền tảng ban đầu để triển khai chuyển đổi số, năm 2021, Bình Phước đã vươn lên đứng thứ 9/63 tỉnh, thành trong cả nước.

Bình Phước phấn đấu đến năm 2025, chính quyền điện tử của tỉnh nằm trong top 30 các tỉnh, thành phố trên toàn quốc; 100% thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến đạt mức độ 3, 4; từng bước chuyển đổi sang chính quyền số, tất cả vì người dân và doanh nghiệp.

Quốc phòng an ninh, đối ngoại ổn định, quan hệ hợp tác hữu nghị giữa tỉnh Bình Phước với các tỉnh giáp biên thuộc Vương quốc Campuchia và các tỉnh Nam Lào ngày càng phát triển tốt đẹp. Bình Phước đăng cai tổ chức thành công Chương trình giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Campuchia lần thứ nhất giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Campuchia và Lễ kỷ niệm 45 năm “Con đường tiến tới đánh đổ chế độ diệt chủng Pol Pốt” của Thủ tướng Campuchia Hun Sen.

Với tiềm năng và lợi thế hiện có, cũng như những định hướng chiến lược phát triển phù hợp trong thời gian tới, cộng với khát vọng mạnh mẽ, Bình Phước sẽ nâng tầm vị thế và đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước. Phấn đấu đến 2030, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, là “điểm đến hấp dẫn”, một trong những động lực phát triển của vùng Đông Nam Bộ. Và đến năm 2045, Bình Phước trở thành tỉnh phát triển, giàu mạnh, văn minh.

Những dấu ấn đậm nét là minh chứng sinh động của một Bình Phước khát vọng, luôn thực hiện phương châm hành động: Doanh nghiệp thành công, doanh nhân thành đạt, tỉnh phát triển. Bình Phước sẽ trở thành “điểm đến hấp dẫn, nơi đáng sống” trong tương lai gần./.

Tác giả: Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Bình Phước

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,477
  • Hôm nay334,114
  • Tháng hiện tại18,156,450
  • Tổng lượt truy cập478,049,137
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây