Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ ba - 11/07/2023 17:19
(CTTĐTBP) - Chiều 11/7, Kỳ họp thứ 11 HĐND tỉnh khóa X diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với một số Ủy viên UBND tỉnh.
Trong buổi chiều nay, các đại biểu HĐND tỉnh thực hiện chất vấn những vấn đề thuộc trách nhiệm của UBND tỉnh, trách nhiệm quản lý của các sở, ban, ngành. Cụ thể là chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo đó, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Võ Sá đã trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh về kết quả thực hiện giải ngân 5 tháng đầu năm 2023 nguồn ngân sách địa phương còn đạt kết quả thấp. Vốn ngân sách trung ương, các chương trình mục tiêu quốc gia 6 tháng đầu năm giải ngân đạt rất thấp 12,4% là do tập trung giải ngân số vốn còn lại của năm 2022 được phép kéo dài theo Nghị quyết số 69/2022/QH15 của Quốc hội; 6 tháng đầu năm 2023 các chương trình mục tiêu quốc gia đang xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện và hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thành phần của Chương trình, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi dự án số 2 về quy hoạch sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết chưa được trung ương hướng dẫn nên chưa giao vốn. Công tác đấu giá quyền sử dụng đất gặp khó khăn, do thị trường bất động sản trầm lắng nên ảnh hưởng đến nguồn thu và giải ngân các dự án từ nguồn này. Một số đơn vị thi công còn cầm chừng, nhất là các dự án giao thông chờ nguồn thu đấu giá quyền sử dụng đất của tỉnh.
Ngoài ra, do công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, nhất là các dự án khởi công mới năm 2023 chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư; một số dự án còn vướng công tác giải phóng mặt bằng; công tác phối kết hợp giữa chủ đầu tư với các sở, ban, ngành và các địa phương chưa kịp thời, thiếu chặt chẽ, nhất là trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng dự án kéo dài. Trách nhiệm của các sở quản lý chuyên ngành chưa cao trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các dự án do ngành quản lý, trong đó có Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các dự án chưa được nhiều.
Ngay tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Võ Sá đã trực tiếp trả lời HĐND tỉnh về các vấn đề liên quan đến việc xây dựng các nhóm giải pháp, định hướng để đảm bảo nguồn vốn đầu tư thực hiện các dự án và phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ giải ngân năm 2023; công tác quản lý nhà nước đối với các dự án khu đô thị, khu dân cư trên địa bản tỉnh còn nhiều bất cập, chưa được triển khai hoặc kéo dài, gia hạn thời gian thực hiện nhiều lần nhưng đến nay vẫn không được thực hiện, nhiều dự án thực hiện chậm tiến độ so với quyết định được phê duyệt; một số dự án không tiến hành đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch đã được phê duyệt; cơ quan chuyên môn thiếu kiểm tra, rà soát thực tế việc đầu tư xây dựng các dự án.
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Nông Nghiêp và Phát triển nông thôn Phạm Thụy Luân cho biết: Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Phước đã có những sự chuyển biến tích cực, cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi; sản xuất ngày càng đa dạng về cơ cấu sản phẩm và loại hình tổ chức (hợp tác xã, tổ hợp tác....) đã từng bước hình thành các vùng sản xuất quy mô vừa và lớn, đặc biệt trong chăn nuôi, cây công nghiệp lâu năm và cây ăn trái, đặc biệt là cây điều và cây sằu riêng có một vị trí quan trọng trong sản xuất hiện nay của tỉnh.
Về cây điều, đã và đang khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất của tỉnh. Diện tích cây điều tái canh, trồng mới bằng giống có năng suất cao, đạt 23,1%; diện tích sản xuất theo quy trình được chứng nhận hữu cơ đạt 2,1%; diện tích xen canh, chăn nuôi dưới tán đạt 5,2%; diện tích liên kết đạt 4,8%; năng lực chế biến của các nhà máy đạt gần 01 triệu tấn/năm; tổng kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm đạt trên 01 tỷ USD. Niên vụ 2022-2023, diện tích sản xuất là 151.878 ha, diện tích cho sản phẩm là 148.510 ha, năng suất 13,41 tạ/ha, sản lượng 199.150 tấn so với năm 2022, sản lượng tăng 27.274 tấn, tăng 15,9%.
Về cây sầu riêng, diện tích cây sầu riêng là 5.300 ha; diện tích cho sản phẩm 2.434 ha, đã thu hoạch được 14.850 tấn, năng suất 96,85 tạ/ha. Dự kiến thu hoạch của toàn vụ khoảng 23.575 tấn, tăng 108,4% so với năm 2022. Cây sâu riêng phân bố trên toàn tỉnh nhưng các huyện có diện tích lớn là Bù Đăng, Phú Riềng, Bù Gia Mập, Lộc Ninh... Trên địa bàn toàn tỉnh đã được cấp 17 mã số vùng trồng sầu riêng với diện tích 1.015,1 ha. Bên cạnh đó, nước nhập khẩu đã kiểm tra trực tuyến 25 vùng trồng sầu riêng với diện tích 645,9 ha. Đặc biệt trong niên vụ 2022-2023, người nông dân đã ứng dụng nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến, các công nghệ cao để ứng dụng vào sản xuất như diện tích áp dụng tưới nước tiết kiệm bằng phương pháp phun sương, nhỏ giọt; biện pháp bón phân hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng năng lượng mặt trời để tưới cây, máy bay không người lái phun thuốc bón phân, thu hoạch, thậm chí ứng dụng công nghệ số để ghi lại lịch sử sản xuất của từng cây trồng.
Đối với vấn đề, cần có giải pháp căn cơ đối với giá của cây điều, sầu riêng để hỗ trợ người dân thoát nghèo, Giám đốc Sở Nông Nghiêp và Phát triển cho biết: Cây điều được xem là cây xóa đói giảm nghèo của người nông dân trong tỉnh, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã tăng cường các giải pháp về khuyến nông, hỗ trợ về thâm canh, cây giống để giúp người dân tăng năng suất. Riêng với cây sầu riêng là giống cây nhạy cảm với thời tiết, chi phí chăm sóc, điều trị bệnh cao và khó, nên ngành đã có những khuyến cáo cho người dân trong việc thay đổi mục đích cây trồng. Đặc biệt trong thời gian qua, nhiều hộ trồng sầu riêng gặp khó khăn cho đầu ra, với nguyên do là khi thu hoạch cắt quả sầu riêng chưa đủ già, với vấn đề này ngành đã có những cảnh báo, khuyến cáo cụ thể cho người dân./.