Không thể quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh

Thứ năm - 31/03/2022 09:53
(CTTĐTBP) - Thời gian qua dù các bộ, ngành liên quan cũng như chính quyền các địa phương đã vào cuộc xử lý, nhưng tình trạng vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh giảm không đáng kể.

 
1856123 cong an tinh lam viec v 1648686296598
Công an tỉnh Quảng Ninh làm việc với đối tượng có hành vi quảng cáo thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm không phù hợp quy định. (Ảnh: HOÀNG QUỲNH)
Tại hội nghị “Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022” Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ: tình trạng vi phạm chủ yếu là doanh nghiệp quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, tạo hiểu lầm cho người dân. Các quảng cáo không đúng thường xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội.

Qua công tác giám sát, hậu kiểm và thanh, kiểm tra, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát hiện không ít trường hợp thuê địa điểm tại nhà dân để đào tạo sinh viên, bán thực phẩm chức năng trái phép; một số ca sĩ, diễn viên... tham gia quảng cáo sản phẩm không đúng công dụng; có đơn vị giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai...

Đáng chú ý, có nhiều doanh nghiệp là chủ sở hữu bản công bố sản phẩm nhưng không thừa nhận và không đứng tên thực hiện các quảng cáo vi phạm, do vậy cơ quan chức năng không xác định được đối tượng vi phạm, nên gần như không thể xử lý.

Theo đánh giá của Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố Hồ Chí Minh Phạm Khánh Phong Lan thì “chúng ta có cả một rừng văn bản”, nhưng xử phạt đối với hình thức kinh doanh mới trên mạng điện tử còn khó khăn, nhiều lỗ hổng. Điều đó làm cho nhiều người bỏ lỡ thời gian vàng điều trị theo hướng dẫn chuyên môn của thầy thuốc vì tin dùng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng. Đến khi không khỏi bệnh, mới quay lại làm theo hướng dẫn thì đã muộn.

Bà Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, cần khắc phục triệt để tình trạng khi cơ quan quản lý phát hiện về quảng cáo của một sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào đó vi phạm nhưng liên hệ đến đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thì lại bảo “không phải doanh nghiệp của tôi”, “không phải chúng tôi làm”...

Cần có những quy định rõ ràng trách nhiệm của đơn vị sản xuất, kinh doanh, nếu quảng cáo đó không phải do đơn vị làm thì khi phát hiện cần báo ngay cho cơ quan quản lý, tránh trường hợp khi kiểm tra thì lại báo là do ai đó quảng cáo chứ không phải mình, trong khi sản phẩm bán đi vẫn nhận lợi nhuận. Lãnh đạo Thanh tra Bộ Thông tin và truyền thông cho rằng cần quy định không được đặt mẫu quảng cáo sản phẩm cùng bài viết nghiên cứu, giới thiệu tính năng tác dụng của hoạt chất có trong sản phẩm quảng cáo để ngăn chặn việc lợi dụng kẽ hở để lách luật.
Cục trưởng An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho biết, tới đây đề nghị khi sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính cần quy định: Nếu doanh nghiệp nào đang vi phạm về quảng cáo thì tạm dừng tiếp nhận hồ sơ công bố, quảng cáo mới.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị rà soát lại những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề quảng cáo, trong đó có quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng để có sự điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Việc quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng không phải do riêng một bộ, ngành nào thực hiện mà cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đề nghị Bộ Công thương tiếp tục tăng cường quản lý sàn giao dịch điện tử, bán hàng đa cấp; có biện pháp giám sát các buổi tuyên truyền, phát triển thành viên bán hàng đa cấp qua các buổi hội thảo, hội nghị; có chế tài xử phạt sàn thương mại điện tử vi phạm. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan chức năng thẩm định; quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm việc quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.

Rà soát, quản lý chặt việc hoạt động của các tên miền, tránh tình trạng xin cấp phép một đằng, hoạt động một nẻo; phối hợp với cơ quan chức năng xử phạt nghiêm các đơn vị sở hữu tên miền vi phạm, nếu tái phạm thì có thể rút tên miền, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường tuyên truyền các quy định về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm sai sự thật, quá công dụng của sản phẩm, gây hiểu nhầm của người tiêu dùng như là thuốc chữa bệnh.

Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm các vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe; phối hợp Bộ Y tế, Bộ Công thương xử lý nghiêm doanh nghiệp có hành vi quảng cáo lừa dối người tiêu dùng. Về phía người tiêu dùng, cần tỉnh táo không nên tin những quảng cáo quá lời về công dụng của thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe./.

Tác giả: Theo Báo Nhân Dân

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,463
  • Hôm nay865,992
  • Tháng hiện tại17,817,296
  • Tổng lượt truy cập477,709,983
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây