(CTTĐTBP) - Sáng nay (10/12), Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh chủ trì cuộc họp các thành viên Ban chủ nhiệm 335 xây dựng Đề án phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2030.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, thời gian qua tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh. Tổng đàn lợn ước khoảng 1,9 triệu con, trong đó chủ yếu chăn nuôi tập trung trong 349 trang trại. Đàn gia cầm ước đạt trên 9,5 triệu con, trong đó trên 57% được chăn nuôi trang trại. Tổng đàn trâu, bò, dê ước trên 200 ngàn con, chủ yếu tập trung tại các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh lưu ý tuyệt đối không phát triển chăn nuôi trong khu vực đô thị
Để hướng tới xây dựng thành công vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, Ban chủ nhiệm 335 xây dựng đề án phát triển vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2030 theo từng giai đoạn cụ thể.
Trước mắt từ nay đến năm 2025 sẽ xây dựng 9 huyện, thị xã, thành phố an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm và niu-cát-xơn trên gà, trong đó phấn đấu xây dựng thành công 4 huyện, thành phố an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn OIE. Xây dựng 8 huyện, thành phố an toàn đối với bệnh long móng lở mồm trên gia súc và bệnh dịch tả lợn châu Phi, trong đó phấn đấu xây dựng thành công 4 huyện, thành phố an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn OIE.
Nuôi gà theo mô hình khép kín tại Tập đoàn Hùng Nhơn, thuộc xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú mang lại hiệu quả cao
Giai đoạn tiếp theo sẽ tiếp tục duy trì các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh động vật theo tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn OIE. Qua đó, tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi bền vững theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Anh Minh đề nghị các thành viên Ban chủ nhiệm cần bổ sung số liệu thiệt hại do dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm hằng năm, trong đó cần làm rõ thêm ngân sách hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Đối với mức độ tác động đến môi trường, cần bổ sung phần đánh giá lại mức độ ô nhiễm môi trường tại các hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi và các lò giết mổ. Trong đó cần lưu ý, tuyệt đối không phát triển chăn nuôi trong khu vực đô thị./.