(CTTĐTBP) - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành Thông tư số 18/2023/TT-BGDĐT ngày 26/10/2023 về hướng dẫn xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.
Thông tư số 18/2023/TT-BGDĐT áp dụng đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên gồm: trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông, trường phổ thông có nhiều cấp học; trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú; trường chuyên, trường năng khiếu, trường dành cho người khuyết tật; trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thông tư số 18/2023/TT-BGDĐT quy định việc xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích được dựa trên các nguyên tắc sau: là công việc trọng tâm, thường xuyên của mỗi nhà trường, được ưu tiên triển khai phù hợp với nhu cầu phát triển giáo dục và điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường; có sự tham gia của chính quyền địa phương và cộng đồng, phát huy sự tham gia tích cực và hiệu quả của người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và cha mẹ học sinh; công tác kiểm tra, đánh giá phải bảo đảm thường xuyên, khách quan, trung thực, kịp thời, công khai, minh bạch.
Nội dung xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích phải bảo đảm an toàn về cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện, tài liệu, học liệu dạy học phục vụ hoạt động giáo dục của nhà trường. Bảo đảm an ninh, trật tự trường học; phòng, chống bạo lực học đường, tội phạm, tệ nạn xã hội; hướng dẫn người học tham gia môi trường mạng an toàn, lành mạnh, đúng quy định của pháp luật. Giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước; an toàn giao thông; phòng cháy, chữa cháy; ứng phó với thảm họa, thiên tai; phòng, chống ngã, va đập, điện giật và một số loại hình tai nạn thương tích thường gặp khác.
Cùng với đó là bảo vệ và chăm sóc sức khỏe người học như: Phòng chống dịch, bệnh học đường; bảo đảm an toàn thực phẩm; phòng chống tác hại của thuốc lá và các sản phẩm thuốc lá mới, rượu, bia và các chất gây nghiện khác. Thực hiện quy tắc ứng xử, quy chế dân chủ trong nhà trường; giáo dục sức khỏe tâm thần; thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho người học và công tác xã hội trong nhà trường.
Bên cạnh đó, Thông tư số 18/2023/TT-BGDĐT quy định về tiêu chí đánh giá trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích. Cụ thể là nhà trường sẽ tổ chức thực hiện, tự đánh giá các tiêu chí trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích theo quy định. Kết quả đánh giá trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích theo 2 mức: Mức “Đạt” phải có tối thiểu 80% tiêu chí được đánh giá ở mức “Đạt”, trong đó 100% tiêu chí bắt buộc phải được đánh giá ở mức “Đạt”; mức “Chưa đạt” là mức không đáp ứng được các quy định của thông tư. Kết quả đánh giá trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích là một trong các tiêu chí để đánh giá, công nhận nhà trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục, đạt chuẩn quốc gia theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cuối mỗi năm học, nhà trường tự đánh giá và báo cáo kết quả kèm theo các kiến nghị đến cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp. Đối với các tiêu chí “Chưa đạt”, cần có kế hoạch, biện pháp tự khắc phục hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền khắc phục kịp thời trước năm học mới. Nhà trường công bố công khai kết quả tự đánh giá trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích trên trang thông tin điện tử, bảng tin của nhà trường và các hình thức công bố công khai phù hợp khác để cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh và cộng đồng biết, giám sát.
Thông tư số 18/2023/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/12/2023./.