(CTTĐTBP) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có văn bản hướng dẫn các sở GD&ĐT, các đại học, học viện, trường đại học, các trường cao đẳng sư phạm, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh (GDQPAN) thực hiện nhiệm vụ GDQPAN; công tác quốc phòng, quân sự; phòng chống khủng bố năm học 2023-2024.
Năm học 2023-2024 sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương đường lối của Đảng, Quốc hội và Nhà nước trong lĩnh vực GDQPAN. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GDQPAN theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo của cơ quan, đơn vị, nhà trường trong nâng cao chất lượng công tác GDQPAN. Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên GDQPAN có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm tốt, đủ về số lượng và từng bước chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn học GDQPAN. Đồng thời, quán triệt và thực hiện nghiêm các luật, nghị định, thông tư về công tác quốc phòng, quân sự, phòng chống khủng bố.
Các sở giáo dục và đào tạo
Thực hiện chương trình GDQPAN: Chỉ đạo cơ quan, đơn vị chức năng, các cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai dạy học môn học GDQPAN theo đúng quy định, bảo đảm khoa học, hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường và học sinh.
Đối với lớp 5 cấp tiểu học, lớp 9 cấp trung học cơ sở tiếp tục thực hiện dạy học lồng ghép GDQPAN theo Thông tư số 01/2017/TT-BGDĐT ngày 13/01/2017 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Năm học 2023-2024, các lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 cấp tiểu học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện dạy học lồng ghép tập trung các chủ đề: giáo dục tinh thần yêu nước; truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam trong dựng nước và giữ nước; tình yêu quê hương, yêu hoà bình, yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; các lớp 6, lớp 7, lớp 8 cấp trung học cơ sở theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 thực hiện dạy học lồng ghép tập trung các chủ đề: giáo dục truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc; truyền thống lịch sử của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; tình yêu quê hương, biển đảo Việt Nam,... Nội dung lồng ghép GDQPAN được thực hiện thông qua các bài học trong các môn học; hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp; tham quan di tích lịch sử, bảo tàng, nhà truyền thống, các đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.
Đối với lớp 10 và lớp 11 cấp trung học phổ thông thực hiện nội dung GDQPAN theo Thông tư số 46/2020/TT-BGDĐT ngày 24/11/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về Ban hành Chương trình môn GDQPAN cấp trung học phổ thông; sử dụng sách giáo khoa mới đã được phê duyệt. Năm học 2023-2024, lớp 12 tiếp tục sử dụng sách giáo khoa hiện hành theo hướng tiếp cận Chương trình GDQPAN được quy định tại Thông tư số 46/2020/TT-BGDĐT và bổ sung những kiến thức mới đã được tập huấn tháng 7/2023.
Các nhà trường tổ chức dạy học theo phân phối chương trình cả năm học; nội dung thực hành, dạy tập trung dứt điểm theo bài nhưng không quá 3 tiết/buổi và phải thực hiện nghiêm các quy định về bảo đảm an toàn khi sử dụng vũ khí, trang bị.
Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện chất lượng, hiệu quả GDQPAN theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018: Tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố tổ chức tuyển dụng giáo viên GDQPAN, thực hiện rà soát, bố trí, sử dụng giáo viên dạy đúng, đủ theo quy định của môn học GDQPAN; kiên quyết khắc phục tình trạng thừa, thiếu cục bộ, có kế hoạch cụ thể điều chuyển, biệt phái, tăng cường giáo viên GDQPAN từ nơi thừa sang nơi thiếu; đối với nội dung huấn luyện thực hành không sử dụng giáo viên không đúng với chuyên ngành GDQPAN. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên GDQPAN bảo đảm đủ về số lượng, chất lượng từng bước đạt chuẩn, có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực sư phạm đáp ứng yêu cầu giảng dạy môn học.
Tổ chức kiểm tra, đánh giá môn học trên cơ sở định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Đối với học sinh lớp 12 tiếp tục đánh giá theo Thông tư số 40/2012/TT-BGDĐT ngày 19/11/2012 về ban hành quy định tổ chức dạy học và đánh giá kết quả môn học GDQPAN và Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT về sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Đối với học sinh lớp 10, lớp 11 đánh giá theo Thông tư số 22/2021/TT-BGDĐT ngày 20/7/2021 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông.
Đề nghị với UBND cấp tỉnh bố trí ngân sách và chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục đầu tư, bổ sung trang thiết bị, mô hình học cụ, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu môn học GDQPAN trong các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học theo quy định.
Các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm và các trung tâm GDQPAN
Thực hiện chương trình GDQPAN: Tổ chức xây dựng kế hoạch, triển khai giảng dạy nội dung môn học GDQPAN theo đúng quy định tại Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT ngày 18/3/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về ban hành Chương trình GDQPAN trong trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục đại học.
Đối với đối tượng sinh viên đã hoàn thành chương trình môn học GDQPAN ở trình độ cao đẳng khi học liên thông lên trình độ đại học, các cơ sở giáo dục đại học, trung tâm GDQPAN căn cứ vào nội dung môn học để xây dựng chương trình GDQPAN phù hợp theo hướng công nhận các nội dung đã học, bổ sung các nội dung chưa học theo Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT ngày 18/3/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và cấp chứng chỉ hoàn thành môn học.
Tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng dạy và học môn học GDQPAN. Tổ chức dạy học, đánh giá kết quả và cấp chứng chỉ hoàn thành môn học theo quy định.
Tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện chất lượng, hiệu quả GDQPAN: Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên GDQPAN có phẩm chất, đạo đức, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực sư phạm tốt; xây dụng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để bảo đảm chuẩn hóa trình độ đội ngũ giảng viên GDQPAN đáp ứng yêu cầu của Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 32/2013/QH13, Luật số 74/2014/QH13, Luật số 97/2015/QH13 và Luật số 34/2018/QH14. Giảng viên thỉnh giảng phải đáp ứng yêu cầu về độ tuổi theo Bộ Luật Lao động số 45/2019/QH14 ngày 20/11/2019 và có trình độ, chuyên ngành đào tạo, chuyên môn, nghiệp vụ đúng với nội dung giảng dạy.
Các cơ sở giáo dục đại học được giao tự chủ môn học GDQPAN xây dựng kế hoạch bổ sung giảng viên GDQPAN thay thế giảng viên là sĩ quan biệt phái khi Bộ Quốc phòng điều động rút sĩ quan biệt phái tại các cơ sở giáo dục đại học theo Công văn số 2046/BQP-CT ngày 21/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc tạm hoãn rút sĩ quan biệt phái tại các cơ sở giáo dục đại học.
Bảo đảm đủ các điều kiện dạy học môn GDQPAN, củng cố nơi ăn, ở của sinh viên; bổ sung trang thiết bị, mô hình học cụ, cơ sở vật chất, đầu tư xây dụng thao trường, bãi tập đáp ứng yêu cầu dạy, học theo đúng quy định.
Tăng cường công tác quản lý kỷ luật, quản lý sinh viên, xây dựng môi trường văn hóa quân sự: Thực hiện nghiêm quy định sinh viên học môn GDQPAN phải được tổ chức ăn, ở tập trung theo nếp sống quân sự và biên chế thành tiểu đội, trung đội, đại đội; cán bộ đại đội là cán bộ, giảng viên cơ hữu của nhà trường, trung tâm. Sinh viên nữ phải được bố trí khu vực riêng và bảo đảm ăn, ở phù hợp. Trên cơ sở điều lệnh quản lý bộ đội, điều lệ, các chế độ, quy định của quân đội để vận dụng duy trì nền nếp, chế độ trong ngày, trong tuần cho phù hợp như: thức dậy; thể dục sáng; kiểm tra sáng; học tập; ăn uống; thể thao; đọc báo, nghe tin; ngủ nghỉ,...
Thực hiện xưng hô, chào hỏi theo quy định; lễ tiết, tác phong, đi lại theo nếp sống quân sự. Giảng viên thỉnh giảng là sĩ quan quân đội, sĩ quan công an đã nghỉ hưu, xuất ngũ thống nhất sử dụng trang phục giảng viên GDQPAN trong giảng dạy, công tác, không được mang mặc quân phục quân đội, công an. Các ngày nghỉ theo lịch giảng dạy phải tổ chức các hoạt động ngoại khóa, vui chơi, giải trí lành mạnh, chặt chẽ phù hợp với lứa tuổi của sinh viên. Nghiêm cấm cán bộ, giảng viên, sinh viên sử dụng rượu, bia, chất kích thích, chất cấm và vui chơi, giải trí ăn tiền dưới mọi hình thức.
Thực hiện tốt công tác tuyển chọn nam sinh viên tốt nghiệp đại học đi đào tạo sĩ quan dự bị: Khi có quyết định giao chỉ tiêu đào tạo sĩ quan dự bị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, các cơ sở giáo dục đại học tổ chức xây dựng kế hoạch tuyển chọn, giao nhiệm vụ cho các cơ quan, khoa, bộ môn bảo đảm khoa học, chặt chẽ. Tổ chức thành lập Hội đồng tuyển chọn, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn là một lãnh đạo cơ sở giáo dục đại học, các thành viên là lãnh đạo các đơn vị chức năng, khoa, bộ môn được giao nhiệm vụ tuyển chọn nam sinh viên tốt nghiệp đại học. Tổ chức tuyển chọn nam sinh viên tốt nghiệp đại học theo đúng thủ tục, nguyên tắc, công khai, dân chủ, bảo đảm đủ số lượng, chất lượng, đúng ngành, chuyên ngành theo quy định và có ít nhất 20% nguồn dự bị đối với từng ngành, chuyên ngành.
Quá trình đào tạo, phối hợp chặt chẽ với cơ sở đào tạo sĩ quan dự bị trong Quân đội nắm chắc kết quả học tập, chất lượng rèn luyện, tâm tư, nguyện vọng của sinh viên, kịp thời giải quyết các vướng mắc. Kết thúc khóa đào tạo, tiếp nhận sinh viên từ cơ sở đào tạo về trường bảo đảm chặt chẽ và tổ chức tuyên dương, khen thưởng các sinh viên có thành tích cao trong quá trình đào tạo, báo cáo kết quả đào tạo về Bộ GD&ĐT qua Vụ GDQPAN.
Ban Chỉ huy quân sự các sở GD&ĐT, các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ GD&ĐT
Triển khai tổ chức thực hiện nghiêm Luật Quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật GDQPAN và Nghị định số 168/2018/NĐCP ngày 28/12/2018 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở bộ, ngành trung ương, địa phương; các thông tư, hướng dẫn thực hiện công tác quốc phòng của Bộ Quốc phòng, Bộ GD&ĐT và các bộ, ngành trung ương.
Ban Chỉ huy quân sự các cơ sở giáo dục đại học tham mưu cho lãnh đạo và triển khai thực hiện nghiêm các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về tuyển chọn nam sinh viên tốt nghiệp đại học đi đào tạo sĩ quan dự bị năm 2024 theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Ban Chỉ huy quân sự các cơ quan, đơn vị, nhà trường phối hợp chặt chẽ với cơ quan quân sự địa phương trên địa bàn thường xuyên tổ chức kiện toàn Ban Chỉ huy quân sự và lực lượng tự vệ đủ số lượng, bảo đảm chất lượng theo quy định. Xây dựng hệ thống kế hoạch, văn kiện sẵn sàng chiến đấu, tổ chức huấn luyện lực lượng tự vệ đạt chất lượng và hiệu quả, sẵn sàng xử trí các tình huống xảy ra theo quy định; tham gia tập huấn công tác quốc phòng, quân sự đúng, đủ thành phần khi được triệu tập; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định./.