Tại văn bản này, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm các quy định tại Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 19/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 345/QĐ-TTg ngày 05/4/2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2023-2030.
Đồng thời, triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các kế hoạch, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Trong đó, tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về hoàn thiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; nâng cao nhận thức, năng lực và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người làm công tác pháp chế, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; triển khai hiệu quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Đối với các Luật có tác động trực tiếp đến hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng) và một số dự án Luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 7, thứ 8 (Luật Bảo hiểm xã hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản...), thì căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai thi hành luật. Trong kế hoạch xác định rõ nội dung, nhiệm vụ và chủ động triển khai các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, kịp thời cung cấp thông tin, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho doanh nghiệp trong áp dụng, thực thi các Luật, chú trọng đẩy mạnh truyền thông, phổ biến bằng các hình thức phù hợp trước thời điểm Luật có hiệu lực thi hành.
Rà soát các vụ việc vướng mắc pháp lý, kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại khoản 1 Điều 6 và khoản 1 Điều 8 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019, nắm bắt các nội dung mà doanh nghiệp quan tâm có nhu cầu hỗ trợ pháp lý trong quá trình áp dụng, thực thi pháp luật thuộc chức năng của cơ quan, đơn vị, địa phương. Đề xuất các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa gửi về Sở Tư pháp để tổng hợp tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Tư pháp hỗ trợ nguồn lực triển khai thực hiện. Tăng cường hoạt động thông tin phổ biến, truyền thông về mục đích, ý nghĩa, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và địa phương về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn và doanh nghiệp tạo tác động xã hội.
Căn cứ kết quả các vụ việc, vướng mắc pháp lý, kiến nghị, phản ánh của doanh nghiệp nhỏ và vừa liên quan áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật, qua theo dõi, nắm bắt các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương kịp thời thông tin giải đáp, nếu vượt quá thẩm quyền báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tư pháp để chỉ đạo, định hướng, qua đó kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực hiện cập nhật, đăng tải thông tin theo đúng quy định tại Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật và Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 66/NQ-CP ngày 09/5/2024 của Chính phủ về "ban hành Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới" trên địa bàn tỉnh. Tổ chức khảo sát, đánh giá nhu cầu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, ưu tiên các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn, đặt biệt khó khăn, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội... tạo cơ sở triển khai nhiệm vụ xây dựng mô hình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phù hợp, thực chất và hiệu quả.
Bên cạnh đó, yêu cầu Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội Doanh nghiệp trẻ, Hội Nữ doanh nhân tỉnh tổ chức phổ biến, quán triệt đến thành viên các nội dung liên quan đến nhiệm vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp để biết và thực hiện. Đồng thời, chủ động liên hệ với các cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan trong quá trình áp dụng pháp luật, thực thi pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh...