(CTTĐTBP) - Hôm nay (24/3), tại điểm cầu Bình Phước, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền và Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Mi, cùng lãnh đạo các sở, ngành tham dự hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động nhằm huy động nguồn lực của doanh nghiệp nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội”.
Hội nghị do Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì; các Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Lê Văn Thành và lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các tập đoàn, tổng công ty, DNNN cùng dự.
Báo cáo về vị trí, vai trò, kết quả tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2016-2020 tại hội nghị nêu rõ, đến hết năm 2020, Việt Nam có khoảng gần 500 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và gần 200 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Hiện còn 94 DNNN quy mô lớn (trừ các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh và nông, lâm nghiệp), gồm: 9 tập đoàn kinh tế, 67 tổng công ty nhà nước, 18 công ty hoạt động theo mô hình nhóm công ty mẹ - công ty con.
Đánh giá tại hội nghị khẳng định, các DNNN đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao; tạo nguồn doanh thu và thu ngân sách đáng kể; đóng vai trò chi phối trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế, cung ứng dịch vụ sản phẩm, dịch vụ công ích. Doanh thu của khối DNNN nắm giữ 100% vốn điều lệ đạt 1.552.397 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016; lợi nhuận trước thuế đạt 122.347 tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2016; tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu bình quân cả giai đoạn 2016-2020 là 10,46%; đóng góp 28% tổng số thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước. Về lao động, các doanh nghiệp thu hút 0,7 triệu lao động, chiếm 7,3% lao động của toàn bộ khu vực doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo tại hội nghị cũng nêu rõ: vai trò dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác của DNNN chưa được phát huy rõ nét; hiệu quả hoạt động của DNNN chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ; năng lực cạnh tranh và đổi mới sáng tạo vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước; việc thực hiện các dự án đầu tư mới của DNNN thời gian qua chưa được thúc đẩy; việc tái cơ cấu toàn diện DNNN vẫn mang tính hình thức…
Các ý kiến và tham luận tại hội nghị cũng tập trung đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ trong thời gian tới, như: cần phải huy động và tập trung nguồn lực tại DNNN; phải xem DNNN có đầy đủ nghĩa vụ và quyền hạn như các doanh nghiệp khác trong nền kinh tế; đổi mới cơ chế về tiền lương, tiền thưởng hợp lý cho người lao động tại doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ; nâng cao hiệu quả hoạt động, gắn phát triển DNNN với thực tiễn chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực nền kinh tế…
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh vai trò của DNNN trong ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, là công cụ để dẫn dắt các thành phần kinh tế khác. Tuy nhiên, hoạt động của DNNN hiện nay cũng còn hạn chế và cần phải nhìn thẳng, nhìn rõ, có những giải pháp để nâng cao hiệu quả, để DNNN trở về đúng vị trí, sứ mệnh của mình.
Để hoạt động của DNNN mang lại những giá trị, đúng với định hướng kinh tế thị trường, tương xứng với nguồn lực, Thủ tướng Chính phủ đề nghị: Nhà nước cần tạo ra hệ sinh thái từ cơ chế, chính sách, từ sự quan tâm, đầu tư cho lĩnh vực kinh tế này, làm động lực để DNNN phát triển; mối quan hệ giữa Nhà nước và DNNN cần có sự hài hòa, phù hợp. Song song đó, chung tay tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách để DNNN phát triển; tăng cường tính phân cấp, phân quyền để nâng cao tính tự lực, tự cường của doanh nghiệp.
Khẳng định sự đóng góp quan trọng của DNNN trong xây dựng đất nước, quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội và phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, Thủ tướng cũng đề nghị các doanh nghiệp cần đổi mới tư duy, chủ động hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, việc khó cần khắc phục, việc tốt cần phát huy; nêu cao đạo đức kinh doanh, tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, có trách nhiệm, nhân văn, nghĩa tình./.