(CTTĐTBP) - Đảo Song Tử Tây có hình bầu dục, lòng đảo trũng xung quanh, nhìn từ xa như một khu rừng thu nhỏ giữa đại dương. So với các đảo khác trên Quần đảo Trường Sa, đảo Song Tử Tây có nhiều công trình, di tích, di sản đặc biệt, tạo nên điểm nhấn thú vị của riêng mình.
Đảo Song Tử Tây nhìn từ xa như một khu rừng thu nhỏ giữa đại dương
Đảo Song Tử Tây thuộc xã đảo Song Tử, là một trong 3 xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa. Đảo có nhiều nước lợ, thuận lợi cho việc sinh hoạt và trồng được nhiều cây xanh, rau các loại, tươi tốt bốn mùa. Đặc sản của đảo là cây sâm đất, quân dân ta thường dùng để làm nước uống.
Thượng tá Phạm Văn Thọ (bìa trái) chia sẻ về những điểm nhấn thú vị trên đảo Song Tử Tây
Thượng tá Phạm Văn Thọ, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 (Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân), cho biết: Trên đảo Song Tử Tây có nhiều điểm nhấn thú vị, riêng có so với các đảo khác. Đó là bia chủ quyền Quần đảo Trường Sa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Cây phong ba cổ thụ trên đảo được công nhận là cây di sản Việt Nam. Trạm khí tượng hải văn Song Tử Tây là một trong 2 trạm khí tượng hải văn trên Quần đảo Trường Sa, làm nhiệm vụ dự báo thời tiết hàng ngày. Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn làm bằng đá khối, cao 11m, sừng sững hướng ra Biển Đông. Chùa Song Tử Tây có vị trí đẹp và là chùa lớn nhất so với các chùa còn lại trên Quần đảo Trường Sa.
Bia chủ quyền Quần đảo Trường Sa trên đảo Song Tử Tây
Theo Thượng tá Phạm Văn Thọ, bia chủ quyền Quần đảo Trường Sa được xây dựng trên đảo Song Tử Tây từ năm 1956, ngoài ra còn có một bia chủ quyền trên đảo Nam Yết (xã đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa). Hai bia chủ quyền này đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia. Hiện nay, bia chủ quyền tại đảo Song Tử Tây còn khá nguyên vẹn, là bằng chứng lịch sử đanh thép khẳng định chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam tại Biển Đông.
Cây phong ba trên đảo Song Tử Tây được công nhận là “cây di sản Việt Nam”. Ảnh: Nguyễn Ninh
Điểm nhấn thứ hai là cây phong ba đại thụ có từ lâu đời, mọc tự nhiên trên đảo này, được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận là “cây di sản Việt Nam”. Phong ba là loài cây có sức sống mãnh liệt, chịu đựng được sự tàn phá của thiên nhiên giữa biển khơi đầy sóng gió, mặn mòi. Cây phong ba di sản này và những cây phong ba khác trên đảo Song Tử Tây mang đến bóng mát, che nắng mưa, chắn sóng cát và là nơi để cán bộ, chiến sĩ vui chơi, nghỉ ngơi sau những giờ học tập, huấn luyện, tuần tra canh gác. Việc công nhận là cây di sản còn có ý nghĩa như “cột mốc xanh” góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trạm khí tượng hải văn Song Tử Tây và bên cạnh là ngọn hải đăng cao 38m so với mực nước biển
Điểm nhấn thứ ba là Trạm khí tượng hải văn Song Tử Tây thuộc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung Bộ, là một trong 2 trạm khí tượng hải văn trên Quần đảo Trường Sa (trạm còn lại ở đảo Trường Sa). Anh Hoàng Văn Minh, Trạm trưởng, cho biết: Trạm khí tượng hải văn Song Tử Tây có chức năng khai thác các yếu tố dữ liệu thời tiết ở khu vực như nhiệt độ, khí áp, độ ẩm, sức gió, cấp sóng, mực nước, mưa… Mỗi ngày, trạm thực hiện 8 lần quan trắc. Khi thời tiết xấu (áp thấp nhiệt đới, dông, bão…), số lần quan trắc được tăng lên 24 hoặc 48 lần trong ngày, nhằm phục vụ cho công tác phân tích, dự báo thời tiết được chính xác, kịp thời.
Tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Song Tử Tây
Điểm nhấn thứ tư là tượng đài Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, công trình do Đảng bộ, chính quyền, quân dân tỉnh Nam Định xây tặng. Công trình tượng đài này có ý nghĩa về mặt văn hoá, tâm linh, chính trị, góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam. Sự anh minh, dũng khí của Đức Thánh Trần sẽ là điểm tựa, nguồn động viên to lớn về tinh thần đối với quân, dân nơi đây.
Chùa Song Tử Tây có vị trí đẹp hướng ra biển
Lớn nhất so với các chùa còn lại trên Quần đảo Trường Sa
Bia ghi Phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma (ngày 14/3/1988) trong khuôn viên chùa Song Tử Tây
Chùa Song Tử Tây cũng là một điểm nhấn thú vị đối với mỗi ai có dịp đến thăm đảo Song Tử Tây. Ngôi chùa này có không gian và diện tích rộng, nằm ngay vị trí đẹp hướng ra biển, phía sau là ngọn hải đăng Song Tử Tây cao 38m so với mực nước biển. Đặc biệt, trong khuôn viên chùa có bia ghi Phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma (ngày 14/3/1988).
Thầy Thích Nhật Anh, trụ trì chùa Song Tử Tây, cho biết: Trên Quần đảo Trường Sa hiện có 9 chùa tọa lạc trên các đảo: Song Tử Tây, Trường Sa, Sinh Tồn, Đá Tây, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Đông, Phan Vinh. Trong 9 chùa, chùa Song Tử Tây lớn nhất. Chùa như chốn nương tựa an lành, giãi bày tâm sự, cầu an, phổ độ chúng sinh, hướng mọi người đến những điều tốt đẹp. Tiếng chuông chùa mỗi sáng như nhắc nhở mọi người về một ngày mới bắt đầu, hướng đến lý tưởng sống cao đẹp “chân, thiện, mỹ” và phát huy những truyền thống tốt đẹp bao đời của dân tộc ta.
Màu xanh cỏ cây, hoa lá hòa quyện với màu xanh của biển đã tạo nên màu xanh thanh bình, thịnh vượng trên đảo Song Tử Tây và những điểm nhấn khác biệt, riêng có trên đã góp phần tạo nên Song Tử Tây đầy kiêu hãnh giữa Biển Đông./.