(CTTĐTBP) - Mỗi vùng đất gắn liền với một loài cây đặc trưng. Khi nhắc đến Trường Sa, chúng ta nghĩ ngay đến cây bàng vuông. Bao đời vẫn thế, bàng vuông sinh sôi nảy nở, hiên ngang trước ngàn sóng gió, như những “cột mốc xanh” tô thắm chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Cùng với cây phong ba và cây bão táp, cây bàng vuông như những “cột mốc xanh” tô thắm chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc
Cây bàng vuông như lá phổi xanh thanh lọc không khí, che nắng mưa cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên Quần đảo Trường Sa
Khí hậu nơi đảo xa đầy khắc nghiệt, bão táp mưa sa, sóng gió bủa vây. Nơi đó, cây bàng vuông vẫn trường tồn đầy kiêu hãnh, là “lá phổi xanh” thanh lọc không khí, điều tiết khí hậu, che nắng mưa cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên Quần đảo Trường Sa và hiên ngang tạc nên bóng hình của Tổ quốc giữa Biển Đông. Cây bàng vuông có sức sống mãnh liệt, phi thường trong điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ngặt nghèo nhất. Ngoài ý nghĩa biểu trưng, cây bàng vuông còn mang giá trị tinh thần to lớn, điểm tựa cho những cán bộ, chiến sĩ hải quân ngày đêm vững chắc tay súng canh trời, giữ biển, bảo vệ biên cương.
Đại úy Lương Văn Triều cho biết nếu trồng bằng cây con được ươm từ hạt thì cây sẽ có tuổi thọ cao hơn so với trồng bằng cành chiết
Nụ hoa bàng vuông
Đại úy Lương Văn Triều, cán bộ kỹ thuật đảo Sinh Tồn Đông (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa), cho biết: Bàng vuông là cây biểu trưng của Trường Sa. Nó minh chứng sinh động, rõ nét cho tinh thần, ý chí kiên trung, son sắt, không quản ngại khó khăn, gian khổ của các cán bộ, chiến sĩ hải quân. Cùng với cây phong ba và cây bão táp, cây bàng vuông có sức sống mãnh liệt và rất phù hợp với đất cát san hô. Có những cây cao tầm 7 - 8m, thân cả người ôm. Trên các đảo, cây bàng vuông sống bằng nước lợ, nhưng khi mang vào đất liền trồng tưới bằng nước ngọt thì cây vẫn phát triển xanh tốt bình thường.
Sau khi hoa tàn, cây sẽ kết trái
“Trồng ở đất liền, nếu gặp nơi đất tốt, cây sẽ cho ra hoa và quả khi được 2 - 3 tuổi. Hoa bàng vuông nở vào ban đêm, có nhiều nhị dài màu tím, biểu thị cho ân tình sâu đậm, thủy chung. Phần còn lại của hoa có màu trắng tinh khôi, thể hiện sự trong sáng, giản dị như tâm hồn của những người lính biển. Sau khi hoa tàn, cây sẽ kết trái. Quả có màu xanh, khi già sẽ chuyển thành màu nâu, chỉ cần gọt hết vỏ ở đoạn đầu cuống, hàng ngày tưới nước vào thì lâu dần sẽ mọc mầm. Lá bàng vuông không ăn được nhưng gói bánh chưng thay cho lá dong, lá chuối thì rất vuông vắn và đẹp. Khi luộc chín, lá bàng làm cho bánh chưng xanh tự nhiên, có hương vị thơm ngọt hơn”, Đại úy Lương Văn Triều chia sẻ thêm.
Quả có màu xanh, khi già sẽ chuyển thành màu nâu
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết việc trồng cây xanh là hoạt động ý nghĩa, thường xuyên mà mỗi cán bộ, chiến sĩ trước khi hoàn thành nhiệm vụ tại đảo đều hồ hởi, tích cực tham gia. Trong đó, chủ yếu là trồng cây bàng vuông để tặng đảo và xem đó như món quà lưu niệm gửi gắm nơi đảo xa. Hoạt động đó còn góp phần nhân giống cây trồng, phủ xanh các đảo, tạo môi trường xanh mát, xây dựng một “Trường Sa xanh” giữa ngàn trùng sóng gió.
Trước khi hoàn thành nhiệm vụ tại đảo, mỗi cán bộ, chiến sĩ đều tham gia trồng cây, trong đó có cây bàng vuông, như món quà lưu niệm gửi gắm nơi đảo xa. Ảnh: Anh Hiếu
Chia tay cán bộ, chiến sĩ trên Quần đảo Trường Sa, tàu chúng tôi dần xa tít những “cột mốc xanh”. Nhưng đâu đó, hương thơm thanh khiết của hoa bàng vuông vẫn phảng phất trong tâm thức, rộng dài cánh gió gửi vào đất liền và làm dịu êm những con sóng giữa ngàn khơi./.