(CTTĐTBP) - Ngày 6/7, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các sở ngành, đơn vị, địa phương liên quan đảm bảo vận hành các hồ chứa theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trong mùa mưa lũ năm 2022.
Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với các công trình thủy điện, hồ đập trên địa bàn tỉnh; thường xuyên kiểm tra, giám sát và yêu cầu các đơn vị quản lý, vận hành hồ Thác Mơ, Cần Đơn, Srok Phu Miêng thực hiện nghiêm Quy trình vận hành liên hồ đã được phê duyệt đảm bảo an toàn công trình. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức tốt công tác phối hợp cung cấp, chia sẻ kịp thời thông tin, dữ liệu vận hành hồ chứa, quan trắc khí tượng thủy văn tại các trạm cho các cơ quan, đơn vị trên địa bàn và các tỉnh, thành phố trên lưu vực đảm bảo thực thi hiệu quả trong tổ chức điều hành vận hành liên hồ chứa.
Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác tổ chức điều hành, vận hành các hồ chứa trong mùa mưa lũ theo đúng quy định của Quy trình vận hành liên hồ đã được phê duyệt. Trong đó, thường trực theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tính toán quyết định phương án điều tiết, ban hành lệnh vận hành hồ kịp thời, đúng thời điểm và thông báo ngay cho các chủ hồ thực hiện và các đơn vị liên quan; đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện lệnh vận hành các hồ chứa trên lưu vực.
UBND các huyện Phú Riềng, Hớn Quản, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Lộc Ninh và thị xã Phước Long khẩn trương chỉ đạo rà soát, kiểm tra, nắm chắc số lượng nhân lực, phương tiện, vật tư dự phòng phục vụ công tác phòng chống thiên tai ở từng địa phương, đơn vị và có phương án huy động phương tiện, lực lượng ứng cứu, khắc phục kịp thời khi có thiên tai xảy ra; xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các kế hoạch, phương án, kịch bản phòng chống thiên tai, nhất là các hình thái cực đoan như bão, lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất... Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao tinh thần cảnh giác, ý thức, kỹ năng ứng phó với thiên tai; tăng cường công tác cảnh báo, theo dõi, giám sát thiên tai, bảo đảm kịp thời, đủ độ tin cậy; chỉ đạo triển khai công tác phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn theo phương châm "bốn tại chỗ"; tăng cường các lực lượng, đặc biệt là lực lượng xung kích cấp xã, huy động và phân bổ nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ người dân phòng chống, khắc phục thiên tai./.