Đã cấp trên 67 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip điện tử

Thứ ba - 09/08/2022 09:38
(CTTĐTBP) - Sáng 9/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu các bộ, cơ quan ngang bộ và điểm cầu cấp tỉnh, huyện, xã của 63 tỉnh, thành phố.
 
hình ảnh các điểm cầu
Đại biểu tham dự tại các điểm cầu
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm 2022, Đề án 06 được triển khai từ trung ương đến cơ sở, thu được những kết quả bước đầu rất tích cực; được người dân, doanh nghiệp đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Đây là việc làm mới, chưa có tiền lệ với thời gian triển khai ngắn, nên kết quả ban đầu đạt được rất quan trọng, đã góp phần thay đổi phương thức quản lý công dân; khắc phục tình trạng thiếu thống nhất và nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý thông tin công dân; tiết kiệm thời gian, công sức, tạo điều kiện thuận lợi và là nền tảng quan trọng để triển khai dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Từ đó, góp phần đẩy mạnh phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện hiện nay.
 
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại điểm cầu Trung ương
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị
Theo báo cáo Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc tại hội nghị, UBND các địa phương đã xây dựng kế hoạch, thành lập tổ công tác để triển khai thực hiện Đề án 06 theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Trong đó, Chính phủ đã lựa chọn 5 thành phố lớn (Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ) để tập trung chỉ đạo tạo sự chuyển biến lan tỏa; một số địa phương đã chủ động phối hợp triển khai một số nội dung chỉ đạo thí điểm liên quan đến Đề án 06 như Quảng Ninh, Thái Nguyên. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, sáng tạo để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 06 như: Bình Phước, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Điện Biên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Ninh, Thái Nguyên...

Đề án 06 xác định 5 nhóm tiện ích lớn, trong đó có có 13 nhóm nhiệm vụ chung, 89 nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành Trung ương; 13 nhóm nhiệm vụ chung và 8 nhiệm vụ cụ thể của các địa phương. Đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 21/89 nhiệm vụ, các địa phương hoàn thành 4/13 nhiệm vụ và 1/8 nhiệm vụ cụ thể.

Về thực hiện các dịch vụ công thiết yếu, đã cơ bản đã hoàn thành, đưa 21/25 dịch vụ thiết yếu thực hiện trên môi trường điện tử, đạt kết quả tích cực. Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đã mang lại nhiều tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp. Điểm nổi bật là Bộ Công an đã hoàn thành 11/11 dịch vụ công mức độ 3, 4; đồng thời mở rộng thực hiện 187/227 nhóm dịch vụ công khác của lực lượng CAND, trong đó việc cấp hộ chiếu qua mạng, phân cấp đăng ký ô tô, xe máy về cấp huyện, cấp xã được người dân đồng tình ủng hộ, đánh giá cao; Bộ GD&ĐT đã triển khai đăng ký dự thi trực tuyến cho gần 1 triệu thí sinh, đạt tỷ lệ 93,1%...

Về kết nối, chia sẻ dữ liệu, tính đến ngày 31/7/2022, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã triển khai kết nối chính thức với một số Cơ sở dữ liệu của 11 bộ, ngành; 4 doanh nghiệp nhà nước và 14 địa phương. Ngoài ra, Bộ Công an đã triển khai các giải pháp hỗ trợ các đoàn thể xây dựng hệ thống dữ liệu quản lý đoàn viên, hội viên trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; hỗ trợ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam triển khai kết nối, xác thực, làm sạch dữ liệu; hỗ trợ Bộ Y tế, Hội Phụ nữ Việt Nam đặt hạ tầng thiết bị và quản trị dữ liệu tại Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư. Triển khai kết nối các cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam.
 
De an 06
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền chủ trì hội nghị tại điểm cầu Bình Phước. Ảnh: Thanh Mảng.
 
Một kết quả nổi bật nữa, trong 6 tháng đầu năm 2022, Đề án đã đẩy mạnh ứng dụng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chip điện tử, tài khoản định danh điện tử. Ngày 18/7/2022, Bộ Công an đã công bố hệ thống Định danh và xác thực điện tử đi vào hoạt động chính thức, là một bước tiến mới, đưa Việt Nam chính thức là một trong những nước có định danh điện tử quốc gia (đến nay hệ thống đã thu nhận gần triệu hồ sơ đề nghị cấp tài khoản định danh). Công tác cấp CCCD gắn chip điện tử tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay đã cấp trên 67 triệu thẻ cho công dân.

Việc triển khai một số ứng dụng của thẻ căn cước gắn chip điện tử đạt kết quả bước đầu tích cực như: Sử dụng thẻ căn cước tích hợp thông tin thẻ bảo hiểm xã hội phục vụ người dân đi khám bệnh tại các cơ sở y tế (53,1% cơ sở y tế đã thực hiện); thí điểm xác thực danh tính qua thẻ CCCD tại các quầy giao dịch của một số ngân hàng, thí điểm sử dụng thẻ CCCD thay thẻ ATM tại Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh...

Tại  Bình Phước, tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai, thực hiện Đề án 06 tại 16/24 đơn vị cấp sở, ban, ngành và 100% đối với các địa phương từ cấp huyện đến cấp xã. Kết quả triển khai 25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân trên môi trường điện tử, Công an tỉnh đã hoàn thành tích hợp trên các cổng dịch vụ công 9 dịch vụ công mức độ 4 và 2 dịch vụ công mức độ 3./.

Tác giả: Trung tâm CNTT&TT

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,745
  • Hôm nay28,382
  • Tháng hiện tại17,850,718
  • Tổng lượt truy cập477,743,405
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây