Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ sáu - 03/06/2022 08:39
(CTTĐTBP) - Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý điều hành, giao dịch, giải quyết thủ tục hành chính, phát triển sản xuất… mang lại hiệu quả cao trong công việc đang là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ 4.0. Là địa bàn biên giới còn nhiều khó khăn, song với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, quá trình chuyển đổi số trên địa bàn huyện Lộc Ninh đã và đang từng bước được khẳng định và đạt nhiều kết quả tích cực.
THAY ĐỔI NHẬN THỨC NGƯỜI DÂN
Là chủ một đại lý buôn bán thiết bị điện máy lớn nhất thị trấn Lộc Ninh, hằng ngày chị Phạm Thị Phương luôn bận rộn với công việc kinh doanh. Trước đây, việc thanh toán tiền điện đối với chị rất phiền hà vì mất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến công việc kinh doanh. Gần 2 năm nay, từ khi ngành điện triển khai hướng dẫn cài đặt ứng dụng Zalo hỗ trợ khách hàng, việc tiếp nhận thông tin và thanh toán tiền điện trở nên thuận tiện với chỉ vài thao tác trên điện thoại thông minh. Chị Phương chia sẻ: “Từ ngày sử dụng ứng dụng Zalo để nắm bắt thông tin và thanh toán tiền điện, tôi thấy rất thuận tiện và nhanh gọn. Thông báo tiền điện, giờ cắt điện... đều được cập nhật trên điện thoại và xử lý ngay tại chỗ. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc rất hiệu quả, tiện ích. Tôi mong ngày càng có nhiều người ứng dụng công nghệ số để cuộc sống trở nên văn minh, thuận tiện và nhanh gọn hơn trong công việc”.
Trước đây, Bộ phận một cửa huyện Lộc Ninh chỉ giải quyết thủ tục hành chính từ 120-150 bộ hồ sơ/ngày, thì nay nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào quản lý, điều hành, giải quyết thủ tục hành chính, số lượng hồ sơ được giải quyết đã tăng lên hơn 300 bộ/ngày. Hiệu quả việc trả hồ sơ trước và đúng hạn cho người dân cũng đạt trên 99%. Anh Đào Ngọc Anh, cán bộ Bộ phận một cửa huyện Lộc Ninh chia sẻ: “Khi áp dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính cho người dân đã giúp rút ngắn rất nhiều thời gian, công sức cho cán bộ cũng như người dân. Trước đây, tôi chỉ giải quyết được 20-30 bộ hồ sơ/ngày, thì nay đã có thể giải quyết từ 80-90 bộ/ngày”.
Ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính, thanh toán điện tử… đã nhận được sự đồng thuận, hài lòng và đánh giá cao của người dân. Ông Nguyễn Văn Thọ ở xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh cho hay: “Bây giờ khác trước rồi, tôi đến đây giải quyết hồ sơ xong đều có phiếu hẹn và trên đó có mã QR. Người dân có điện thoại thông minh sẽ dễ dàng biết hồ sơ của mình đã được giải quyết đến đâu, theo đó mà tiếp cận chứ không như trước, nộp hồ sơ rồi chỉ biết chờ đợi”.
HƯỚNG ĐẾN HUYỆN ĐIỂM CHUYỂN ĐỔI SỐ
Sau 4 năm triển khai thực hiện, đến nay huyện Lộc Ninh đã xây dựng vận hành hiệu quả mô hình Bộ phận một cửa phục vụ hành chính công cấp huyện với 39 nội dung chuyển đổi số. Các ngành, cơ quan, đoàn thể, các địa phương đã và đang ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin như: phần mềm quản lý văn bản, thư điện tử; mô hình phòng họp không giấy, họp trực tuyến; đến nay đã thực hiện thanh toán online trên cổng dịch vụ công gần 7.500 giao dịch với số tiền gần 22,5 tỷ đồng… Đồng thời đang tập trung triển khai thực hiện hỗ trợ chuyển đổi số cho 4 đơn vị hành chính cấp xã (Lộc Thịnh, Lộc Hưng, Lộc Thái, Lộc Thiện) và Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang.
Tuy nhiên, Lộc Ninh vẫn còn nhiều khó khăn trong công tác chuyển đổi số. Là địa bàn biên giới, đông đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, trình độ hạn chế, trong khi vốn đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin lớn... là những rào cản đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của các cấp chính quyền mà cả nhân dân trong huyện. Trước những khó khăn này, lãnh đạo huyện Lộc Ninh đã xem xét đầu tư phủ sóng các “vùng lõm” để đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số thấy được lợi ích của việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cuộc sống.
Phó chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh Hồ Quang Khánh cho biết: “Lộc Ninh hiện nay tập trung cho dịch vụ công và trực tuyến, giao dịch mức độ 3 và 4, hướng tới thanh toán điện tử. Huyện cũng đang làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông và VNPT Bình Phước tư vấn các bước, thực hiện theo các lộ trình trên tinh thần là huyện điểm về thực hiện chuyển đổi số của tỉnh”.
Với những kết quả đã đạt được cho thấy, huyện Lộc Ninh đang nỗ lực chuyển mình trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Đặc biệt là việc đầu tư phủ sóng các “vùng lõm” để đáp ứng nhu cầu giao dịch của nhân dân ngày một tốt hơn. Từ đó, từng bước đưa Lộc Ninh phát triển nhanh và toàn diện trong thời gian tới./.