Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ sáu - 03/06/2022 15:28
(CTTĐTBP) - Những thông tin bổ ích cùng với nhiều ý kiến tâm huyết đã được các đại biểu trao đổi tại Hội nghị kết nối tiêu thụ trái cây và hàng nông sản Bình Phước năm 2022, diễn ra sáng nay 3/6.
Hội nghị do Sở Công Thương, Hội Nông dân tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước đồng chủ trì.
Phát biểu tại hội nghị, lãnh đạo Sở Công Thương cho biết, Bình Phước có nhiều thế mạnh phát triển về nông nghiệp và cây ăn trái. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 151 ngàn ha cây điều, sản lượng trên 150 ngàn tấn/năm; gần 16 ngàn ha cây tiêu, sản lượng trên 28 ngàn tấn/năm. Tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh trên 12 ngàn ha, sản lượng gần 64 ngàn tấn/năm, trong đó chủ yếu là quýt, xoài, chôm chôm, nhãn, mít, sầu riêng, bưởi…
Tuy nhiên thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản, trái cây của Bình Phước vẫn còn gặp nhiều khó khăn dẫn tới giá trị gia tăng không cao, thu nhập của nông dân còn bấp bênh theo mùa vụ “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.
Tại hội nghị, các nông hộ, hợp tác xã (HTX) đã chia sẻ quy trình trồng, chăm sóc và chế biến sâu đối với một số sản phẩm tiêu biểu của mình. Đồng thời, mong muốn được hỗ trợ kết nối xây dựng chuỗi liên kết để bao tiêu sản phẩm; có giải pháp hỗ trợ các HTX chế biến sâu để nâng tầm giá trị cho sản phẩm.
Trong khi đó, một số HTX chuyên canh cây ăn trái cho rằng, nhiều sản phẩm cây ăn trái được trồng và chăm sóc theo hướng hữu cơ, chất lượng tốt, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Do đó, mong muốn được hợp tác trực tiếp với các doanh nghiệp để tránh tình trạng sản phẩm làm ra qua tay nhiều thương lái dẫn đến giá thành sản phẩm bị đẩy lên cao khi đến tay người tiêu dùng.
Về lâu dài, người dân và các HTX trồng cây ăn trái mong muốn lãnh đạo tỉnh cần quy hoạch xây dựng kho bãi để bảo quản sản phẩm khi đến mùa thu hoạch.
Tại hội nghị, một số doanh nhân cũng đã có những chia sẻ tâm huyết về sự cần thiết phải chuyển đổi số trong nông nghiệp để từng bước đưa các mặt hàng nông sản từ động ruộng lên sàn giao dịch. Trong khi đó, nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng đã thông tin đến bà con nông dân về một số yêu cầu để các mặt hàng nông sản, cây ăn trái có thể thâm nhập vào chợ đầu mối, siêu thị và các cửa hàng bán lẻ.
Tuy nhiên, theo người dân để nâng tầm giá trị cho sản phẩm, đại diện lãnh đạo Co.op Mart cũng như một số doanh nghiệp bán lẻ cần có chính sách riêng để hỗ trợ nông dân. Qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, từng bước xây dựng thương hiệu cho nông sản Bình Phước.
Cũng tại hội nghị, các bên liên quan đã ký biên bản ghi nhớ, hợp tác, thỏa thuận để đưa các sản phẩm nông nghiệp, cây ăn trái của tỉnh lên sàn giao dịch điện tử./.