Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ sáu - 27/05/2022 08:32
(CTTĐTBP) - Công nghệ phát triển đã mở ra những nền tảng giao dịch kết nối toàn cầu, các hoạt động quản trị doanh nghiệp (DN) như quản lý nhân sự, hóa đơn, chứng từ... đang dần dịch chuyển lên nền tảng số. Trong bối cảnh cả DN và cơ quan nhà nước cùng đẩy mạnh chuyển đổi số để xây dựng chính phủ điện tử và thúc đẩy nền kinh tế số đã khiến hoạt động giao dịch trực tuyến “bùng nổ”, phát triển mạnh mẽ chưa từng có. Đi cùng với đó là dịch vụ chữ ký số tạo môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần số hóa nền kinh tế.
Xu thế tất yếu của doanh nghiệp 4.0
Tại Bình Phước, việc ứng dụng chữ ký số khá phổ biến trong thời gian gần đây. Số DN sử dụng chữ ký số tăng mạnh, nhất là từ khi Cục Thuế yêu cầu 100% DN phải khai báo thuế qua mạng, sử dụng hóa đơn điện tử, thuế điện tử. Vì vậy, DN bắt buộc phải sử dụng chữ ký số trong giao dịch mua bán hằng ngày. Đến nay, đa phần DN đều có tối thiểu một chữ ký số để thực hiện các giao dịch điện tử.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Điệp, kế toán Công ty TNHH Tuấn Giang, phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài cho biết: Sử dụng chữ ký số là một biện pháp mang lại nhiều lợi ích, thủ tục nhanh gọn, thay thế chữ ký tay trong tất cả trường hợp giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước, phát hành hóa đơn điện tử, nộp báo cáo thuế qua mạng hay ký số các văn bản, đóng bảo hiểm xã hội, ký kết hợp đồng… Lãnh đạo đi công tác xa vẫn có thể điều hành công ty và ký các hóa đơn, chứng từ trong tích tắc, tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh mà vẫn đảm bảo an toàn.
Với giá trị pháp lý tương đương chữ ký tay và con dấu truyền thống, chữ ký số dùng để xác nhận quyền chủ sở hữu của những văn bản, hóa đơn, chứng từ, giao dịch điện tử mà không cần phải thực hiện in tờ khai và đóng dấu. “Chúng tôi sử dụng giải pháp này bởi sự nhanh chóng, tiện lợi, đồng thời tăng mức độ bảo mật và an toàn đối với các văn bản, chứng từ trong quá trình giao dịch với khách hàng” - chị Nguyễn Thị Hồng Phượng, kế toán Văn phòng công chứng Đoàn Ngọc Liên, phường Tân Phú, TP. Đồng Xoài chia sẻ.
Dịch vụ chữ ký số không chỉ bảo mật, an toàn cho DN mà còn giúp tiết kiệm chi phí đi lại, thời gian. Trước nhu cầu kết nối từ xa, giao dịch trực tuyến, truyền tải thông tin trên môi trường internet gia tăng, chữ ký số trở thành công cụ cơ bản và cần thiết đối với DN và cá nhân trong nền kinh tế số, xã hội số. Ngay khi biết đến chữ ký số, anh Phan Hồng Hòa, Giám đốc Công ty TNHH MTV Tầm Nhìn Mới, phường Tân Đồng, TP. Đồng Xoài đã lựa chọn sản phẩm này như một giải pháp tiện lợi trong kỷ nguyên số. Kinh doanh ở lĩnh vực thiết kế, in quảng cáo, số lượng khách hàng kết nối hằng ngày khá đông nên giải pháp ký số giúp bộ phận kế toán ký kết hợp đồng thuận tiện hơn, DN dễ dàng xuất hóa đơn, khai báo thuế mọi lúc, mọi nơi.
Thúc đẩy phát triển kinh tế số
Ngoài chữ ký số truyền thống đã triển khai nhiều năm nay, hiện các nhà mạng đang triển khai thêm chữ ký số từ xa để DN lựa chọn. Ưu điểm của ký số từ xa là người dùng không cần phải mang theo USB Token, cũng không bị bó buộc khi sử dụng SIM. Chữ ký số từ xa sử dụng công nghệ đám mây, tốc độ xử lý nhanh, dễ dàng ký hợp đồng, hóa đơn, văn bản pháp lý mọi lúc, mọi nơi chỉ cần có thiết bị thông minh. Điều này sẽ mở ra cơ hội trong triển khai thêm các nền tảng ứng dụng chữ ký số từ xa khác như Cổng dịch vụ công quốc gia, các hệ thống giao dịch ngân hàng, tài chính, bảo hiểm...
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Bình Phước cho biết: Để giúp DN, người dân dễ dàng tiếp cận dịch vụ chữ ký số từ xa, VNPT đã triển khai linh hoạt các gói chữ ký số từ xa với chi phí hợp lý, phù hợp nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. VNPT đang triển khai các gói ưu đãi cho khách hàng, bao gồm giảm giá từ 20-30% dịch vụ chữ ký số từ xa (VNPT SmartCA), mỗi DN chỉ phải bỏ chi phí khoảng 300 ngàn đồng đã có thể hoàn thành đăng ký và sử dụng chữ ký số trong 1 năm.
Hiện nay, các hoạt động giao dịch trực tiếp giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được chuyển dần sang phương thức giao dịch điện tử. Thị trường chữ ký số tại Việt Nam đã có sự chuyển biến mạnh mẽ. Ở lĩnh vực thuế điện tử, tỷ lệ DN sử dụng chữ ký số đạt 99%, tăng 64 bậc trong bảng xếp hạng cạnh tranh của Ngân hàng Thế giới. Hơn 90% DN đã kê khai nộp bảo hiểm xã hội qua dịch vụ điện tử, giúp tiết kiệm 60% chi phí cho DN và Nhà nước. Việc ứng dụng chữ ký số đã giúp các tổ chức tài chính giảm được tỷ lệ sai sót đến 92%, giảm tỷ lệ thất lạc file tài liệu đến 66% và giúp hiệu quả kiểm toán đạt 80%.
Trong một thế giới ngày càng siêu kết nối, nhu cầu giao dịch, truyền tải thông tin trên môi trường điện tử gia tăng, chữ ký số là công cụ cơ bản nhất của một DN chuyển đổi số. Với xu thế, tiềm năng của thị trường và sự chuyển mình của nền kinh tế, việc phát triển dịch vụ chữ ký số là một xu thế tất yếu, là mảnh ghép góp phần hoàn thiện “bức tranh” chuyển đổi số DN.
Cùng với phát triển dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4, chứng thực bản sao điện tử, định danh điện tử và căn cước công dân gắn chíp… thì phát triển chữ ký số từ xa có ý nghĩa rất lớn trong việc số hóa, định danh điện tử cho người dân, thực hiện các thủ tục hành chính công và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số.