Cần bổ sung nội dung quan trọng trong Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi

Thứ hai - 06/06/2022 08:25
(CTTĐTBP) - Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2016, bên cạnh những kết quả đã đạt được, cũng cho thấy những bất cập, hạn chế cần nghiên cứu hoàn thiện. Vì vậy, năm 2018, Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội và các luật có liên quan. 
 
4 01 1654454123997
Truyền thông chính sách bảo hiểm xã hội tới người lao động tự do tại tỉnh Quảng Nam. (Ảnh Trung Tâm)

Sau sáu năm thực thi, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 đã bộc lộ nhiều bất cập, như: thời gian đóng bảo hiểm xã hội quá dài, tối thiểu 20 năm mới được hưởng lương hưu tỷ lệ 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội; nhiều lao động không chờ được, chọn rút bảo hiểm xã hội một lần; chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện chỉ được hưởng chế độ hưu trí, tử tuất, không có ốm đau, thai sản…

Để thể chế hóa các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là các mục tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đặt ra, đòi hỏi Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 phải sớm có những sửa đổi, bổ sung những nội dung quan trọng.

Xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt

Tại hội nghị thông tin về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế do Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức ngày 1/6, Phó Vụ trưởng Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) Trần Hải Nam cho biết, xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, linh hoạt được xem là một trong những nội dung trọng tâm trong lần sửa luật này.

Trong đó, dự luật sẽ bổ sung quy định trợ cấp hưu trí xã hội, để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng gồm: Tầng trợ cấp hưu trí xã hội (hiện đang được quy định ở Luật Người cao tuổi), bảo hiểm xã hội cơ bản (bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện), bảo hiểm hưu trí bổ sung.

Trong đó, tầng hưu trí xã hội, bổ sung quy định trợ cấp đối với trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu hằng tháng, nếu không nhận bảo hiểm xã hội một lần sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn và mức trợ cấp hằng tháng cao hơn. Mục đích nhằm tạo sự liên kết, hỗ trợ giữa các tầng, đặc biệt giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội với bảo hiểm xã hội cơ bản.

Thứ hai, mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Để thực hiện được nội dung này, dự thảo luật bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan Bảo hiểm xã hội và các cơ quan liên quan trong việc xác định và quản lý toàn bộ đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật.

Bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với đối tượng có điều kiện và khả năng: Chủ hộ kinh doanh; Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; Quy định cụ thể việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động làm việc không trọn thời gian. Đồng thời, sẽ nghiên cứu tăng mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước nhằm tăng tính hấp dẫn, thu hút tạo điều kiện để người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thông qua việc: Tăng mức hỗ trợ đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; và bổ sung chế độ trợ cấp thai sản trong chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Giảm năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu xuống 15 năm

Chính sách quan trọng thứ ba được Phó Vụ trưởng Trần Hải Nam đề cập là mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng bảo hiểm xã hội (lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội).

Theo đó, dự luật sẽ sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, tiến tới còn 10 năm, nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia bảo hiểm xã hội muộn, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội ngắn được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội. Quy định lộ trình giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp khả năng của ngân sách. Đồng thời, có chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho người lao động tham gia đóng góp để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần, bên cạnh việc cho phép người lao động được tiếp tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu có nhu cầu.

Phó Vụ trưởng Trần Hải Nam cho biết, việc sửa luật, rút ngắn thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhằm tăng độ bao phủ chính sách an sinh, phù hợp xu hướng chung của thế giới, hiện tại Nhật Bản, Hàn Quốc cũng làm tương tự. Dự luật sẽ thiết kế lại mức hưởng và tỷ lệ hưởng bảo đảm quyền lợi cho lao động, tuy nhiên, dù giảm số năm đóng, cơ quan chuyên môn luôn khuyến khích người lao động đóng thời gian dài vì số năm đóng càng tăng thì tỷ lệ hưởng hưu trí càng cao.

Về tiến độ xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, dự kiến Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022), Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó có dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Dự kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023), Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi; và tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Quốc hội thông qua dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi. Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
 

Theo thống kê, đến hết năm 2021, cả nước có hơn 16,5 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, bao phủ 33,7% lực lượng lao động trong độ tuổi (15,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và 1,45 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội nguyện); hơn 4,94 triệu người cao tuổi sau độ tuổi nghỉ hưu hưởng lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hằng tháng. Và hiện vẫn còn hơn chín triệu người sau tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng tầng an sinh nào.

Tác giả: Theo Báo Nhân Dân

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,620
  • Hôm nay42,932
  • Tháng hiện tại9,867,194
  • Tổng lượt truy cập455,262,316
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây