(CTTĐTBP) - Không đứng ngoài vòng xoáy của “bão Covid-19”, huyện Bù Đăng cũng chịu ảnh hưởng trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, quyết liệt chung sức, đồng thuận của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, Bù Đăng đã tập trung thực hiện hiệu quả “nhiệm vụ kép”: vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó đưa người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, góp phần tạo nên bức tranh kinh tế - xã hội tươi sáng trong năm 2021 với những kết quả đáng ghi nhận.
Chăm lo người dân và doanh nghiệp
Là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cao, một bộ phận người dân chưa chủ động vươn lên trong cuộc sống nên tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Bù Đăng nhiều năm nay còn cao. Vì vậy, chỉ tiêu giảm nghèo, đặc biệt là các hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS luôn được quan tâm. Theo đó, huyện đã huy động nhiều nguồn lực để thực hiện giảm nghèo.
Thực hiện Chương trình giảm 1.000 hộ nghèo DTTS của tỉnh, năm 2021 huyện được giao giảm 230 hộ nghèo. Đến nay, toàn huyện đã giải ngân hỗ trợ các hộ thoát nghèo đạt 99,78% (còn lại 2 hộ không giải ngân do đối tượng đã mất); hoàn thành xây dựng 62/62 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo DTTS.
Bù Đăng vượt khó thực hiện hiệu quả mục tiêu phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Trong ảnh: Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền thăm nhà máy Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam tại xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021) - Trương Hiện
Trao “cần câu” nhưng phải chỉ cách bà con sử dụng “cần câu” hiệu quả. Đó là giải pháp lâu dài được chính quyền huyện Bù Đăng áp dụng trong việc phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS. Mục sư Điểu Hiêng, Trưởng ban đại diện Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) tỉnh, Quản nhiệm Chi hội Bù Đăng và nhà thờ Đăng Blang cho biết: Nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương về truyền dạy kỹ thuật chăm sóc cây trồng như: bơ, điều, cà phê…, đồng bào trên địa bàn huyện Bù Đăng nói riêng và đồng bào là giáo dân có ý thức tự chủ trong cuộc sống. Từ đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo. Những hộ đã thoát nghèo biết cách làm ăn, phát triển kinh tế, không để tái nghèo.
Năm 2022, dự báo tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường. Trong bối cảnh đó, Huyện ủy Bù Đăng đề ra 22 chỉ tiêu cơ bản và nhiều giải pháp trọng tâm để phát triển kinh tế - xã hội, trong đó nhấn mạnh các nhiệm vụ: Tiếp tục thích ứng linh hoạt, an toàn với tình hình dịch bệnh. Chú trọng công tác phòng, chống dịch để đảm bảo sức khỏe, tính mạng người dân. Đây là ưu tiên hàng đầu của cả hệ thống chính trị. Song song với phòng, chống dịch, phải đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp và người yếu thế; giải quyết tốt các vấn đề trong lĩnh vực văn hóa - xã hội; năng động và sáng tạo trong việc đề ra các giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thích ứng với dịch để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục kiện toàn hệ thống chính trị để đủ sức lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Bù Đăng Vũ Lương
|
Thời gian qua, huyện Bù Đăng còn phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm, qua đó thu hút 500 lao động và 27 doanh nghiệp tham gia; giải quyết việc làm cho 6.652 lao động, đạt 102% kế hoạch; đào tạo nghề cho 350 lao động, đạt 70% kế hoạch. Để kịp thời hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ, đến nay, toàn huyện đã chi hỗ trợ cho 7.410 đối tượng với tổng hơn 8,2 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ gạo cho 9.245 đối tượng với 138,675 tấn gạo từ kho dự trữ quốc gia.
Là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực xăng dầu trên địa bàn huyện, Công ty TNHH TM DV xăng dầu Duy Kỳ đến nay đã phát triển được 5 chuỗi cửa hàng xăng dầu và trạm dừng chân tại các xã Minh Hưng, Bom Bo, Đắk Nhau, Phú Sơn và thị trấn Đức Phong. Để phục vụ chuỗi hệ thống này hoạt động tốt, đơn vị đã tạo việc làm cho 30 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người. Dịch bệnh Covid-19 kéo dài có lúc đơn vị gặp khó khăn, dù không hoạt động vẫn phải trả lương cho người lao động. Ông Đặng Duy Kỳ, Giám đốc công ty cho biết: Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, 30 lao động tại đơn vị được chính quyền địa phương hỗ trợ theo quy định, mỗi người được 1,8 triệu đồng. Đồng thời, huyện có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong đợt dịch cũng như giai đoạn phục hồi kinh doanh trở lại.
Giải pháp “vàng” để khôi phục và phát triển kinh tế
47 năm sau ngày giải phóng, xuất phát điểm với hạ tầng cơ sở yếu kém: không điện lưới, kinh tế thuần nông, hơn 60% số hộ dân thiếu đói giáp hạt phải nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước..., phát huy truyền thống anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, dân và quân huyện Bù Đăng đã chung sức, đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, gặt hái nhiều thành tựu. Kinh tế - xã hội phát triển không ngừng; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, huyện xác định muốn phát triển kinh tế phải thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch. Để nâng cao hiệu quả bảo vệ đời sống người dân, doanh nghiệp, huyện đẩy mạnh thực hiện công tác phòng, chống dịch song song với công tác hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, công nhân, người lao động gặp khó khăn do dịch. Các giải pháp hỗ trợ, đảm bảo an sinh xã hội luôn được thực hiện thường xuyên không để ai bị bỏ lại phía sau.
Kinh tế - xã hội huyện Bù Đăng đã có nhiều chuyển biến tích cực sau 47 năm giải phóng. Trong ảnh: Một góc thị trấn Đức Phong, huyện Bù Đăng - Ảnh: Trương Hiện
Theo đó, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt và hiệu quả với 4 nhiệm vụ trọng tâm: Phòng, chống lây nhiễm từ bên ngoài; phòng, chống lây nhiễm bên trong cộng đồng; tăng cường thu dung, điều trị để giảm thiểu người tử vong do dịch; đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 để hướng tới miễn dịch cộng đồng. Đến nay, các nhiệm vụ phòng, chống dịch đã được triển khai khá đồng bộ. Tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt gần 100%. Huyện đang tích cực triển khai tiêm vắc xin cho trẻ từ 12-17 tuổi. Với sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã thích ứng linh hoạt với mọi diễn biến của tình hình dịch bệnh để ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế.
Mặc dù tình hình kinh tế gặp khó khăn nhưng trong năm 2021, thu ngân sách của huyện ước 300 tỷ đồng, đạt 160% so với dự toán tỉnh giao, bằng 113% so cùng kỳ năm 2020. Bù Đăng là một trong những huyện có kết quả thu ngân sách tốt của tỉnh. Tổng chi ngân sách ước trên 1.326 tỷ đồng, đạt 166% so với dự toán điều chỉnh tỉnh giao và đạt 106% so với dự toán điều chỉnh của HĐND huyện. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, ước hơn 5.541 tỷ đồng, đạt 105,98% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng ước thực hiện 10.500 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Giá trị sản xuất khối dịch vụ ước đạt 10.000 tỷ đồng, ước tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020.
|
Vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, huyện Bù Đăng đã duy trì và nâng cao tiêu chí đối với 6 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, hoàn thiện các tiêu chí còn lại để đưa 2 xã Thống Nhất và Đường 10 đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2021, hiện đã hoàn thiện hồ sơ, trình UBND tỉnh thẩm định. Đồng thời, huyện đang rà soát các tiêu chí nhằm đưa ra giải pháp và lập các danh mục chuẩn bị đầu tư đối với 2 xã Đoàn Kết, Thọ Sơn để đạt chuẩn nông thôn mới và xã Đức Liễu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao trong năm 2022.
Năm 2021, trên địa bàn huyện có 47 công ty, doanh nghiệp thành lập mới. Đến nay, tổng số công ty, doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn huyện là 351. Dù đứng trước tình hình khó khăn chung, nhưng lãnh đạo huyện và cộng đồng người dân, doanh nghiệp đã chung tay vượt qua khó khăn, đạt nhiều thành tựu cơ bản, đáng trân trọng. Những kết quả đạt được của huyện Bù Đăng đã góp phần không nhỏ vào tỷ lệ tăng trưởng khá ấn tượng của tỉnh, góp phần vào thành quả chung phát triển kinh tế - xã hội của Bình Phước trong năm 2021./.