Bình Phước : Cổng thông tin điện tửhttps://binhphuoc.gov.vn/uploads/binhphuoc/quochuy_1.png
Thứ hai - 27/06/2022 14:30
(CTTĐTBP) - Bộ Y tế vừa gửi dự thảo mới nhất về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, trong đó vẫn đề xuất Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, và chưa công bố hết dịch.
Những khó khăn khi công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam
Tại dự thảo, Bộ Y tế cho biết tỷ lệ tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng vẫn ghi nhận trường hợp tử vong và bệnh nặng đang được theo dõi, điều trị.
Hiện trong nước thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 linh hoạt như phòng chống bệnh đặc biệt nguy hiểm, bệnh nguy hiểm để kịp thời áp dụng khi phát sinh tình huống nguy hiểm hơn.
Dựa theo căn cứ pháp lý, việc công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm phải đáp ứng điều kiện: Triển khai các biện pháp chống dịch quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 40 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Không phát hiện thêm trường hợp mắc bệnh mới sau 28 ngày.
Theo Bộ Y tế, tình hình dịch Covid-19 đã cơ bản kiểm soát trên phạm vi toàn quốc, ghi nhận số ca mắc giảm mạnh, còn khoảng trên 1.000 ca/ngày. Tuy nhiên, tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, một số nước có xu hướng gia tăng trở lại, virus liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới, tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Bộ Y tế nhận định khi công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam, chúng ta sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Cụ thể, nếu dịch xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, dịch có nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế. Khi đó, việc kích hoạt đáp ứng với các biện pháp y tế, xã hội sẽ trở nên bị động.
Nhân viên y tế thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 không được hưởng chế độ phụ cấp phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A; người bệnh sẽ không được hưởng chi trả điều trị Covid-19 miễn phí, đặc biệt là người bệnh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Ngoài ra, chúng ta không có cơ chế áp dụng đặc thù đối với vaccine phòng Covid-19 sử dụng trong tình trạng khẩn cấp. Việc huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, tổ chức, doanh nghiệp sẽ khó khăn, người dân không được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó, người dân sẽ chủ quan, lơ là trước sự nguy hiểm của dịch bệnh, không thực hiện chủ động các biện pháp phòng chống dịch.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn cảnh báo tình trạng đại dịch trên toàn cầu và tại Việt Nam còn ghi nhận số mắc cao hàng ngày tại hầu hết địa phương. Do đó, Việt Nam phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo các khuyến cáo của WHO.
Việc duy trì công bố dịch Covid-19 tại Việt Nam sẽ huy động được sự quan tâm của toàn thể hệ thống chính trị tham gia vào công tác chống dịch, bố trí kinh phí đầy đủ cho các hoạt động chống dịch không để bị động khi xuất hiện biến thể mới nguy hiểm của SARS-CoV-2 vượt quá năng lực của hệ thống y tế.
Trong thời gian chưa công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam, để sử dụng hiệu quả các nguồn lực phòng, chống dịch, nhất là những nơi đã kiểm soát tốt dịch Covid-19 với số mắc, tử vong ở mức thấp trong thời gian dài và có khả năng đáp ứng tốt, sẽ thực hiện đánh giá ngưỡng kiểm soát dịch theo các tiêu chí để quyết định các biện pháp đáp ứng phù hợp.
Đối với trường hợp đạt các tiêu chí dưới ngưỡng kiểm soát dịch, xem xét điều chỉnh áp dụng biện pháp tương tự như với bệnh truyền nhiễm lưu hành phổ biến khác. Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia trong nước, quốc tế thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh, đánh giá nguy cơ và có điều chỉnh phù hợp khi có những diễn biến mới.
Vì sao chưa coi Covid-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam?
Về lý do chưa thể coi Covid-19 là bệnh lưu hành tại Việt Nam, Bộ Y tế cho hay theo các tài liệu về dịch tễ học trong nước và trên thế giới, đặc biệt là của WHO, bệnh “lưu hành” là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh dịch hoặc tác nhân gây bệnh trong một khu vực địa lý hoặc nhóm quần thể dân số nhất định; hoặc còn hướng đến một tỷ lệ mắc bệnh thường gặp của một bệnh dịch trong một khu vực hoặc quần thể dân số nhất định.
Như vậy, một bệnh được coi là lưu hành khi có các tiêu chí: Có sự tồn tại thường xuyên tác nhân gây bệnh; Tồn tại quần thể cảm nhiễm và ổ chứa tác nhân gây bệnh; Bệnh dịch xảy ra ở một nhóm đối tượng cụ thể hoặc quần thể dân số trong địa bàn nhất định; Tỷ lệ mắc bệnh có tính ổn định và có thể dự báo được.
Đối với tiêu chí số 4, hầu hết nước trên thế giới đều trong trạng thái số mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng giảm thất thường khi có xuất hiện các biến thể mới của SARS-CoV-2 (như Nam Phi, Mỹ sau 2 tháng dịch có xu hướng giảm đã tăng trở lại từ đầu tháng 5 đến nay do sự lưu hành của các biến thể BA.4, BA.5 và chưa có xu hướng chững lại), SARS-CoV-2 có thể tiếp tục xuất hiện những biến thể mới; đồng thời miễn dịch có được (do vaccine và mắc bệnh) chưa có tính ổn định lâu dài và giảm dần theo thời gian.
Do đó, sau khoảng thời gian đủ lớn, dịch có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào; cần thêm thời gian để theo dõi, đánh giá tính ổn định cũng như sự thay đổi của tác nhân gây bệnh.
Bộ Y tế cho biết, qua trao đổi với WHO, ngày 19/5, chưa có quốc gia nào trên thế giới báo cáo WHO về chính thức công bố coi Covid-19 là bệnh lưu hành. WHO nhận định dịch Covid-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành.
Ngày 31/3, WHO đã đưa ra kế hoạch nhằm kết thúc tình trạng khẩn cấp của đại dịch Covid-19 trong năm 2022 với điều kiện cơ bản là tỷ lệ bao phủ vaccine đạt trên 70% dân số trên phạm vi toàn cầu và kiểm soát được số mắc mới và tử vong.
Tại Việt Nam, số mắc mới và tử vong do Covid-19 tại Việt Nam cũng có xu hướng giảm tương đối ổn định từ cuối tháng 3 đến nay, trong những ngày gần đây chỉ ghi nhận dưới 1.000 ca/ngày, số tử vong cũng giảm rõ. Như vậy, Việt Nam cơ bản đáp ứng được những điều kiện cần thiết để chuyển dần các biện pháp phòng bệnh từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững; tuy nhiên, chúng ta cũng phải luôn cảnh giác với các biến thể mới./.