Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin về môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông mới

Chủ nhật - 24/04/2022 12:03
(CTTĐTBP) - Từ năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng đồng loạt với 3 khối lớp 3, 7 và 10.
 
at 1650701073382
Thí sinh dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tại điểm thi trường THPT Chu Văn An (Hà Nội). (Ảnh: Duy Linh)

Đối với lớp 10, ngoài 7 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, Hướng nghiệp, Nội dung giáo dục địa phương, học sinh sẽ lựa chọn tổ hợp 5 môn học từ 3 nhóm cụ thể: Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật), trong đó mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn học.

Nhiều ý kiến lo ngại, việc đưa Lịch sử thành môn lựa chọn sẽ khiến rất ít học sinh lựa chọn, dẫn đến nguy cơ “vắng bóng” môn học này ở nhiều trường trung học phổ thông. Giải đáp những băn khoăn này, ngày 23/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có phản hồi chính thức.

Xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước

Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng quan điểm chỉ đạo của Đảng và quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước. Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và dự thảo chương trình các môn học được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo để xin ý kiến toàn dân.

Sau khi tiếp thu ý kiến nhân dân và ý kiến của chuyên gia ở trong và ngoài các Hội đồng thẩm định (Hội đồng thẩm định Chương trình tổng thể, các Hội đồng thẩm định chương trình môn học), Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Ban Tuyên giáo Trung ương, xin ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp và các tổ chức có liên quan. Trên cơ sở đó, Chương trình giáo dục phổ thông đã được ban hành kèm theo Thông tư số 32 ngày 26/12/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng đã quán triệt đầy đủ các quy định tại Nghị quyết 29, Nghị quyết 88, Quyết định 404, trong đó mỗi môn học có chức năng, nhiệm vụ, vai trò và vị trí khác nhau, cùng góp phần giáo dục học sinh trở thành những con người toàn diện có đủ tài, đức, công dân có ích cho xã hội. Các môn khoa học tự nhiên, công nghệ, tin học bồi dưỡng những kiến thức về khoa học tự nhiên, rèn luyện tư duy, giúp học sinh có năng lực tiếp cận, hội nhập, làm chủ khoa học-kỹ thuật hiện đại. Các môn khoa học xã hội, nghệ thuật giúp học sinh thông hiểu về đời sống xã hội loài người, hiểu sự phát triển của xã hội loài người, hiểu các quy luật phát triển kinh tế, xã hội, triết lí, tư tưởng, lẽ sống… góp phần bồi dưỡng tâm hồn con người, hình thành thế giới quan, nhân sinh quan đúng đắn đối với thế hệ trẻ.

Môn Lịch sử được học xuyên suốt trong chương trình

Trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, môn Lịch sử được bố trí dạy như sau:

Giai đoạn giáo dục cơ bản (từ lớp 1 đến lớp 9): Giáo dục lịch sử là nội dung bắt buộc trong toàn bộ giai đoạn giáo dục cơ bản.

Ở cấp tiểu học, từ lớp 1 đến lớp 3, nội dung giáo dục lịch sử được thực hiện trong các môn học Tự nhiên và Xã hội với tổng thời lượng cho cả 3 năm học là 210 tiết; ở lớp 4 và lớp 5, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lý, là môn học bắt buộc với tổng số 140 tiết. Chương trình mới được thiết kế theo phạm vi mở rộng dần về không gian địa lí và không gian xã hội, từ địa lí, lịch sử của địa phương, vùng miền, đất nước Việt Nam đến địa lí, lịch sử của các nước láng giềng, khu vực và thế giới, giúp học sinh làm quen với một số nội dung cơ bản của lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới.

Ở cấp học trung học cơ sở, nội dung giáo dục lịch sử được tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lý, là môn học bắt buộc ở tất cả các lớp, từ lớp 6 đến lớp 9, với tổng số 420 tiết, trong đó 50% thời lượng dành cho phân môn Lịch sử. Nội dung chương trình phân môn Lịch sử cấp trung học cơ sở trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi của toàn bộ lịch sử thế giới, lịch sử Việt Nam từ nguyên thủy đến cổ đại, trung đại, cận đại và hiện đại.

Nội dung giáo dục lịch sử, ngoài việc được thực hiện trong phân môn Lịch sử còn được tích hợp một cách phù hợp trong các bài học thuộc phân môn Địa lý trong cùng môn Lịch sử và Địa lý; bảo đảm liên thông với chương trình môn Lịch sử và Địa lý cấp tiểu học và chương trình môn Lịch sử, chương trình môn Địa lý cấp trung học phổ thông; thống nhất, kết nối chặt chẽ giữa các lớp học, cấp học và các môn học, hoạt động giáo dục của chương trình giáo dục phổ thông.

Bên cạnh đó, nội dung giáo dục lịch sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản còn được thực hiện trong môn Đạo đức (ở cấp tiểu học), môn Giáo dục công dân (ở cấp trung học cơ sở), Nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 1 đến lớp 9. Trong đó, Lịch sử của các địa phương tiếp tục được đưa vào dạy học bắt buộc ở tất cả các lớp, giúp học sinh hiểu sâu sắc hơn lịch sử dân tộc Việt Nam.

Với cách thiết kế chương trình như trên, ở giai đoạn giáo dục cơ bản, trong toàn cấp tiểu học và trung học cơ sở, tất cả học sinh đều được học lịch sử dân tộc Việt Nam đầy đủ, cơ bản và toàn diện.

Cấp trung học phổ thông: Chương trình môn Lịch sử có 315 tiết

Giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp (từ lớp 10 đến lớp 12): Ở cấp trung học phổ thông, Lịch sử được bố trí là một môn học trong tổ hợp khoa học xã hội. Ở giai đoạn này học sinh bắt buộc phải học 5 môn học lựa chọn trong 3 nhóm môn học: nhóm khoa học xã hội gồm 3 môn học: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; nhóm khoa học tự nhiên gồm 3 môn học: Vật lý, Hóa học, Sinh học; nhóm công nghệ và nghệ thuật gồm 4 môn học: Tin học, Công nghệ, Âm nhạc, Mỹ thuật), trong đó mỗi nhóm phải chọn ít nhất 1 môn học.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 quy định: “Các trường có thể xây dựng các tổ hợp môn học từ 3 nhóm môn học và chuyên đề học tập nói trên để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường”.

Như vậy, môn Lịch sử được dạy ở tất cả các trường trung học phổ thông, bảo đảm sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên lịch sử hiện có. Phương pháp dạy học môn Lịch sử được thực hiện trên nền tảng những nguyên tắc cơ bản của sử học và phương pháp giáo dục hiện đại. Chương trình môn Lịch sử cấp trung học phổ thông (với tổng thời lượng 315 tiết, so với Chương trình giáo dục phổ thông 2006 chỉ có 140 tiết) hệ thống hoá, củng cố kiến thức thông sử ở giai đoạn giáo dục cơ bản, đồng thời giúp học sinh tìm hiểu sâu hơn các kiến thức lịch sử cốt lõi thông qua các chủ đề, chuyên đề học tập về lịch sử thế giới, lịch sử khu vực Đông Nam Á và lịch sử Việt Nam.

Cũng như ở giai đoạn giáo dục cơ bản, ở cấp trung học phổ thông, nội dung giáo dục lịch sử cũng được đưa vào nội dung giáo dục của địa phương, với thời lượng 35 tiết cho mỗi lớp từ lớp 10 đến lớp 12. Đồng thời, môn Giáo dục quốc phòng và an ninh cấp trung học phổ thông là môn học bắt buộc với thời lượng 35 tiết/năm học, trong đó giáo dục cho học sinh về truyền thống chống ngoại xâm của dân tộc, lực lượng vũ trang nhân dân và nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Việc học tập của trẻ em ngày nay tiến hành trong điều kiện học liệu nhiều, thông tin nhiều và dễ tìm kiếm, cơ hội học tập mọi nơi, mọi lúc. Trẻ em ngày nay phát triển sớm hơn, sự hình thành các năng lực phẩm chất sớm hơn. Vì vậy, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng mở, đặc biệt chú trọng đổi mới về phương pháp và hình thức dạy học, kiểm tra, đánh giá; khuyến khích tự học, học tập chủ động, sáng tạo của học sinh.

Với cách tổ chức biên soạn, kết cấu các môn học, đổi mới nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục nội dung Lịch sử, ngoài tổng giờ được học nội dung giáo dục lịch sử trong các môn được gia tăng, nội dung giáo dục lịch sử còn được tích hợp, lồng ghép trong các môn học khác một cách phong phú, thực tiễn, đa dạng và toàn diện hơn. Học sinh học theo chương trình mới được học nhiều hơn và sâu hơn theo phương pháp mới. Như vậy, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã cụ thể hóa đầy đủ chủ trương đổi mới giáo dục lịch sử, thực hiện đầy đủ những quan điểm, mục tiêu và giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29.

Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lắng nghe ý kiến, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự sắp xếp các môn giáo dục lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia. Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp trung học phổ thông, trong tình hình còn nhiều khó khăn về các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và các điều kiện khác, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục để có những biện pháp định hướng hỗ trợ học sinh chọn các tổ hợp môn học hợp lý, phù hợp với các điều kiện thực tiễn, phát huy hết được nhóm nhân lực nhà giáo dạy học môn Lịch sử.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền để giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục và xã hội hiểu sâu hơn về Chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhận thức đúng, sâu sắc hơn về nội dung giáo dục lịch sử trong chương trình; trên cơ sở đó tổ chức triển khai hiệu quả, thực hiện tốt yêu cầu đổi mới về nội dung, phương pháp và hình thức giáo dục lịch sử bảo đảm đạt được mục tiêu của chương trình.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lắng nghe ý kiến của các tầng lớp nhân dân, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thực hiện tốt yêu cầu tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển con người toàn diện, khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng./.

 

Tác giả: Theo Báo Nhân Dân

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,189
  • Hôm nay413,477
  • Tháng hiện tại10,237,739
  • Tổng lượt truy cập455,632,861
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây