(CTTĐTBP)- Nếu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoặc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu ngưng hoặc hạn chế bán hàng mà không có lý do chính đáng sẽ bị xem xét đình chỉ hoặc tước Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định.
Đây là chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại công văn số 1155/BCT-TTTN ký ngày 08/3/2022 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Yêu cầu chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu
Công văn nêu rõ: Thời gian gần đây, thị trường xăng dầu thế giới và trong nước có nhiều biến động ảnh hưởng tới nguồn cung và giá xăng dầu tại thị trường trong nước.
Để bảo đảm duy trì việc cung ứng, bình ổn thị trường mặt hàng xăng dầu trong nước thời gian tới, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn:
Một là, tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp ngày 08/2/2022; chỉ đạo của Bộ Công Thương tại Công điện số 517/CĐ-BCT ngày 28/01/2022, cuộc họp ngày 09/02/2022, Công văn số 593/BCT-TTTN ngày 10/02/2022 và các văn bản chỉ đạo của Bộ Công Thương về việc bảo đảm nguồn cung xăng dầu và chấp hành pháp luật trong kinh doanh xăng dầu.
Hai là, thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, việc tuân thủ quy định về niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thời gian đăng ký bán xăng dầu..., trường hợp phát hiện có sai phạm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền để xử lý nghiêm theo quy định.
Giám sát chặt chẽ các cửa hàng bán lẻ xăng dầu
Ba là, chủ động có phương án bảo đảm và công khai nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trên địa bàn trong thời gian tới.
Bốn là, giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, bảo đảm việc bán hàng của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không bị gián đoạn.
Yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn cam kết thực hiện nghiêm các quy định tại Điều 26 của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu; khoản 21 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Đặc biệt, trước tình hình khó khăn về nguồn cung và giá xăng dầu biến động mạnh như hiện nay, nếu các cửa hàng bán lẻ xăng dầu hoặc các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu ngưng hoặc hạn chế bán hàng mà không có lý do chính đáng sẽ bị xem xét đình chỉ hoặc tước Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định.
Năm là, thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành về công tác điều hành xăng dầu; tuyên truyền, khuyến khích doanh nghiệp và người dân sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hiệu quả./.