Bình Phước: Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành chính quyền số

Thứ năm - 19/05/2022 10:10

 

(CTTĐTBP) - Là một tỉnh thuộc khu vực Đông Nam bộ được tách ra từ tỉnh Sông Bé vào năm 1997, Bình Phước đã đạt được nhiều thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, so với một số tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, chênh lệch phát triển còn rất lớn, do đó tỉnh đang kỳ vọng dựa vào chuyển đổi số (CĐS) để có bước phát triển nhảy vọt những năm tới. 

Đó là nội dung trao đổi giữa phóng viên Báo SGGP với bà Trần Tuyết Minh (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước.

 Bình Phước: Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hình thành chính quyền số ảnh 1

PHÓNG VIÊN: Thưa bà, tỉnh Bình Phước đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của CĐS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?  

Bà TRẦN TUYẾT MINH: Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu và là một giải pháp quan trọng, cấp thiết, làm cơ sở xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, mỗi địa phương, mỗi ngành, lĩnh vực. Ý thức được tầm quan trọng của CĐS, thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã tích cực đẩy mạnh CĐS trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, đáng chú ý là việc BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 18-5-2021 về CĐS đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước với quyết tâm đến năm 2025, cơ bản hình thành chính quyền số, nền kinh tế số và xã hội số. 

Với quan điểm coi doanh nghiệp, người dân vừa là mục tiêu vừa là động lực của quá trình CĐS, Bình Phước luôn tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất để doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh đẩy mạnh CĐS nhằm tạo ra động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy giá trị đổi mới sáng tạo thiết thực, hiệu quả, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Thông qua CĐS sẽ giúp doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh tăng năng suất lao động, hiệu quả sản xuất, kinh doanh; đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh. 

Gần đây, tỉnh Bình Phước đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương triển khai ứng dụng công nghệ số trong quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, xin bà cho biết một số kết quả?

Từ năm 2021 đến nay, Bình Phước đã đạt những kết quả nổi bật trong lĩnh vực xây dựng chính quyền điện tử, CĐS. Hiện tỉnh xếp thứ nhất cả nước về thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai, chứng thực điện tử và kết nối dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia. Về chỉ số CĐS, tỉnh đứng thứ 3 khu vực Đông Nam bộ; đứng thứ 6 trong các tỉnh phía Nam về chỉ số CĐS cấp tỉnh và xếp hạng 25/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ký kết hợp tác với Công ty cổ phần FPT và đã ban hành chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, HTX của tỉnh đẩy mạnh CĐS. Các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh đã chủ động hợp tác, phối hợp với doanh nghiệp, nhà đầu tư để triển khai chương trình đào tạo, tập huấn, truyền thông các sự kiện CĐS; hỗ trợ các ứng dụng CĐS cho doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh bán sản phẩm ra toàn quốc qua nền tảng thương mại điện tử.

Tính đến quý 1-2022, Bình Phước có 9.804 doanh nghiệp với số vốn đăng ký 175.399 tỷ đồng và 275 HTX. Các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh đã và đang đóng góp tích cực vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có khoảng 218 doanh nghiệp, HTX bán hàng trên sàn thương mại điện tử với 466 sản phẩm; 5 doanh nghiệp và 2 HTX được tỉnh hỗ trợ triển khai mô hình thí điểm CĐS toàn diện; 160 doanh nghiệp đang dùng nền tảng quản trị doanh nghiệp hợp nhất; ngành thuế tỉnh đã và đang chuẩn hóa dữ liệu hóa đơn điện tử cho hơn 8.000 doanh nghiệp, tổ chức, hộ cá nhân kinh doanh… 

Từ những chuyển biến trên, người dân, doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã bắt đầu có thay đổi nhận thức về CĐS; luôn trong tư thế sẵn sàng đón nhận những trải nghiệm công nghệ mới để ươm mầm những thành công về CĐS giai đoạn tiếp theo.

Các giải pháp mà tỉnh sẽ thực hiện để thúc đẩy CĐS trên địa bàn thời gian tới là gì, thưa bà?

Tiếp nối sự thành công của Hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa CĐS được tổ chức lần đầu tiên tại Bình Phước tháng 4-2021, cuối tháng 4 vừa qua, Bình Phước tiếp tục tổ chức hội thảo thúc đẩy CĐS tỉnh Bình Phước năm 2022, nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của CĐS đến doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, qua hội thảo sẽ tìm kiếm giải pháp, cơ chế, chính sách về đẩy mạnh CĐS; thúc đẩy doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh nắm bắt, thích nghi và áp dụng CĐS để tạo sự phát triển vượt bậc trong nền kinh tế thị trường hiện nay.

Bình Phước rất coi trọng công tác CĐS trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Do đó, các giải pháp CĐS mà tỉnh đề ra cũng bám sát 3 trụ cột này. Trước mắt, tỉnh chọn một số ngành, địa phương, doanh nghiệp CĐS toàn diện làm điểm để rút kinh nghiệm. Trong đó, phấn đấu đến năm 2025 có 20% trang trại, doanh nghiệp với 5-7 sản phẩm được số hóa; các xã, phường, thị trấn thực hiện thí điểm số hóa phải có 100% sản phẩm OCOP được số hóa. Việc triển khai CĐS thành công sẽ giúp doanh nghiệp tăng doanh thu; HTX, hộ kinh doanh, nông dân có lợi nhuận tốt. 

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thúc đẩy CĐS, thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục, bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; phấn đấu cuối năm 2022 đạt các mục tiêu: 40% trường học, cơ sở giáo dục và 50% bệnh viện, cơ sở y tế sử dụng nền tảng số để CĐS; 40% trường học, cơ sở giáo dục và 50% bệnh viện, cơ sở y tế lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán học phí, viện phí và các giao dịch khác; số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, cơ sở giáo dục đạt 40% và trong các bệnh viện, cơ sở y tế đạt 50%.

Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh CĐS, phát triển thương mại điện tử, xúc tiến thương mại, quản trị doanh nghiệp toàn diện, hóa đơn điện tử, thu phí đường bộ tự động, không dừng... 

Tỉnh sẽ phối hợp với Bộ TT-TT, Tập đoàn FPT tiếp tục tổ chức các khóa tập huấn cung cấp nền tảng số trong tình hình mới, CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp, bảo đảm an toàn thông tin trong CĐS; các nền tảng quản trị doanh nghiệp toàn diện, hóa đơn điện tử, sàn thương mại điện tử… như là giải pháp đột phá để đưa công nghệ số trở thành dịch vụ, một trong những yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh./.

Tác giả: Theo SGGP

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4,203
  • Hôm nay777,367
  • Tháng hiện tại17,728,671
  • Tổng lượt truy cập477,621,358
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây