Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh: Sự kỳ vọng của chính quyền và nhân dân

Thứ năm - 15/10/2020 11:09
(CTTĐTBP) - Trung tâm Điều hành thông minh (IOC - Intelligent Operations Center) tỉnh Bình Phước được khánh thành, chính thức hoạt động vào ngày 25/9/2020 vừa qua. Đây là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Phước lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
CT UBND tinh
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền phát biểu tại buổi lễ khánh thành Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh. Ảnh: Văn Duyên
 
Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh là nơi tổng hợp tất cả các nguồn thông tin, dữ liệu của đô thị thuộc nhiều lĩnh vực, qua đó giúp các nhà lãnh đạo đô thị giám sát, điều hành, hỗ trợ chỉ huy và quản lý chất lượng dịch vụ đô thị một cách tổng thể, có khả năng phân tích dữ liệu lớn và hỗ trợ ra quyết định. Trên cơ sở kết nối đến nền tảng đô thị thông minh (ĐTTM) - Smart Connected Platform và vận hành liên tục, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh gắn liền với xu hướng hình thành các ĐTTM (Smart City) của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Quyết tâm của lãnh đạo địa phương với sự vận dụng khoa học công nghệ trong đổi mới điều hành có tính chất đột phá

Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Nguyễn Minh Quang cho biết: “Để thành lập một Trung tâm điều hành ĐTTM là mơ ước, quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh và sự đồng thuận của nhân dân. Từ năm 2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 07- NQ/TU về xây dựng Chính quyền điện tử. Sau đó, hàng loạt văn bản được ban hành dựa trên cơ cở pháp lý là Luật Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày 29/6/2006 và Công văn số 4176/BTTTT-THH ngày 22/11/2019 của Bộ TT&TT hướng dẫn triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM. Ngày 19/12/2019, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3780/UBND-KGVX về việc đề xuất với Bộ TT&TT triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM. Bình Phước là một trong 19 tỉnh thành được Bộ cho phép triển khai thí điểm trong năm 2020. Ngày 23/9/2020, Cục Tin học hoá, Bộ TT&TT có văn bản số 1365/THH-DVCNTT xác nhận Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Bình Phước đáp ứng các yêu cầu chức năng của hệ thống theo hướng dẫn của Bộ.

Nhằm giải quyết bài toán những hạn chế, bất cập trong việc xử lý nhanh, hiệu quả từ các đường dây nóng, hình ảnh camera giám sát giao thông và an ninh không được kết nối; những tổng đài 113, 114, 115 còn riêng biệt; dữ liệu của các ngành, địa phương bị phân tán, chưa được khai thác sử dụng hiệu quả… đòi hỏi phải có trung tâm giám sát, điều hành đô thị mang tính tập trung để quản lý đồng bộ và toàn diện. Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh đã ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại, tập trung để thay đổi cách thức quản lý, giám sát điều hành của các cấp, các ngành thuộc tỉnh”.

Về hạ tầng, sau hơn 2 tháng triển khai cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật với tổng diện tích là 144m2 tại trụ sở Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm đã hoàn tất với phòng kỹ thuật, phòng điều hành với 27 màn hình ghép, 12 máy tính điều khiển, hệ thống camera giám sát.

Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh đặt tại trụ sở Văn phòng UBND tỉnh nhằm thuận tiện cho công tác chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo tỉnh. Sự ra đời của Trung tâm là bước đột phá, tạo dựng được nền tảng ban đầu để xây dựng chính quyền điện tử, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn, thúc đẩy việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trên mọi phương diện, lấy phát triển chính quyền điện tử làm trung tâm. Hiệu quả mang lại của Trung tâm sẽ cao hơn khi nhờ vào sự tích hợp và tương tác từ nhiều thành phần, sự thống nhất các nguồn lực của tỉnh khi xây dựng các thành phần ĐTTM trong thời gian tới.

Về công nghệ và nhân sự, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh sử dụng nền tảng hiện đại (flatform) cho việc xây dựng các ứng dụng thành phần, nền tảng như: Trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (Big data), internet vạn vật (IoT), dữ liệu không gian địa lý (GIS), điện toán đám mây (Cloud computing), các ứng dụng thiết kế Dashborad chuyên nghiệp của Microsoft.

Sở TT&TT tỉnh đã điều động 3 công chức, viên chức của sở; đồng thời các sở ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Công an tỉnh, VNPT Bình Phước cũng đã cử cán bộ thường xuyên theo dõi số liệu về kinh tế - xã hội, thông tin phản ánh, cử kíp trực tổng đài 113, 114, 115, 1022 (tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân). Hiện nay, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh được giao cho Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông thuộc Sở TT&TT quản lý, vận hành.

Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh có 3 chức năng cơ bản và 10 nhiệm vụ trọng tâm

Trung tâm có chức năng giám sát, được hỗ trợ bởi công nghệ thông minh để ghi nhận, nhận diện các vấn đề cần quan tâm hoặc các vi phạm trong hoạt động của đô thị. Kết quả giám sát được chuyển đến cơ quan chuyên môn liên quan để nắm bắt thông tin hoặc cơ quan có thẩm quyền để xử lý kịp thời.

Về chức năng điều hành, Trung tâm giúp các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và UBND cấp huyện triển khai hoạt động điều hành, điều phối xử lý các công việc thuộc thẩm quyền quản lý.

Về chức năng hỗ trợ chỉ đạo, Trung tâm đảm bảo sẵn sàng các điều kiện, quy trình hỗ trợ cho lãnh đạo đô thị trực tiếp chỉ đạo, chỉ huy các vụ việc nóng, nhạy cảm có tính tức thời, điều hành hoạt động các lực lượng xử lý tại hiện trường (áp dụng trong trường hợp khẩn cấp như bạo động, biểu tình, thiên tai, dịch bệnh…).

Trong quá trình triển khai thực hiện, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh tích hợp với hệ thống giám sát chính quyền điện tử để tạo thành một hệ thống xuyên suốt phục vụ quản lý điều hành đô thị tập trung, với 10 nhóm nhiệm vụ: Giám sát, điều hành giao thông và an ninh, trật tự công cộng; Hệ thống thông tin tiếp nhận và xử lý phản ánh của người dân; Quản lý thông tin báo chí và truyền thông trên môi trường mạng, bảo mật an toàn thông tin; Xây dựng tổng đài hành chính công; Dịch vụ giám sát môi trường; Giám sát dịch vụ hành chính công; Dịch vụ cảnh báo mạng lưới đô thị văn minh; Thực hiện y tế thông minh, phát triển y tế số kết hợp với các công nghệ nhằm tạo ra sự đột phá trong việc chăm sóc sức khỏe người dân; Ứng dụng công nghệ thông minh nhằm phát triển du lịch chủ động đáp ứng nhu cầu của thị trường khách du lịch; Xây dựng giáo dục thông minh với việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ ICT đủ điều kiện để xử lý nhanh, hiệu quả thông tin giáo dục và đào tạo.

Mô hình kết nối vận hành của Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh
 
Quy trinh IOC BP
 Các khối kết nối dịch vụ ĐTTM

Quy trình vận hành của Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh chia thành 2 nhóm chính, đó là xử lý có thời gian và xử lý tức thời. Trong đó, xử lý có thời gian là thông qua các dịch vụ, ứng dụng ĐTTM được giám sát tập trung, tiến hành phân tích, xác minh và chuyển kết quả đến các cơ quan chức năng để tiến hành xử lý vụ việc theo quy trình xác định rõ thời gian. Đối với quy trình xử lý tức thời, áp dụng cho các trường hợp như hỏa hoạn, tai nạn, trộm cướp, an ninh trật tự đô thị, biểu tình, thiên tai, dịch bệnh… Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh sẽ hỗ trợ lãnh đạo trực tiếp chỉ đạo, điều hành các lực lượng đến hiện trường xử lý.

Sau hơn 2 tháng hoạt động thử nghiệm, trung bình mỗi ngày Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh tiếp nhận trên 150 phản ánh, kiến nghị, cuộc gọi, tin nhắn của người dân, trên các lĩnh vực như: An ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, cấp cứu, tai nạn giao thông, trật tự đô thị, hành chính công … Tuy mới vận chính thức nhưng Trung tâm bước đầu phát huy tính năng của mình như: Lãnh đạo tỉnh đã kịp thời chỉ đạo rà soát tất cả các hồ sơ thủ tục hành chính còn tồn đọng, biết chính xác từng hồ sơ, từng đơn vị để tồn đọng hồ sơ; đã nâng tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết dịch công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh từ 9% đầu năm lên trên 90% trong tháng 9/2020. Hệ thống báo cáo kinh tế - xã hội kết nối tự động vào Hệ thống báo cáo của Chính phủ, giúp cho thông tin của Bình Phước thể hiện nhanh chóng, chính xác trên Hệ thống điều hành của Chính phủ. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu đưa thêm các lĩnh vực vào quản lý như: Nông nghiệp, quan trắc môi trường, lao động, bảo hiểm, an sinh xã hội. Tỉnh sẽ thành lập các nhóm phân tích dữ liệu chuyên sâu do các đồng chí Lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo để theo dõi, phân tích dữ liệu tại Trung tâm nhằm tăng hiệu quả, thay đổi phương thức lãnh đạo, điều hành.

Vai trò của VNPT Bình Phước - Đơn vị then chốt trong phối hợp xây dựng và vận hành Trung tâm

Một trong những người có nhiều tâm huyết, năng lực và tham gia từ đầu hiến kế, tích cực tham mưu cho lãnh đạo tỉnh kết nối với Tập đoàn VNPT và Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh hợp tác xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh là đồng chí Phạm Văn Trinh - Giám đốc VNPT Bình Phước. Đồng chí Phạm Văn Trinh chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh.

Ngày 19/8/2020, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức Lễ khai trương Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đây chính là thuận lợi để Bình Phước đưa Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh vào vận hành kịp thời và phù hợp với yêu cầu của Chính phủ. Đặc biệt, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm đến lĩnh vực chính quyền điện tử, ĐTTM với phương châm: “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất” đã tạo nguồn năng lượng đặc biệt để tập thể VNPT Bình Phước tập trung cao độ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Trung tâm.

Sự động viên, chia sẻ của đồng chí Phạm Đức Long - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc VNPT cũng đã “tiếp lửa” cho cán bộ, nhân viên VNPT Bình Phước hăng say, nhiệt huyết với công việc. Các đơn vị Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Tập đoàn Viettel đã phối hợp đồng bộ triển khai các phần mềm công nghệ ứng dụng đã góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành xây dựng Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh. Về cơ bản tập, thể cán bộ, nhân viên VNPT Bình Phước đã có đội ngũ chuyên gia kỹ thuật cao, đáp ứng được yêu cầu công việc phối hợp với các đơn vị liên quan.

Bên cạnh những thuận lợi, trong quá trình triển khai xây dựng cũng gặp một số khó khăn nhất định. Đó là, do tiếp cận công nghệ mới, con người cũng chưa thật sự sẵn sàng cả về nắm bắt thuần thục công nghệ và kinh nghiệm hạn chế nên vấn đề tiếp cận, triển khai cũng gặp không ít khó khăn. Thời gian thực hiện không dài nên có lúc có khi còn thiếu chủ động. Tuy nhiên, so sánh với nhiều địa phương khác thì Bình Phước khởi động nhanh và có chất lượng (theo đánh giá ban đầu, Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh Bình Phước chỉ đứng sau Thừa Thiên - Huế).
 
IOC Binh Phuoc
Bình Phước là một trong 19 địa phương trong cả nước được phê duyệt phát triển ĐTTM trong giai đoạn đầu. Ảnh: Văn Duyên
 
Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh góp phần quan trọng trong xây dựng chính quyền điện tử phục vụ nhân dân

Nhân dịp Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh khánh thành đưa vào hoạt động, Tiến sĩ Đặng Hà Giang - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh có nhận định: Tác động của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, tác động lớn đến nền kinh tế Việt Nam và tỉnh Bình Phước nói riêng.

Sự xuất hiện hàng loạt công nghệ mới như: Công nghệ Robotic, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, điện toán đám mây, dữ liệu lớn… đang làm thay đổi mạnh mẽ các ngành và lĩnh vực. Các mô hình kinh doanh mới đã xuất hiện như: Uber, Grab (trong lĩnh vực giao thông); Traveloka, Airbnb (trong lĩnh vực du lịch, đặt phòng khách sạn); Alibaba, Amazon (lĩnh vực thương mại điện tử); Atom Bank, Fidor Bank (Ngân hàng số)… và còn rất nhiều mô hình thành công khác từ việc ứng các công nghệ vào trong hoạt động kinh doanh, xây dựng chính quyền điện tử, ĐTTM cũng như đời sống kinh tế - xã hội. Trung tâm Điều hành thông minh tỉnh đưa vào hoạt động rất kịp thời, góp phần quan trọng vào Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra rất nhiều cơ hội và thách thức cho Bình Phước trong xây dựng và vận hành chính quyền điện tử từ tỉnh đến cơ sở.

Những cơ hội đó là giảm chi phí nhân sự cho bộ máy hành chính, đơn giản thủ tục hành chính, thực hiện giao dịch một cửa, giải quyết thủ tục hành chính nhanh và gọn. Thực hiện dịch vụ công; nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong điều hành bộ máy hành chính kể cả các cơ quan của Đảng, chính quyền, đoàn thể và đơn vị sự nghiệp. Kết nối và chia sẻ dữ liệu chung trong toàn quốc, toàn ngành và toàn tỉnh nhanh hơn, minh bạch hơn, nhất là thay đổi tư duy, phong cách làm việc phải luôn nâng cao trình độ nghiệp vụ và công nghệ./.

Tác giả: Phạm Hiến

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,355
  • Hôm nay820,102
  • Tháng hiện tại17,771,406
  • Tổng lượt truy cập477,664,093
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây