Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện các kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về công tác PCTT. Chỉ đạo kiểm tra, rà soát các khu vực trọng điểm, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ, sạt lở đất ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế của dân cư để xây dựng các phương án cứu hộ, cứu nạn; đặc biệt là phương án ứng phó với tình huống mưa lớn kéo dài diện rộng, thiên tai, sự cố xảy ra. Phối hợp với Ban Chỉ huy quân sự, lực lượng Công an, lực lượng cứu hộ, cứu nạn chuyên ngành, lực lượng khác của địa phương đóng chân trên địa bàn sẵn sàng lực lượng, phương tiện triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác cứu hộ, cứu nạn; chủ động tổ chức di dời, sơ tán dân ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân khi thiên tai xảy ra.
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp hỗ trợ di dời người và tài sản ở khu vực bị ngập lụt lên các khu vực cao, đảm bảo an toàn; tổ chức cắm biển cảnh báo tại các nơi sạt lở, ngập lụt mất an toàn, không cho người và phương tiện di chuyển qua những nơi ngập nước, tổ chức trực 24/24 giờ theo quy định; hỗ trợ người dân khắc phục tạm thời thiệt hại để sớm ổn định cuộc sống. Chỉ đạo bộ phận tham mưu giúp việc cho Ban Chỉ huy PCTT và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các huyện, thị xã, thành phố thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình thời tiết, các bản tin cảnh báo mưa dông, lốc sét và tham mưu Ban Chỉ huy PCTT và TKCN chỉ đạo kịp thời, triển khai công tác phòng chống, khắc phục hậu quả theo phương châm “4 tại chỗ”, phòng chống thiên tai bắt đầu từ cộng đồng, từ cơ sở là chính.
Tổ chức tập huấn, diễn tập, cung cấp trang thiết bị cho lực lượng làm công tác PCTT, đặc biệt là lực lượng xung kích để thực hiện nhiệm vụ ngay từ giờ đầu khi xảy ra thiên tai. Chỉ đạo UBND cấp xã lập nhu cầu trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của lực lượng xung kích (loa cầm tay, dây thừng cứu hộ, đèn pin, phao cứu hộ, áo phao, bộ áo mưa, mũ bảo hộ lao động, máy cưa chạy xăng, máy phát điện xách tay, thiết bị y tế, nhà bạt cứu sinh…) để đề nghị cơ quan cấp trên xem xét mua sắm, trang bị cho phù hợp, nhằm nâng cao năng lực cho lực lượng xung kích PCTT cấp xã.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh) phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra các công trình hồ đập, nhất là các vị trí, công trình trọng điểm, xung yếu, bị hư hỏng để đề xuất UBND tỉnh xem xét, bố trí nguồn kinh phí sửa chữa, khắc phục kịp thời và có phương án bảo đảm an toàn; rà soát và xây dựng kế hoạch PCTT giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh. Phối hợp Sở Công thương, UBND cấp huyện, cơ quan, đơn vị quản lý hồ chứa trên địa bàn tỉnh triển khai công tác bảo đảm an toàn các hồ thủy lợi, thủy điện; tổ chức giám sát, vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa nước, nhất là hệ thống hồ có dung tích lớn, hồ đập xung yếu, tuyệt đối không cho tích nước đối với các hồ chứa nước không đảm bào an toàn; tăng cường lắp đặt hệ thống theo dõi, giám sát, thông tin vận hành xả lũ, cảnh báo xả lũ đảm bảo an toàn vùng hạ du. Triển khai các hoạt động thông tin truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng, năng lực chỉ huy, chỉ đạo điều hành ứng phó thiên tai và nâng cao nhận thức của người dân về PCTT.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh còn yêu cầu các sở ngành, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo an toàn đối với các hồ thủy điện, hệ thống điện lưới trên địa bàn toàn tỉnh; rà soát, kiểm tra phương án bảo đảm an toàn giao thông trong các tình huống thiên tai; bố trí nguồn vốn đầu tư công đủ đảm bảo phục vụ cho công tác PCTT và TKCN; quản lý tốt về an toàn hệ thống lưới điện trên địa bàn toàn tỉnh; tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, đưa ra nhận định sớm về thời tiết, mưa, lũ…