Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Bộ TT&TT
Theo báo cáo tại hội nghị, kể từ khi ra mắt (ngày 18/4/2020) đến nay, ứng dụng Bluezone đã đạt gần 23 triệu lượt tải, chiếm 30% số lượng Smartphone (điện thoại thông minh) và 23% dân số. Đây là một con số thực sự ấn tượng với bất cứ một ứng dụng di động nào trên thế giới. Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) thống kê 5 địa phương có tỷ lệ cài đặt Bluezone trên tổng số Smartphone cao nhất, gồm: Đà Nẵng (trên 40%), Quảng Trị, Hải Dương, Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế (đạt trên 30%).
Về thông tin tuyên truyền, cuộc vận động triển khai Bluezone đã có sự vào cuộc từ các cơ quan Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của ngành TT&TT và ngành y tế, cùng các ngành, các tổ chức, đoàn thể khác. Điển hình như Tổng Liên đoàn Lao động đã tổ chức Tuần lễ ra quân giới thiệu và hướng dẫn cài đặt Bluezone ở công đoàn cơ sở, trong đoàn viên, người lao động; Đoàn Thanh niên đã phát huy vai trò nòng cốt, tiên phong tại các địa phương…
Đề cập đến các giải pháp cụ thể để tiếp tục triển khai trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Tin học hóa Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh: Phải coi Bluezone là sản phẩm công nghệ chung của cả cộng đồng công nghệ thông tin (CNTT) Việt Nam dưới sự chủ trì của Bộ TT&TT và Bộ Y tế. Tập hợp sức mạnh của cộng đồng CNTT, huy động các doanh nghiệp CNTT để đóng góp tối ưu hóa cho ứng dụng. Việc tuyên truyền, truyền thông về Bluezone phải hướng tới các đối tượng và địa điểm cụ thể. Phát triển hệ thống Back-end (phần lập trình trên server cho giai đoạn kết thúc) và công cụ cho phép cơ quan, tổ chức kiểm tra kết quả cài đặt của cán bộ, công chức, nhân viên của mình. Tổ chức vận hành, khai thác ứng dụng Bluezone một cách chuyên nghiệp như một doanh nghiệp công ích thì mới đáp ứng được yêu cầu của người dân./.