Nội dung trao đổi tại Họp báo Chính phủ thông tin về Nghị quyết 01, 02

Thứ ba - 05/01/2021 10:10
(CTTĐTBP) - Tại buổi họp báo Chính phủ chuyên đề thông tin về Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ sáng 4/1, nhiều câu hỏi liên quan đến nội dung và việc triển khai các Nghị quyết này đã được đại diện cơ quan báo chí nêu và lãnh đạo các bộ, ngành làm rõ, giải đáp.

PV Hiếu Công (Zingnews): Chính phủ có tính đến gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai của kế hoạch năm 2021 hay không?

Chính phủ tính toán lộ trình mở cửa nền kinh tế thế nào, sẽ ảnh hưởng đến GDP của 2021 ra sao?

Xin Bộ Y tế cung cấp thông tin về lộ trình mua vaccine của Việt Nam như thế nào, chúng ta đang đàm phán với đối tác nào, khi nào lô đầu tiên về Việt Nam, chi phí hết bao nhiêu?

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường trả lời câu hỏi của báo chí

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường: Về việc mua vaccine, hiện nay, Bộ Y tế đang đàm phán với 4 nước: Một là Anh có vaccine của Công ty AstraZeneca, hai là Mỹ có vaccine của Công ty Pfizer, thứ ba là Nga có vaccine Sputnik 5 và thứ tư là Trung Quốc. Hiện chúng tôi đang đàm phán và tất cả các đơn vị đều yêu cầu chúng tôi ký một biên bản bảo mật thông tin. Tuy nhiên, đến nay có thể một số thông tin cũng đã được công khai.

Kết quả gần nhất chúng tôi đạt được là chúng ta đã ký với Công ty AstraZeneca của Anh. Theo đó, họ đảm bảo cho 15 triệu dân với 30 triệu liều. Theo lộ trình thì quý I, quý II, quý III, quý IV đều có vaccine. Với Mỹ cũng vậy, Công ty Pfizer cũng theo lộ trình và giai đoạn cuối cùng của hợp đồng là đến quý IV/2021. Còn riêng Nga thì chúng tôi đang đàm phán để có thể sản xuất theo chuyển giao công nghệ của Nga tại công ty trực thuộc Bộ Y tế.

Cho đến nay, trong đàm phán không chỉ có những nội dung mà phóng viên đưa ra mà còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Thứ nhất, ngoài cung cấp ra thì giá chênh nhau không nhiều, phụ thuộc vào điều kiện bảo quản, điều kiện thanh toán cũng như giao hàng. Còn một điều kiện nữa là công tác lâm sang. Hiện nay, các vaccine đang có sự chênh nhau về hiệu quả bảo vệ, thấp nhất có loại 65%, cao nhất đến 94,5%, trung bình là từ 80-90%.

Tất cả nội dung này chúng tôi đang xin ý kiến các bộ, ngành. Liên quan đến vấn đề tiêm và một số nội dung khác chưa có tiền lệ đối với Việt Nam, hiện chúng tôi đang xin ý kiến bộ, ngành để báo cáo Chính phủ và nếu trong trường hợp cần thiết sẽ xin ý kiến của Bộ Chính trị.

Đối với nội dung này, Bộ Y tế cũng báo cáo Chính phủ, thực hiện nghiệm túc chỉ đạo của Chính phủ để làm sao người dân sớm tiếp cận được vaccine và đặc biệt, có sự giám sát rất chặt chẽ của các bộ, ngành.

Ngoài vaccine thương mại, trên thế giới còn có tổ chức gọi là COVAX Facility, là một liên minh vaccine toàn cầu. Họ mua vaccine của một số công ty để cung cấp cho 90 nước, trong đó có Việt Nam, được tham gia vào chương trình này và được cấp số lượng vaccine cho khoảng 16% người dân với giá rẻ nhất có thể và được bù lỗ.

Tuy nhiên, các nước sản xuất vaccine cũng đang chưa chủ động được vì năng lực sản xuất chưa đủ để sản xuất với số lượng lớn cho nên có lẽ trong quý I này mới có đầy đủ thông tin để chúng ta lên kế hoạch.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương trả lời các nhà báo

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: Liên quan đến gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai, về mặt nhiệm vụ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ KH&ĐT là cơ quan chủ quản phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tựu chung lại là nhiệm vụ xây dựng hỗ trợ giải pháp tốt nhất cho nền kinh tế, cho các doanh nghiệp, các đối tượng khi bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trong 2021. Trong báo cáo đánh giá, Bộ KH&ĐT cũng báo cáo với Chính phủ lộ trình năm 2021, tình hình COVID-19 rất phức tạp và tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế nước ta, và còn kéo dài thêm một số năm sau đó.

Các giải pháp trực tiếp để hỗ trợ nền kinh tế cần phải có được nghiên cứu chi tiết, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, phù hợp với các hoàn cảnh cụ thể của 2021, đòi hỏi công tác theo dõi, giám sát, nắm bắt tình hình thường xuyên, liên tục, chặt chẽ, lúc đó mới đề ra được giải pháp phù hợp.

Bên cạnh đó, còn phải căn cứ vào các điều kiện về mặt nguồn lực, cũng như cách thức triển khai các giải pháp mà chúng ta đề ra.

Tựu chung lại, gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai này, chúng tôi nhận nhiệm vụ triển khai do Thủ tướng Chính phủ giao. Chúng tôi sẽ kết hợp với các bộ, ngành trên cơ sở nắm bắt tình hình tác động của COVID-19 và các khó khăn của nền kinh tế, có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong thời gian sớm nhất với các thông tin có tính khả thi cao. Do vậy, để trả lời thời điểm nào có gói hỗ trợ kinh tế lần thứ hai này, áp dụng ra sao, quy mô, phạm vi thế nào, tại thời điểm này chúng tôi chưa thể trả lời chi tiết được. Đến thời điểm chín muồi, chúng tôi hoàn tất nghiên cứu, chuẩn bị thì sẽ thông tin, báo cáo với các nhà báo.

Lộ trình mở cửa nền kinh tế theo câu hỏi là mở cửa giao thương vận tải hành khách. Việc mở cửa giao thương vận tải hành khách phụ thuộc nhiều yếu tố, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn rất phức tạp, thậm chí còn có các chủng mới như ngành y tế đã thông tin, thêm nữa là vaccine chúng ta chỉ mới có thông tin ban đầu và cũng chưa khẳng định việc tiêm vaccin trong năm 2021 là bảo đảm an toàn để chúng ta giao thương vận tải hành khách. Đặc biệt là có sự khác biệt về phạm vi, quy mô của việc tiêm vaccin, có nước tiêm được nhiều, được ít, cũng như khả năng bao quát, bao phủ của tiêm vaccin, chưa có đủ thông tin để khẳng định có thể mở cửa giao thương lại vận tải hành khách.

Hiện tại, chưa thể nói chính xác ngày nào, giờ nào chúng ta cho phép giao thương, điều này phụ thuộc vào công tác nắm bắt tình hình cũng như là khẳng định mức độ an toàn khi chúng ta mở lại việc giao thương vận tải hành khách, đặc biệt là phục vụ cho ngành du lịch.

Như chúng ta đã biết trong năm 2020, sau một thời gian khi chúng ta mở lại một số đường bay nhất định nhưng do tình hình phức tạp của dịch COVID-19 vào thời điểm cuối năm, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tạm dừng để chúng ta theo dõi tiếp, định hình, sau đó quyết định sau.

Bộ KH&ĐT đã có báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc mở cửa nền kinh tế với ý nghĩa là giao thương hành khách phải có những bước đi, tính toán thận trọng, kỹ lưỡng với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn sức khỏe cho người dân, đặc biệt là thời điểm cuối năm, dịp Tết Nguyên đán 2021. Việc kiểm soát việc nhập cảnh bất hợp pháp rất vất vả và khó khăn, do nhu cầu của người dân Việt Nam mong muốn được về quê ăn Tết, đoàn tụ gia đình rất lớn, người dân không đi được cách này cũng sẽ tìm cách đi trái phép, mà không kiểm soát được về vấn đề y tế sẽ gây ra nhiều nguy hiểm. Vì vậy, lộ trình chính xác ngày, giờ nào còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Các bộ, ngành sẽ trình Thủ tướng Chính phủ về việc xem xét mở lại giao thương về mặt phạm vi, quy mô, các địa bàn quốc gia có thể mở được để đảm bảo sự an toàn cao nhất.

PV Thu Hằng (báo điện tử Vietnamnet): Năm 2021 là năm chuyển giao, Chính phủ có đánh giá tác động đến việc thực hiện các mục tiêu đặt ra không?

Vì sao Chính phủ lại chọn chủ đề đoàn kết kỷ cương đổi mới sáng tạo khát vọng phát triển?

Vấn đề chuyển đổi số có ý nghĩa thế nào với việc phát triển của đất nước trong thời gian tới?

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: Về chuyển đổi số, việc chuyển đổi số quốc gia không chỉ trong phạm vi các cơ quan của Nhà nước, Chính phủ, mà còn chuyển đổi số trên diện rộng, đặc biệt với các doanh nghiệp, trong quá trình tái cơ cấu của doanh nghiệp kết hợp với chuyển đổi số, công nghệ số.

Đây là một đòi hỏi hết sức khách quan và bức thiết để phục vụ tăng trưởng. Đó cũng là điều kiện tiên quyết để chúng ta có sức bật tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Nếu như chúng ta không chuyển đổi số kịp thời thì đây sẽ là yếu tố dẫn tới nguy cơ nền kinh tế bị tụt hậu, bản thân các doanh nghiệp cũng bị tụt hậu so với các doanh nghiệp trên thế giới.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất với Chính phủ triển khai từ năm 2021 chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển đổi số và cơ cấu lại doanh nghiệp ngay từ đầu nhiệm kỳ 5 năm tới, cố gắng làm sao để các doanh nghiệp của Việt Nam có khả năng bắt kịp xu thế chuyển đổi số của thế giới. Đồng thời đây cũng là điều kiện giúp các doanh nghiệp của Việt Nam có sự liên kết với nhau để tạo sức mạnh tổng hợp cũng như hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, lớn mạnh, khắc phục hạn chế trong thời gia vừa qua, đó là quy mô doanh nghiệp rất nhỏ mà “không chịu lớn”. Đây là yếu tố mà chúng tôi rất kỳ vọng, như một cú huých cho các doanh nghiệp phát triển, xã hội phát triển.  

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm rõ thêm một số vấn đề các nhà báo đề cập tại họp báo

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” là chủ đề rất quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong những năm qua, chúng ta luôn giữ vững đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo. Với 5 mệnh đề bao hàm rất rộng nhưng khái quát, chúng ta thấy rằng, nếu có sự đoàn kết và có sự tin tưởng tuyệt đối, có thể thấy rằng chưa bao giờ chúng ta thấy niềm tin của người dân với Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan nhà nước được như bây giờ, thể hiện ở ý thức thực hành, sự tuân thủ của người dân trong phòng chống đại dịch COVID-19 và trong tình thương yêu, đùm bọc, lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái của người dân cả nước đối với đồng bào bị ảnh hưởng tiêu cực của biến đổi khí hậu. Sự đoàn kết ấy cực kỳ quan trọng.

Trong chỉ đạo của Thủ tướng cũng như bài phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước có câu: Chúng ta không được chủ quan, không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế, từ thành tích ấy chúng ta cấp thiết phải nhận diện được: Kết quả là công sức chung của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp. Chúng ta chưa hài lòng với những kết quả đã đạt được mà chúng ta phải cố gắng hơn rất nhiều, đặc biệt là những năm sau này, khi chưa lường trước được các khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Có lẽ là các doanh nghiệp còn ảnh hưởng rất nặng nề khi nền kinh tế toàn cầu còn như thế này. Do đó, tuyệt đối không được chủ quan và tiếp tục thực hiện quyết liệt, linh hoạt hiệu quả mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.

Lộ trình mở cửa như thế nào thì chúng ta biết là vẫn cho phép mở các chuyến bay thương mại bình thường để đưa các chuyên gia, người lao động kỹ thuật cao, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vào khảo sát, đầu tư kinh doanh, vận hành quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam. Chúng ta không đóng cửa nhưng vào phải kiểm soát. Với người Việt Nam ở nước ngoài đã hết hạn lao động, kết thúc hợp đồng, đối tượng người cao tuổi, trẻ em có bệnh nền, đối tượng gặp khó khăn thì tinh thần của Thủ tướng là có chính sách hỗ trợ họ về nước, nhất là trong dịp Tết này.  Nhưng phải thực hiện tốt tinh thần phòng chống dịch, về chúng ta phải kiểm soát, phải test máu, test PCR âm tính, về phải cách ly luôn trên cơ sở tự chi trả chi phí cách ly. Nếu có điều kiện thì vào các cơ sở cách ly khách sạn tốt, nếu không có điều kiện thì cách ly ở các đơn vị quân đội. Như vậy chúng ta vẫn đảm bảo giữ vững thế trận, không để COVID-19 lây trong cộng đồng để chúng ta phát triển kinh tế. Ngành y tế rất quyết liệt như Thứ trưởng Bộ Y tế đã nêu.

Thứ hai là tập trung tăng cường chất lượng xây dựng thể chế và xác định thể chế vẫn là trọng tâm liên tục cho phát triển đất nước ngay cả vấn đề rà soát, sửa đổi, bổ sung khắc phục những hạn chế bất cập về cơ chế chính sách, về quy định, nhất là trong lĩnh vực ngân sách như thuế, đất đai xây dựng, môi trường đầu tư.

Thứ ba là quyết liệt trong vấn đề cải cách thủ tục hành chính. Yêu cầu đặt ra là cải cách về thể chế, thủ tục, rà soát cắt bỏ những rào cản gây khó khan, mất thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Cắt bỏ cương quyết, công khai, minh bạch và có công cụ đánh giá, báo chí người dân, doanh nghiệp giám sát. Chúng ta chịu khó lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, của người dân, của các cộng đồng, hiệp hội trong và ngoài nước để đề xuất với Thủ tướng cải cách, tái cấu trúc lại quy trình. Cắt bỏ làm sao để nhanh hơn, minh bạch hơn. Ví dụ như cấp C/O của Bộ Công Thương, thay vì phải đi đến 63 tỉnh, thành phố, bây giờ chỉ cần có mã C/O là thực hiện ở cả 63 tỉnh, thành phố rất nhanh và giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp tự công bố quy chuẩn, tiêu chuẩn và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Ngành hải quan cải cách vô cùng lớn. Chúng ta có 12 triệu hồ sơ xuất nhập khẩu thì 3,8 triệu hồ sơ xuất nhập khẩu đã giảm được 62 giờ xuống 56 giờ, thời gian thông qua rất nhanh; giảm 3 giờ từ 58 giờ xuống 55 giờ của gần 6 triệu hồ sơ xuất khẩu, tiết kiệm được 37 triệu ngày công. Như vậy chúng ta tiết kiệm 1 năm trên 4 nghìn tỷ đồng, tương đương trên 200 triệu USD.

Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là tập trung quyết liệt nhất giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu vì cứ 1% vốn đầu tư công giải ngân giúp tăng trưởng 0,06% GDP. Vừa rồi, có những dự án rất nhanh, từ vấn đề chấp thuận chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, đến giải phóng mặt bằng sạch cho thu hút đầu tư. Vừa qua, Nghị định 141 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đã tháo gỡ rất nhiều vấn đề liên quan đến phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất. Từ đó, chúng ta có bản đồ sạch, có điều kiện để thu hút doanh nghiệp. Liên quan đến phát triển hạ tầng đồng bộ số, tạo nền tảng cho kinh tế số, xã hội số, trong phương châm của Chính phủ vẫn nhấn mạnh làm sao phát huy sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhất là phát huy niềm tin, khát vọng chính đáng vươn lên xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng, dân giàu nước mạnh xã hội công bằng văn minh.

Về chuyển đổi số quốc gia là chúng ta phải làm Chính phủ điện tử tiến tới chuyển đổi số phải giải quyết trọn vẹn 3 khâu: Thể chế, nền tảng, đào tạo nhân lực.

Chính phủ điện tử là ta phải xử lý vấn đề mối quan hệ giữa các cơ quan hành chính nhà nước, từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã chuyển từ văn bản giấy sang văn bản điện tử. Thay vì hồ sơ dày như thế, bây giờ không còn hồ sơ giấy nữa mà lưu trữ điện tử toàn bộ.

Phải xử lý mối quan hệ giữa người dân và doanh nghiệp thông qua dịch vụ công, các TTHC trong môi trường điện tử. 1 năm 26 ngày mà ta đã có trên 100 triệu hồ sơ tài khoản DN, ta chỉ đăng nhập 1 lần duy nhất để làm giàu dần dữ liệu. Ta tiếp tuc thực hiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, trong đó sử dụng nhiều dữ liệu hiện có.

Ngay Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với VPCP và các cơ quan thanh toán trong và ngoài biên giới, chỉ dùng 1 thẻ thôi để thanh toán tất cả các ngân hàng.

Thứ ba nữa là ta phải xử lý mối quan hệ giữa các DN cung cấp dịch vụ công, thanh toán không dùng tiền mặt cũng là kinh tế số, ứng dụng CNTT. Với cách tiếp cận như vậy, VPCP đã chủ trì, cùng các bộ, ngành mạnh dạn giao đề bài cho các DN trong nước như Viettel và VNPT, có chuyên gia nước ngoài, chuyên gia trong nước đánh giá sự an toàn, bảo mật của cả hệ thống, đánh giá sức chịu tải của hệ thống, tính toán sự tấn công của hacker…

Đăng ký ô tô, xe máy trước đây phải đến các cơ quan thuế, đăng kiểm, kho bạc, CSGT…thì giờ không phải đến nữa. Đó là số hoá. Ngoài ý kiến của anh Phương vừa nói ra thì số hoá mang ý nghĩa tích cực như vậy.

Còn về việc chuyển giao Chính phủ mới và cũ là công tác rất bình thường, nhưng mục tiêu, quyết tâm, thông điệp của Đảng, Nhà nước vẫn được xuyên suốt tất cả các giai đoạn, trên cơ sở Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; đều phải chấp hành và thực hiện rất nghiêm túc. Chúng ta có sự ổn định chính trị nên ta luôn có sự kế thừa, ngay từ những ngày đầu tiên của năm mới chúng ta đã thực hiện mạnh mẽ để thắng lợi trong giai đoạn tới. 

PV Ngọc An (báo Tuổi trẻ TPHCM): Có thông tin về việc VPCP xây dựng công cụ để đánh giá việc cắt giảm các điệu kiện kinh doanh, cải cách TTHC. Xin Bộ trưởng có thể thông tin cụ thể hơn về công cụ này! Liệu có phải trong nhiệm kỳ vừa qua chúng ta đã đạt được rất nhiều thành tích về việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh, kiểm soát TTHC nhưng còn một số bộ, ngành địa phương, một số nơi cải cách chưa thực sự được thực chất, dẫn đến việc chúng ta cần phải có một công cụ đánh giá không và công cụ này sẽ làm thế nào để kiểm soát được việc này?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Cải cách đòi hỏi một quá trình, một lộ trình và như một nhà lãnh đạo đã nói, nếu cải cách mà không có người phản đối thì đó là cải cách tồi. Trước hết, phải nói một điều là với tinh thần chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, cải cách được đặt ra ngay từ đầu nhiệm kỳ: Cải cách, cải cách và cải cách. Thế chế, thể chế và thể chế.

Công cụ đánh giá thì chúng ta không theo dõi bằng sổ sách được. Toàn bộ công cụ đánh giá dựa trên nền tảng đánh giá rất thông minh của tổ chức quốc tế OECD, rồi WB, giúp chúng tôi xây dựng công cụ này. Ví dụ một Bộ đưa 100% dịch vụ công, không có lý gì khi người dân làm thủ tục thì gặp cản trở khó hơn khi làm trực tiếp. Trước khi đưa dịch vụ công lên, VPCP cùng với các bộ, cơ quan phải rà soát, cấu trúc lại toàn bộ quy trình, làm sao cắt giảm, đơn giản hóa nhất, không còn những thủ tục, giấy phép con gì trong thủ tục nữa.

Thứ hai là công cụ đánh giá rất minh bạch. Ba, bốn Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng cùng với các doanh nghiệp nước ngoài đang có rất nhiều công cụ đánh giá. Chỉ số cải cách này hiện đồng bộ tự động hết chứ không có con người tác động vào. Chỉ số này rất thông minh, minh bạch. Có dịp nhà báo vào cơ quan VPCP, chúng tôi sẽ giới thiệu trong Trung tâm Chỉ đạo điều hành. Chúng tôi có một hệ thống báo cáo rất minh bạch, rất hữu ích./.

Tác giả: Theo VGP News

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,210
  • Hôm nay17,886
  • Tháng hiện tại1,367,014
  • Tổng lượt truy cập446,762,136
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây