(CTTĐTBP) - Bất kỳ cỗ máy nào muốn hoạt động cũng cần có nhiên liệu (xăng, dầu, điện, khí đốt…). Tương tự, các công nghệ, ứng dụng, nền tảng số phục vụ cho quá trình chuyển đổi số (CĐS) cũng cần nhiên liệu để hoạt động. Nhiên liệu của CĐS chính là dữ liệu, hiểu rộng hơn là cơ sở dữ liệu (database) và nó được ví là “trái tim” của CĐS.
Cơ sở dữ liệu (CSDL) là một tập hợp các dữ liệu có tổ chức, thường được lưu trữ và truy cập điện tử từ hệ thống máy tính. Khi CSDL phức tạp hơn, chúng thường được phát triển bằng cách sử dụng các kỹ thuật thiết kế và mô hình hóa chính thức. Trước kia, công nghệ xử lý dữ liệu có cấu trúc (tức dữ liệu nằm trong mối quan hệ), ví như một bảng dữ liệu gồm các hàng và cột có chứa thông tin liên quan với nhau. Ngày nay, công nghệ số chủ yếu xử lý và phân tích dữ liệu phi cấu trúc, do con người hoặc máy tạo ra (không được cấu trúc thông qua các mô hình, lược đồ dữ liệu được xác định sẵn từ trước). Với ưu điểm “không biên giới”, dữ liệu phi cấu trúc chiếm tới 70 - 80%, nên chứa nhiều thông tin hơn so với dữ liệu có cấu trúc.
Hiện có nhiều cách để phân loại CSDL. Nếu dựa theo nhóm cùng nội dung thì có thư mục, tài liệu văn bản, thống kê… Theo lĩnh vực ứng dụng, chuyên ngành thì có CSDL tài chính, công nghệ, nông nghiệp, giáo dục, y tế, dân cư... Theo khía cạnh kỹ thuật (dựa theo cấu trúc/loại giao diện) thì có CSDL trong bộ nhớ, đám mây, mảng, phân tán, nhúng, đồ thị… Trong cơ quan nhà nước, CSDL lại được chia thành: CSDL quốc gia; CSDL của bộ, ngành, địa phương (chuyên ngành/lĩnh vực) và CSDL khác. Trong đó, dữ liệu về dân cư, đất đai, doanh nghiệp là dữ liệu cơ bản làm nền tảng phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số.
Từ CSDL được tổ chức thu thập, làm mới “đúng - đủ - sống - sạch”, cơ quan nhà nước mới khai thác, sử dụng hiệu quả, sáng tạo để cung cấp cho các dịch vụ, nền tảng số; phục vụ cho công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành và công tác CĐS của mình được tốt hơn. Thông qua CSDL này, cũng làm tăng tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động của cơ quan nhà nước và thúc đẩy sự sáng tạo, phát triển kinh tế - xã hội. Ví dụ, UBND tỉnh khai thác, sử dụng CSDL trên hệ thống “Một cửa điện tử” và Cổng Dịch vụ công tỉnh để phục vụ quy trình, nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính thông qua các ứng dụng, phần mềm, nền tảng số để cung cấp dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng, chính xác, minh bạch, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại.
Có thể thấy, CSDL chính là trái tim của CĐS. Chính phủ hay chính quyền số đều lấy CSDL làm trung tâm. Vì thiếu CSDL, các hoạt động của CĐS đều không có giá trị, không thể phát triển; các ứng dụng, dịch vụ, nền tảng số sẽ “đóng băng” hoặc không được sinh ra. Trên thực tế, vẫn còn tình trạng người dân khai báo, cung cấp dữ liệu nhiều lần, nhất là khi thực hiện các thủ tục hành chính, do việc kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước còn hạn chế, một số nơi chưa đồng bộ trong liên thông. Do đó, Chính phủ đang tập trung tháo gỡ điểm nghẽn “chia sẻ dữ liệu” để phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, thúc đẩy hoạt động CĐS diễn ra nhanh chóng, hiệu quả và tốt hơn.
Giải quyết triệt để điểm nghẽn trên cho phép các cơ quan bên trong, bên ngoài nhà nước có thể khai thác, sử dụng dữ liệu theo quy định của pháp luật một cách hiệu quả, thậm chí đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Khi cơ quan nhà nước chia sẻ CSDL, các tổ chức, cá nhân được quyền khai thác dữ liệu của mình, hoặc khai thác dữ liệu của tổ chức, cá nhân khác (khi được chấp nhận). Đồng thời, cũng có thể kiểm soát, truy cập dữ liệu và chia sẻ dữ liệu của mình với tổ chức, cá nhân khác một cách chủ động thông qua việc khai thác, sử dụng các dịch vụ theo “đăng ký, yêu cầu”. Ví dụ, khi muốn sử dụng Facebook, người dân phải đăng ký tài khoản, cung cấp các thông tin cá nhân (họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, email/số điện thoại) theo yêu cầu của phía Facebook thì mới được tham gia sử dụng.
Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước đã xác định rõ vị trí, tầm quan trọng và xem dữ liệu số là nền tảng để phát triển chính phủ số. Nghị định quy định, dữ liệu hình thành trong hoạt động của cơ quan nhà nước được chia sẻ phục vụ các hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới phục vụ người dân, doanh nghiệp, tuân thủ quy định của pháp luật trong việc tạo lập, quản lý và sử dụng dữ liệu. Cơ quan nhà nước phải có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật. Không cung cấp thông tin qua hình thức văn bản đối với thông tin đã được khai thác qua hình thức kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin. Không được thu thập, tổ chức thu thập lại dữ liệu hoặc yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp thông tin, dữ liệu trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính nếu dữ liệu này đã được cơ quan nhà nước khác cung cấp. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phải tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Để thúc đẩy nhanh công cuộc CĐS, giúp việc kết nối, chia sẻ dữ liệu hiệu quả, thông suốt giữa các cơ quan nhà nước và hình thành “CSDL mở” giúp các tổ chức, cá nhân có thể khai thác, rất cần sự chung tay vào cuộc một cách quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương và người dân khi có yêu cầu. Đặc biệt, triển khai có hiệu quả theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm triển khai Nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp cấp bộ, cấp tỉnh nhằm lưu trữ tập trung, tổng hợp, phân tích, xử lý dữ liệu về phát triển kinh tế - xã hội từ các nguồn khác nhau. Từ đó, tạo ra thông tin mới, dịch vụ dữ liệu mới phục vụ chính phủ điện tử, chính phủ số./.