Trên cơ sở những thành tựu đạt được trong xây dựng chính quyền điện tử nhiệm kỳ vừa qua, Bình Phước xác định mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số là phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đồng thời, chuyển đổi số trong các ngành, địa phương, hình thành các DN công nghệ số. Trong đó, tận dụng hiệu quả cơ hội do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại để cơ cấu kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược. Đó cũng là tạo nền tảng vững chắc để trở thành tỉnh công nghiệp năng động.
DN tự chuyển mình trước nền kinh tế số
Không thể chậm chân, các DN trong tỉnh cũng đang dần thích nghi và có bước đi nhanh trên con đường chuyển đổi số. Sản xuất ở lĩnh vực giày da, sản phẩm của Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình, chi nhánh 2, Nhà máy Đồng Xoài đang được xuất đi các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ. Vì vậy, ưu tiên hàng đầu của DN này là xây dựng chiến lược chuyển đổi số gắn liền với chiến lược kinh doanh, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế và khả năng chuyển đổi của DN.
Các dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình, Nhà máy Đồng Xoài đều đã được công ty tự động hóa bằng máy móc, công nghệ hiện đại giúp giảm 30% lao động so với làm thủ công
Ông Trần Duy Khánh, Giám đốc chi nhánh 2, Công ty cổ phần đầu tư Thái Bình, Nhà máy Đồng Xoài chia sẻ: “Nếu không tiếp cận với công nghệ số thì nhà máy sẽ bị thụt lùi và lạc hậu. Vì vậy, các dây chuyền sản xuất như may, cắt, chặt đều được công ty tự động hóa bằng máy móc, công nghệ hiện đại. Nhờ đó giảm 30% lao động so với làm thủ công trước đây. Tỷ lệ vận hành chính xác, không hao hỏng, rút ngắn thời gian làm việc và giải phóng sức lao động. Sắp tới, công ty sẽ áp dụng công nghệ vào tất cả quy trình sản xuất theo tiêu chí 9:1, nghĩa là 9 tự động và 1 bán tự động”.
Chuyển đổi số đối với DN này bắt đầu từ những việc nhỏ nhất, như số hóa văn bản dữ liệu đầu vào, đầu ra mỗi ngày nhờ áp dụng phần mềm quản lý Sap. Phần mềm này giúp tích hợp nhiều chuyên ngành khác nhau như: Nhân sự, điều hành và có khả năng lưu trữ lớn. Đặc biệt giảm thủ tục trung gian rườm rà, tăng tính minh bạch. “Khi đối tác liên hệ làm việc thì buộc DN phải có hệ thống về kỹ thuật số ở mức họ có thể chấp nhận được. Phần mềm này có thể đáp ứng yêu cầu của tất cả khách hàng khó tính trong và ngoài nước” - ông Khánh nhấn mạnh.
“Xây dựng chính quyền số, tỉnh dựa trên những kết quả và sự thành công của mô hình chính quyền điện tử và thành phố thông minh. Trong đó, xây dựng đề án chính quyền số theo nguyên tắc kế thừa cơ sở vật chất đã và đang được đầu tư, đầu tư bổ sung hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo tiết kiệm tối đa nhưng cũng mạnh dạn đầu tư các cơ sở vật chất thiết yếu để vận hành chính quyền số. Tỉnh cũng xác định, trong mô hình chính quyền số, toàn bộ dữ liệu công dân, hành chính, điều hành của chính quyền được tích hợp, thực hiện trên nền tảng dữ liệu lớn, số hóa triệt để, giúp tiết kiệm thời gian, tiền bạc, bộ máy vận hành”.
|
Ông Nguyễn Minh Quang, Phó giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh |
Còn đối với VNPT Bình Phước, để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh và phát triển trong bối cảnh mới, đơn vị đã chủ động triển khai chuyển đổi số trên toàn hệ thống và tham gia vào các dự án chuyển đổi số trọng điểm của tỉnh và DN như, số hóa toàn bộ quy trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng, xây dựng website, fanpage, chuyển đổi số tác nghiệp cho nhân viên kỹ thuật địa bàn, số hóa hoạt động quản trị DN như quản lý văn bản, họp không giấy, phần mềm kế toán, quản lý nhân sự, tuyển dụng, triển khai IOC nội bộ để phục vụ công tác điều hành sản xuất, kinh doanh của đơn vị…
Ông Nguyễn Văn Thành, Phó giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Bình Phước cho biết: Năm 2021, VNPT tiếp tục được tỉnh chọn là đơn vị đồng hành trong hỗ trợ, tư vấn chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp số đang được VNPT cung cấp tới khách hàng ở nhiều lĩnh vực từ Chính phủ điện tử, doanh nghiệp số, SmartCity, an toàn bảo mật, thanh toán số, truyền hình số, giáo dục số và ứng dụng chăm sóc khách hàng. Đối với DN lớn, có vốn đầu tư nước ngoài, DN vừa và nhỏ, VNPT đang đồng hành phối hợp đưa các giải pháp công nghệ thông tin để hệ thống hóa các quy trình hoạt động sản xuất, kinh doanh; thực hiện tốt marketing và chăm sóc khách hàng, giúp DN chuyển đổi số thành công.
Hành trình đến chính quyền số
Có thể thấy, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Khi đã chuẩn bị đủ các yếu tố quan trọng về hạ tầng công nghệ thông tin, mức độ sẵn sàng của người dân, ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành…, tỉnh đang bắt tay thực hiện chuyển đổi số.
Những nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, lấy điểm nhấn là cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tạo nên sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư đến với tỉnh. Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh cơ bản hoàn thành chuyển đổi số, đồng thời phát huy tối đa hiệu quả của Trung tâm Điều hành thông minh cấp tỉnh và các địa phương. Với những cách làm và nỗ lực riêng, Bình Phước đang trên hành trình tiến gần hơn với mục tiêu xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số./.