Bộ đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động cân đối để bố trí nguồn vốn từ ngân sách nhà nước và các nguồn lực huy động hợp pháp khác ngoài ngân sách để thực hiện Chương trình OCOP trong năm 2021 theo các cơ chế, chính sách và quy định hiện hành cho đến khi Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bộ cũng đề nghị tập trung các giải pháp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của địa phương, đặc biệt là về nguồn nguyên liệu, lao động, ngành nghề và du lịch nông thôn để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Đồng thời, tiếp tục tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2021 theo các quy định đã được ban hành.
Thực hiện Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 của Thủ tướng Chính phủ, đến hết năm 2020, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã xây dựng và triển khai Đề án/Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh; 4.451 sản phẩm OCOP của 2.491 chủ thể đã được các địa phương đánh giá, phân hạng từ 3 sao trở lên. Chương trình OCOP đã tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập của người dân nông thôn, trên cơ sở phát huy tiềm năng, thế mạnh về sản vật, ngành nghề nông thôn và dịch vụ du lịch của các địa phương./.