(CTTĐTBP) - Ngày 01/6, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 183/KH-UBND về hành động nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Kế nhằm mục đích triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp DVC trực tuyến của tỉnh; đẩy mạnh cung cấp DVC trực tuyến và tăng tỷ lệ hồ sơ trực tuyến. Qua đó, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh, xây dựng chính quyền số và xã hội số.
Kế hoạch phấn đấu: Đảm bảo 100% thủ tục hành chính (TTHC) đủ điều kiện theo quy định của pháp luật được cung cấp dưới hình thức DVC trực tuyến toàn trình; 50% DVC trực tuyến toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC quốc gia; 100% kết quả giải quyết TTHC được số hóa. Triển khai chức năng kho dữ liệu điện tử của tổ chức, cá nhân trên Cổng DVC và Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh để người dân, doanh nghiệp chỉ phải cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước khi thực hiện DVC trực tuyến. Giao nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị và gắn trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị để đạt được mục tiêu 50% hồ sơ TTHC được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến.
Trong năm 2023, phấn đấu hoàn thành 50% tỷ lệ DVC trực tuyến toàn trình được tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC quốc gia; tỷ lệ TTHC cung cấp trực tuyến mức độ toàn trình và một phần có phát sinh hồ sơ thì phải phát sinh hồ sơ trực tuyến; tỷ lệ hồ sơ TTHC được người dân, doanh nghiệp thực hiện trực tuyến đạt 50%; tỷ lệ kết quả xử lý hồ sơ TTHC được đồng bộ đầy đủ trên Cổng DVC quốc gia đạt 100%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia trên tổng số giao dịch thanh toán của DVC đạt 30%; tỷ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia đạt 60%; tỷ lệ TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến trên Cổng DVC và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh đạt 100%; tỷ lệ hồ sơ do cơ quan chuyên môn cấp tỉnh; UBND cấp huyện; UBND cấp xã được giải quyết trước hạn và đúng hạn đạt 99%; số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đối với kết quả thuộc thẩm quyền, trong đó cấp tỉnh đạt 70%, cấp huyện đạt 60%, cấp xã đạt 55%.
UBND tỉnh yêu cầu việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cần đảm bảo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; tận dụng tối đa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành trung ương và của tỉnh phục vụ giải quyết TTHC một cách hiệu quả, góp phần hiện đại hoá và đơn giản hoá TTHC.
Đảm bảo đồng bộ với việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ; Đề án đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện Kế hoạch này; hằng quý tổng hợp, thống kê số liệu phục vụ đánh giá mức độ thực hiện các chỉ tiêu; phối hợp với Sở Nội vụ đánh giá, xếp hạng kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính và CĐS của các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố. Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng, các quy trình thực hiện DVC trực tuyến; tuyên truyền các mô hình tốt, cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả trong triển khai thực hiện Kế hoạch. Hướng dẫn các cơ quan triển khai theo phạm vi thẩm quyền; kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.