Quy chế này áp dụng đối với các đơn vị chủ trì thực hiện đề án thuộc Chương trình THQG Việt Nam, cơ quan quản lý Chương trình THQG Việt Nam và các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân liên quan đến Chương trình THQG Việt Nam.
Theo đó, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Chương trình THQG Việt Nam. Đơn vị chủ trì đề án là các bộ, ngành được giao nhiệm vụ thực hiện các đề án thuộc Chương trình theo quy định tại Chương II Quy chế này.
Việc xét chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam được tổ chức định kỳ 2 năm một lần vào các năm chẵn. Doanh nghiệp nộp 3 bộ hồ sơ đăng ký xét chọn sản phẩm đạt THQG Việt Nam trước ngày 31/3 của năm xét chọn đến Bộ Công Thương theo một trong các cách thức sau: Qua đường bưu điện; trực tiếp tại trụ sở Bộ Công Thương; Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương.
Nguyên tắc xây dựng, quản lý, thực hiện Chương trình THQG Việt Nam là phải thúc đẩy phát triển ngoại thương, quảng bá hình ảnh quốc gia, THQG Việt Nam thông qua sản phẩm đạt THQG Việt Nam, trên cơ sở thống nhất, đồng bộ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Bên cạnh đó, phải bảo đảm nguồn lực để thực hiện phù hợp với mục tiêu và năng lực tổ chức triển khai từ trung ương đến địa phương; phát huy sự chủ động tham gia và đóng góp của cộng đồng xã hội vào quá trình lập kế hoạch và tổ chức thực hiện Chương trình THQG Việt Nam. Bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành thực hiện các hoạt động để thực hiện Chương trình THQG Việt Nam./.