Văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9/2019

Thứ sáu - 18/10/2019 14:34
(CTTĐTBP) - Bộ Tư pháp vừa ra Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 9/2019.
Theo đó, trong tháng 9/2019, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 5 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 3 Nghị định của Chính phủ và 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Các Nghị định của Chính phủ, gồm:

Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;

Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm;

Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh.

Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gồm:

Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg ngày 09 tháng 9 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020;

Quyết định số 28/2019/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu.

HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT

1. Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

Nghị định này thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và bãi bỏ Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật đầu tư công, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 64 điều quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, cụ thể: (1) Thực hiện quy định của pháp luật về chính sách ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin sản xuất trong nước; (2) Tuân thủ Kiến trúc Chính phủ điện tử và bảo đảm khả năng kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu; (3) Những quy định chung về quản lý dự án ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể: Quản lý dự án ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với tính chất và nguồn vốn sử dụng; Phân loại dự án; Chủ đầu tư; (4) Quản lý dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin: Trình tự đầu tư và chuẩn bị đầu tư; Thực hiện đầu tư; Kết thúc đầu tư, đưa sản phẩm của dự án vào khai thác, sử dụng; Tổ chức quản lý dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; (5) Quản lý dự án thuê dịch vụ công nghệ thông tin; (6) Quản lý hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước; (7) Trách nhiệm quản lý hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; (8) Quy định chuyển tiếp và trách nhiệm thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Khuyến khích tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn khác áp dụng các quy định tại Nghị định này.

Ban hành kèm theo Nghị định này 04 Phụ lục, cụ thể: (1) Mẫu tờ trình thẩm định, phê duyệt dự án; (2) Mẫu quyết định phê duyệt dự án; (3) Mẫu tờ trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin; (4) Mẫu quyết định phê duyệt kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin.

2. Nghị định số 74/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 08 tháng 11 năm 2019.

Mức vay, thời hạn vay vốn, lãi suất vay vốn, điều kiện bảo đảm tiền vay đối với dự án vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; điều kiện bảo đảm tiền vay đối với dự án vay vốn hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Quỹ quốc gia về việc làm đã được phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thực hiện theo quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm, cụ thể: (1) Quản lý Quỹ quốc gia về việc làm; (2) Cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh và người lao động về: Mức vay; Thời hạn vay vốn; Lãi suất vay vốn; Điều kiện bảo đảm tiền vay; Lập hồ sơ vay vốn; Thu hồi và sử dụng vốn vay; Sử dụng lãi vốn vay; Xây dựng, phê duyệt kế hoạch vốn vay và chỉ tiêu việc làm; Huy động nguồn vốn để thực hiện cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; Điều kiện bảo đảm tiền vay; (3) Cho vay ưu đãi đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng về: Điều kiện bảo đảm tiền vay; Lập hồ sơ vay vốn; Huy động nguồn vốn để cho vay hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; (4) Trách nhiệm thi hành.

Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục các biểu mẫu, cụ thể: (1) Giấy đề nghị vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (Cho vay trực tiếp người lao động); (2) Giấy đề nghị vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm (Cho vay người lao động thông qua hộ gia đình); (3) Dự án vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm; (4) Giấy đề nghị vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Cho vay trực tiếp người lao động); (5) Giấy đề nghị vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Cho vay người lao động thông qua hộ gia đình); (6) Giấy xác nhận thân nhân người có công với cách mạng.

3. Nghị định số 75/2019/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 12 năm 2019.

Nghị định này thay thế Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, trừ quy định tại Điều 36 (đã được sửa đổi, bổ sung theo khoản 1 Điều 1 Nghị định số 141/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp).

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật cạnh tranh, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 71/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết Luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 36 điều quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực cạnh tranh, cụ thể: (1) Quy định chung về: Hình thức xử phạt vi phạm và biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính về cạnh tranh; Mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về cạnh tranh; Tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng; (2) Hành vi vi phạm quy định về thỏa thuận hạn chế cạnh tranh; (3) Hành vi vi phạm quy định về lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền; (4) hành vi vi phạm quy định về tập trung kinh tế; (5) Hành vi vi phạm quy định về cạnh tranh không lành mạnh; (6) Hành vi vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh khác; (7) Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính về cạnh tranh; (8) Thủ tục xử phạt vi phạm hành chính về cạnh tranh; (9) Thủ tục thi hành quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, quyết định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm quy định pháp luật về cạnh tranh khác; (10) Điều khoản chuyển tiếp và trách nhiệm thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Tổ chức, cá nhân kinh doanh bao gồm cả doanh nghiệp sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, doanh nghiệp hoạt động trong các ngành, lĩnh vực thuộc độc quyền nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam; (2) Hiệp hội ngành, nghề hoạt động tại Việt Nam; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan.

4. Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg ngày 09 tháng 9 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020

a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 10 năm 2019 và được thực hiện giải ngân đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020.

Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 - 2020.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 11 điều, quy định về tín dụng cho người lao động tại các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cụ thể: (1) Điều kiện cho vay; (2) Mức vốn cho vay; (3) Lãi suất cho vay; (4) Thời hạn cho vay; (5) Lập hồ sơ, thẩm định, phê duyệt vốn vay; (6) Trả gốc, lãi vay và xử lý nợ; (7) Nguồn vốn vay; (8) Tổ chức thực hiện; (9) Điều khoản thi hành.

Quyết định này áp dụng đối với: (1) Người lao động tại các huyện nghèo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; (2) Doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp được Nhà nước cho phép đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; (3) Ngân hàng Chính sách xã hội; (4) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến các nội dung quy định tại khoản 1 Điều 1 Quyết định này.

Ban hành kèm theo Quyết định này Phụ lục các biểu mẫu, cụ thể: (1) Giấy đề nghị vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Cho vay trực tiếp người lao động); (2) Giấy đề nghị vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Cho vay người lao động thông qua hộ gia đình).

5. Quyết định số 28/2019/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu

a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2019.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung Quyết định số 36/2016/QĐ-TTg ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc áp dụng thuế suất thông thường đối với hàng hóa nhập khẩu cho thống nhất trong thực hiện Danh mục hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam, tạo thuận lợi cho công tác quản lý thu thuế của cơ quan hải quan và tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 02 điều sửa đổi, bổ sung Phụ lục Danh mục biểu thuế suất thuế nhập khẩu thông thường quy định tại Điều 2 Quyết định số 45/2017/QĐ-TTg, cụ thể: Sửa đổi mức thuế suất thông thường của mặt hàng dầu mỏ thô thuộc mã hàng 2709.00.10 và sửa đổi mô tả hàng hóa của một số mặt hàng quy định tại Phụ lục Danh mục biểu thuế suất thuế nhập khẩu thông thường ban hành kèm theo Quyết định này.

Ban hành kèm theo Quyết định này Phụ lục Danh mục biểu thuế suất thuế nhập khẩu thông thường./.

Tác giả: T.T

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập1,544
  • Hôm nay157,962
  • Tháng hiện tại9,982,224
  • Tổng lượt truy cập455,377,346
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây