Văn bản QPPL do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 5/2019

Thứ ba - 25/06/2019 20:22
(CTTĐTBP) - Bộ Tư pháp vừa ban hành Thông cáo báo chí về văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 5/2019 gồm: 10 Nghị định của Chính phủ và 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Cổng TTĐT tỉnh Bình Phước cập nhật cụ thể như sau:

Các Nghị định của Chính phủ

1. Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quy hoạch;

2. Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

3. Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa;

4. Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường;

5. Nghị định số 41/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử;

6. Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản;

7. Nghị định số 43/2019/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng;

8. Nghị định số 44/2019/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng;

9. Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch;

10. Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ

Quyết định số 19/2019/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc giữ lại con dấu hết giá trị sử dụng của một số cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước để lưu trữ, phục vụ nghiên cứu lịch sử.

Hiệu lực thi hành, sự cần thiết, mục đích ban hành và nội dung chủ yếu của các văn bản QPPL

1. Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật quy hoạch

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 07 tháng 5 năm 2019.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao quy định chi tiết một số điều Luật quy hoạch, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 47 điều, quy định chi tiết một số nội dung tại các Điều 15, 17, 19, 22, 23, 24, 25, 26, 27, 30, 40, 41 và 49 của Luật quy hoạch, cụ thể: (1) Quy định chung về: Điều kiện về năng lực chuyên môn đối với tổ chức tư vấn lập quy hoạch; Các hình thức công bố quy hoạch; Đánh giá thực hiện quy hoạch; Tiêu chí đánh giá thực hiện quy hoạch; (2) Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức tham gia lập quy hoạch; (3) Nhiệm vụ lập quy hoạch; (4) Nội dung quy hoạch; (5) Lấy ý kiến về quy hoạch; (6) Hợp đồng thẩm định quy hoạch; (7) Xây dựng, vận hành hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; (8) Trách nhiệm xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về quy hoạch; (9) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập, thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt, công bố, đánh giá thực hiện quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Ban hành kèm theo Nghị định này 03 Phụ lục gồm: (1) Danh mục và tỷ lệ bản đồ quy hoạch; (2) Nội dung quy hoạch ngành kết cấu hạ tầng quốc gia; (3) Nội dung quy hoạch ngành sử dụng tài nguyên quốc gia.

2. Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 09 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

Nghị định số 72/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Nhà nước và Chính phủ về cải cách tiền lương, bảo đảm cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 điều, quy định mức lương cơ sở dùng để làm căn cứ cho việc tính mức lương trong các bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện các chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 của Nghị định; tính mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cở sở.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Cán bộ, công chức từ trung ương đến cấp huyện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008; (2) Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật cán bộ, công chức năm 2008; (3) Viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định tại Luật viên chức năm 2010; (4) Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, gồm: Người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và Nghị định số 161/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; (5)Người làm việc trong chỉ tiêu biên chế trong các hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động quy định tại Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; (6) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ và công nhân, viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; (7) Sĩ quan, hạ sĩ quan hưởng lương, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, công nhân công an và lao động hợp đồng thuộc Công an nhân dân; (8) Người làm việc trong tổ chức cơ yếu; (9) Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn và tổ dân phố.

3. Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao quy định chi tiết Điều 20 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 08 chương, 62 điều, hướng dẫn chi tiết thi hành Điều 20 Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về tổ chức và hoạt động của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, cụ thể: (1) Quy định chung về: Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân của Quỹ; Nguyên tắc, mục tiêu hoạt động của Quỹ; (2) Nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; (3) Cho vay trực tiếp; (4) Cho vay gián tiếp; (5) Tài trợ vốn; (6) Hỗ trợ tăng cường năng lực; (7) Hoạt động tiếp nhận, quản lý và sử dụng vốn vay, tài trợ, viện trợ, đóng góp, ủy thác; (8) Phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro; (9) Xử lý rủi ro; (10) Quản lý tài chính; (11) Giám sát và đánh giá hoạt động; (12) Tổ chức thực hiện.

Nghị định này áp dụng đối với Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Ban hành kèm theo Nghị định này 02 Phụ lục gồm: (1) Kế hoạch hoạt động 05 năm của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; (2) Kế hoạch hoạt động năm của Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.

4. Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

Nghị định này bãi bỏ: Điều 11 Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; Điều 26, Điều 27, Điều 28, Điều 29, Điều 30, Điều 34, Điều 35, Điều 36 và các khoản 3, 4, 5 và khoản 6 Điều 55 và Phụ lục V của Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường; khoản 5 và khoản 9 Điều 9, điểm a và điểm b khoản 1 Điều 27, Điều 38, Điều 41, điểm b khoản 1 Điều 43, khoản 3 Điều 44 của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 điều, sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, cụ thể: (1) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; (2) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ môi trường; (3) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu; (4) Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 127/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2014 của Chính phủ quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; (5) Điều khoản chuyển tiếp.

Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục sửa đổi, bổ sung một số phụ lục của Nghị định số18/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của luật bảo vệ môi trường và Nghị định 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ quy định về quản lý chất thải và phế liệu.

5. Nghị định số 41/2019/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 5 năm 2019.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm bảo đảm phù hợp với một số văn bản QPPL mới được ban hành như: Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 36 điều, quy định chi tiết việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, cụ thể: (1) Quy định chung về: Nội dung quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử, hợp phần quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử; Thời kỳ quy hoạch, thời hạn lập quy hoạch; Hoạt động quy hoạch; Chi phí cho hoạt động quy hoạch; Cơ quan tổ chức lập quy hoạch, cơ quan tổ chức lập hợp phần quy hoạch, cơ quan lập quy hoạch, cơ quan lập hợp phần quy hoạch; (2) Nhiệm vụ lập quy hoạch; (3) Tổ chức lập quy hoạch; (4) Thẩm định quy hoạch; (5) Phê duyệt, công bố quy hoạch; (6) Thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch; (7) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia việc lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, thực hiện, đánh giá và điều chỉnh quy hoạch phát triển, ứng dụng năng lượng nguyên tử và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

6. Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 05 tháng 7 năm 2019.

Nghị định này thay thế Nghị định số 103/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản.

Bổ sung cụm từ “thủy sản nuôi” vào sau cụm từ "vật nuôi" tại điểm a khoản 6 Điều 17, khoản 5 Điều 18, khoản 6 Điều 19 và khoản 9 Điều 20 của Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường và chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Nghị định này bãi bỏ: (1) Các quy định về giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản trong Nghị định số 64/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, thủy sản; (2) Các quy định về hoạt động thủy sản trong Nghị định số 41/2017/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản; lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi; quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản bảo đảm phù hợp với Luật thủy sản, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 58 điều, quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo từng chức danh đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, cụ thể: (1) Quy định chung về: Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính; Hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả; Quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền trong hoạt động thủy sản; (2) Vi phạm quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản; (3) Vi phạm quy định về giống thủy sản; (4) Vi phạm quy định về thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản; (5) Vi phạm quy định về nuôi trồng thủy sản; (6) Vi phạm quy định về khai thác thủy sản; (7) Vi phạm quy định về tàu cá, cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá; (8) Vi phạm quy định về thu gom, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển thủy sản; (9) Cản trở hoạt động quản lý nhà nước về thủy sản; (10) Thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; (11) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này (các tổ chức thuộc đối tượng áp dụng được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này); (2) Hộ kinh doanh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật, hộ gia đình thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt vi phạm như đối với cá nhân.

7. Nghị định số 43/2019/NĐ-CP ngày 17 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 17 tháng 5 năm 2019.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 02 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 26/2014/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng, cụ thể: (1) Nguyên tắc thanh tra ngân hàng, giám sát ngân hàng; (2) Hệ thống tổ chức của Thanh tra, giám sát ngành Ngân hàng; (3) Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng; (4) Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng; (5) Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh; (6) Thẩm quyền ra quyết định thanh tra và thanh tra lại; (7) Nội dung, hình thức giám sát ngân hàng; (8) Các biện pháp xử lý giám sát ngân hàng; (9) Cấp phép; (10) Trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; (11) Trách nhiệm của Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.

8. Nghị định số 44/2019/NĐ-CP ngày 20 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm cụ thể hóa các quy định tại Điều 57 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và Khoản 8 Điều 4 Nghị quyết số 70/2018/QH14 ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, theo đó thực hiện việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 02 chương, 06 điều, quy định về điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng, cụ thể: (1) Đối tượng điều chỉnh; (2) Thời điểm và mức điều chỉnh; (3) Kinh phí thực hiện; (4) Tổ chức thực hiện; (5) Điều khoản thi hành.

Nghị định này điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với các đối tượng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng trước ngày 01 tháng 7 năm 2019, bao gồm:
- Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động (kể cả người có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, người nghỉ hưu từ quỹ bảo hiểm xã hội nông dân Nghệ An chuyển sang theo Quyết định số 41/2009/QĐ-TTg ngày 16 tháng 3 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ); quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng.

- Cán bộ xã, phường, thị trấn quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009, Nghị định số 121/2003/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2003 và Nghị định số 09/1998/NĐ-CP ngày 23 tháng 01 năm 1998 của Chính phủ đang hưởng lương hưu, trợ cấp hàng tháng.

- Người đang hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của pháp luật; người đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 91/2000/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2000, Quyết định số 613/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; công nhân cao su đang hưởng trợ cấp hàng tháng.

- Cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 130/CP ngày 20 tháng 6 năm 1975 của Hội đồng Chính phủ và Quyết định số 111-HĐBT ngày 13 tháng 10 năm 1981 của Hội đồng Bộ trưởng.

- Quân nhân đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 142/2008/QĐ-TTgngày 27 tháng 10 năm 2008, Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06 tháng 5 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 53/2010/QĐ-TTgngày 20 tháng 8 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

- Quân nhân, công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân, công an nhân dân đang hưởng trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 62/2011/QĐ-TTgngày 09 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ.

- Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng.

9. Nghị định số 45/2019/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2019.

Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Mục 3 Chương II Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo và các khoản 29, 30, 31, 32, 33, 34, 35, 36, 37, 38, 39, 40 và 41 Điều 2 Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo hết hiệu lực.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật du lịch, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CPngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 29 điều, quy định cụ thể: (1) Quy định chung về: Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính; Các biện pháp khắc phục hậu quả; Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền trong lĩnh vực du lịch; (2) Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; (3) Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; (4) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động du lịch trên lãnh thổ Việt Nam (các tổ chức thuộc đối tượng áp dụng được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này); (2) Người có thẩm quyền lập biên bản, xử phạt vi phạm hành chính; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

10. Nghị định số 46/2019/NĐ-CP ngày 27 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao

a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 8 năm 2019.

Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, Mục 2 Chương II Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, khoản 28 Điều 2 Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan và Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo hết hiệu lực.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật thể dục, thể thao ngày 29 tháng 11 năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thể dục, thể thao ngày 14 tháng 6 năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 31 điều, quy định cụ thể: (1) Quy định chung về: Hình thức xử phạt; Biện pháp khắc phục hậu quả; Mức phạt tiền và thẩm quyền phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao; (2) Hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; (3) Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; (4) Điều khoản thi hành.

Nghị định này áp dụng đối với: (1) Tổ chức, cá nhân Việt Nam hoạt động thể thao trên lãnh thổ Việt Nam và ở nước ngoài. Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động thể thao trên lãnh thổ Việt Nam; (2) Các đối tượng vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao không thuộc quy định tại khoản 2 Điều này bị xử phạt như đối với cá nhân; (3) Người có thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính; người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thể thao; (4) Cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động thể thao.


11. Quyết định số 19/2019/QĐ-TTg ngày 10 tháng 5 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc giữ lại con dấu hết giá trị sử dụng của một số cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước để lưu trữ, phục vụ nghiên cứu lịch sử

a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.

b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm quy định việc giữ lại con dấu hết giá trị sử dụng của một số cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước để lưu trữ, phục vụ nghiên cứu lịch sử.

c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 09 điều, quy định việc giữ lại con dấu hết giá trị sử dụng của một số cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước để lưu trữ, phục vụ nghiên cứu lịch sử, cụ thể: (1) Nguyên tắc quản lý con dấu hết giá trị sử dụng của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước được giữ lại để lưu trữ, phục vụ nghiên cứu lịch sử; (2) Con dấu hết giá trị sử dụng của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước được giữ lại để lưu trữ, phục vụ nghiên cứu lịch sử; (3) Trách nhiệm của cơ quan đăng ký mẫu con dấu và Lưu trữ lịch sử trong việc quản lý con dấu hết giá trị sử dụng của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước; (4) Thẩm quyền quản lý và cho phép cung cấp con dấu hết giá trị sử dụng của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước để nghiên cứu lịch sử; (5) Trình tự xét duyệt cung cấp con dấu hết giá trị sử dụng của cơ quan, tổ chức, chức danh nhà nước để nghiên cứu lịch sử; (6) Tổ chức thực hiện.

Quyết định này được áp dụng đối với các cơ quan đăng ký mẫu con dấu và các Lưu trữ lịch sử ở trung ương và cấp tỉnh.

Ban hành kèm theo Quyết định này Biên bản về việc bàn giao con dấu hết giá trị sử dụng./.

Tác giả: T.T

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập2,580
  • Hôm nay393,432
  • Tháng hiện tại9,779,176
  • Tổng lượt truy cập455,174,298
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây