I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH
Trong tháng 12 năm 2019, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 09 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 07 Nghị định của Chính phủ và 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trồng trọt về giống cây trồng và canh tác;
2. Nghị định số 95/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;
3. Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định về khung giá đất;
4. Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự;
5. Nghị định số 98/2019/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật;
6. Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học;
7. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 35/2019/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ quy chế phối hợp liên ngành quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu;
2. Quyết định số 36/2019/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dữ trữ Nhà nước thuộc Bộ Tài chính.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật trồng trọt về giống cây trồng và canh tác
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2020.
Nghị định này bãi bỏ các quy định tại các văn bản sau đây: (1) Điều 4 của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; (2) Khoản 1, khoản 2 Điều 1 Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa; (3) Quyết định số 95/2007/QĐ-BNN ngày 27 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy định về công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới; (4) Thông tư số 18/2012/TT-BNNPTNT ngày 26 tháng 4 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh giống cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao quy định chi tiết một số điều của Luật trồng trọt, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 17 điều quy định chi tiết một số điều của Luật trồng trọt về giống cây trồng và canh tác, cụ thể: (1) Quy định chung về thực hiện thủ tục hành chính trong Nghị định này; (2) Giống cây trồng; (3) Canh tác; (4) Quy định chuyển tiếp và tổ chức thực hiện.
Ban hành kèm theo Nghị định này 10 Phụ lục, gồm: (1) Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu; (2) Các biểu mẫu về công nhận lưu hành giống cây trồng; (3) Các biểu mẫu về công nhận lưu hành đặc cách giống cây trồng; (4) Bản tự công bố lưu hành giống cây trồng; (5) Các biểu mẫu về công nhận tổ chức khảo nghiệm; (6) Các biểu mẫu về cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng; (7) Ghi mã hiệu lô/nguồn giống; (8) Các biểu mẫu về xuất khẩu giống cây trồng; (9) Các biểu mẫu về nhập khẩu giống cây trồng; (10) Các biểu mẫu về chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
2. Nghị định số 95/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 02 năm 2020.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành như: Luật quy hoạch; Luật chuyển giao công nghệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 02 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng, cụ thể: (1) Phạm vi điều chỉnh; (2) Giải thích từ ngữ; (3) Quản lý nhà nước về vật liệu xây dựng; (4) Yêu cầu đối với dự án đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng; (5) Chính sách ưu đãi và hỗ trợ; (6) Trách nhiệm của Bộ Xây dựng; (7) Bãi bỏ Chương II và khoản 1 Điều 44.
3. Nghị định số 96/2019/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định về khung giá đất
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 19 tháng 12 năm 2019.
Nghị định này thay thế Nghị định số 104/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2014 của Chính phủ quy định về khung giá đất.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý để Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng và ban hành Bảng giá đất để áp dụng tại các địa phương; khắc phục những hạn chế, tồn tại của khung giá đất hiện hành, từng bước điều chỉnh giá đất phú hợp với thị trường theo lộ trình, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp, không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 điều quy định khung giá đối với từng loại đất, theo từng vùng quy định tại Điều 113 của Luật đất đai, cụ thể: (1) Khung giá đất; (2) Vùng kinh tế để xây dựng khung giá đất; (3) Áp dụng khung giá đất; (4) Trách nhiệm thi hành.
Ban hành kèm theo Nghị định này 11 Phụ lục, gồm: (1) Khung giá đất trồng cây hàng năm gồm đất trồng lúa và đất trồng cây hàng năm khác; (2) Khung giá đất trồng cây lâu năm; (3) Khung giá đất rừng sản xuất; (4) Khung giá đất nuôi trồng thủy sản; (5) Khung giá đất làm muối; (6) Khung giá đất ở tại nông thôn; (7) Khung giá đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn; (8) Khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại nông thôn; (9) Khung giá đất ở tại đô thị; (10) Khung giá đất thương mại, dịch vụ tại đô thị; (11) Khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ tại đô thị.
4. Nghị định số 97/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2020.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự, cụ thể: (1) Thành lập Hội đồng định giá theo vụ việc; (2) Thành phần của Hội đồng định giá tài sản; (3) Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng định giá tài sản; (4) Tiếp nhận yêu cầu định giá tài sản; (5) Định giá lại tài sản; (6) Định giá lại tài sản trong trường hợp đặc biệt; (7) Hồ sơ định giá tài sản; (8) Chi phí định giá, định giá lại tài sản.
5. Nghị định số 98/2019/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2020.
Nghị định này bãi bỏ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của một số văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành như: Luật quy hoạch; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 điều sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định thuộc lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, cụ thể:
- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, cụ thể: (1) Đối tượng lập quy hoạch cấp nước; (2) Căn cứ lập quy hoạch cấp nước đô thị; (3) Trách nhiệm lập, thời gian và thẩm quyền thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch cấp nước đô thị; (4) Điều chỉnh quy hoạch cấp nước đô thị; (5) Lựa chọn đơn vị cấp nước; (6) Phân kỳ và xác định quy mô đầu tư; (7) Bãi bỏ mục 2 Chương II và Điều 14, Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20; (8) Thay thế cụm từ “quy hoạch khai thác tài nguyên nước” bằng cụm từ “quy hoạch tài nguyên nước” tại khoản 3, khoản 4 Điều 5.
- Sửa đổi, bổ sung một số khoản tại Điều 1 Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 117/2007/NĐ-CP, cụ thể: (1) Bãi bỏ khoản 2 và khoản 3; (2) Thay thế cụm từ “giai đoạn” bằng cụm từ “thời hạn” tại khoản 4.
- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 23/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về xây dựng, quản lý sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng, cụ thể: (1) Quy định chung về quản lý, sử dụng cơ sở hỏa táng; (2) Quản lý chi phí về quy hoạch và đầu tư xây dựng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng; (3) Bãi bỏ khoản 13 Điều 2, Điều 7; (4) Thay thế cụm từ “quy hoạch nghĩa trang vùng tỉnh” bằng cụm từ “quy hoạch hệ thống đô thị và nông thôn, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng hoặc quy hoạch ngành có liên quan” tại điểm b khoản 3 Điều 8, khoản 1 Điều 9, khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 10, khoản 1 Điều 11, điểm a khoản 1 Điều 12, khoản 1 Điều 14.
- Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ về thoát nước và xử lý nước thải về quy hoạch thoát nước.
6. Nghị định số 99/2019//NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2020.
Bãi bỏ: Điều 2, khoản 2 Điều 3, Điều 6 Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học; Nghị định số 73/2015/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học; Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ trường đại học; khoản 4 Điều 7 Nghị định số 127/2018/NĐ- CP ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ Chính phủ được giao quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2019.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 20 điều quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học, cụ thể: (1) Đặt tên, đổi tên cơ sở giáo dục đại học; (2) Chuyển đổi cơ sở giáo dục đại học tư thục sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; (3) Chuyển trường đại học thành đại học và thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục đại học; (4) Liên kết các trường đại học thành đại học; (5) Tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học thành lập theo hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên ký kết nước ngoài; (6) Quy trình, thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường; công nhận hiệu trưởng của trường đại học công lập; (7) Thủ tục thành lập hội đồng trường, công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, công nhận hiệu trưởng của trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận; (8) Thủ tục thành lập, công nhận hội đồng đại học; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch và các thành viên hội đồng đại học; (9) Công nhận cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu; (10) Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam; (11) Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học; (12) Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học; (13) Trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù; (14) Văn bằng, chứng chỉ giáo dục đại học; (15) Hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; (16) Chuyển nhượng vốn và rút vốn đầu tư vào cơ sở giáo dục đại học; (17) Điều khoản chuyển tiếp; (18) Trách nhiệm thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với trường đại học, học viện, đại học và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục đại học.
7. Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.
Nghị định này thay thế Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của Luật đường sắt, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2018 và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về đường sắt được ban hành theo Thông tư số 32/2018/TT-BGTVT ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 86 điều quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, cụ thể: (1) Các biện pháp khắc phục hậu quả và nguyên tắc áp dụng; (2) Vi phạm quy tắc giao thông đường bộ; (3) Vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; (4) Vi phạm quy định về phương tiện tham gia giao thông đường bộ; (5) Vi phạm quy định về người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; (6) Vi phạm quy định về vận tải đường bộ; (7) Các vi phạm khác liên quan đến giao thông đường bộ; (8) Vi phạm quy định về tín hiệu, quy tắc giao thông đường sắt và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt; (9) Vi phạm quy định về kết cấu hạ tầng đường sắt; (10) Vi phạm quy định về phương tiện giao thông đường sắt; (11) Vi phạm quy định đối với nhân viên đường sắt; (12) Vi phạm quy định về kinh doanh đường sắt; (13) Vi phạm khác có liên quan đến giao thông đường sắt; (14) Thẩm quyền xử phạt; (15) Thủ tục xử phạt; (16) Điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tổ chức được quy định chi tiết tại khoản 2 Điều 2 Nghị định này); (2) Hộ kinh doanh, hộ gia đình, tổ hợp tác thực hiện hành vi vi phạm hành chính quy định tại Nghị định này bị xử phạt như đối với cá nhân vi phạm; (3) Người có thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định này.
8. Quyết định số 35/2019/QĐ-TTg ngày 19 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ quy chế phối hợp liên ngành quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2020.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm quy định về nguyên tắc, mục đích, nội dung, phương thức và trách nhiệm trong việc phối hợp giữa các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Ngoại giao, Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài vào Việt Nam.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 03 điều ban hành quy chế phối hợp liên ngành quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu, cụ thể: (1) Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; (2) Nguyên tắc phối hợp; (3) Nội dung phối hợp; (4) Phương thức và cơ chế phối hợp; (5) Trao đổi, chia sẻ và cập nhật thông tin có liên quan đến các hoạt động nhập khẩu phế liệu vào lãnh thổ Việt Nam; (6) Phối hợp ngăn chặn chất thải, phế liệu không đủ điều kiện nhập khẩu; (7) Phối hợp trong việc thực hiện thông quan phế liệu nhập khẩu; (8) Phối hợp trong công tác xử lý hàng hóa là phế liệu tồn đọng tại cảng biển; (9) Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra; (10) Đầu mối phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin; (11) Nguyên tắc và tổ chức thực hiện.
9. Quyết định số 36/2019/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dữ trữ Nhà nước thuộc Bộ Tài chính
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2020.
Quyết định này thay thế Quyết định số 106/2009/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định được ban hành nhằm quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Quyết định số 106/2009/QĐ-TTg ngày 20 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 05 điều quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Bộ Tài chính.
Theo Quyết định Tổng cục Dự trữ Nhà nước là tổ chức thuộc Bộ Tài chính, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính quản lý nhà nước về dự trữ quốc gia và trực tiếp quản lý các loại hàng dự trữ quốc gia theo quy định của pháp luật; có tư cách pháp nhân, con dấu có hình Quốc huy, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, có trụ sở tại thành phố Hà Nội; kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước cấp.
Cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dự trữ Nhà nước tại trung ương gồm 09 đơn vị tổ chức hành chính giúp Tổng cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Các tổ chức Dự trữ Nhà nước tại địa phương gồm 22 Cục Dự trữ Nhà nước khu vực trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước và các Chi cục Dự trữ Nhà nước thuộc Cục Dự trữ Nhà nước khu vực./.