Cụ thể như sau:
I. SỐ LƯỢNG VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT ĐƯỢC BAN HÀNH
Trong tháng 12/2018, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 09 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 06 Nghị định của Chính phủ và 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể:
Các Nghị định của Chính phủ:
1. Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp;
2. Nghị định số 164/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng;
3. Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính;
4. Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
5. Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất;
6. Nghị định số 168/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương.
Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ:
1. Quyết định số 49/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch;
2. Quyết định số 50/2018/QĐ-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực;
3. Quyết định số 51/2018/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2019-2021.
II. HIỆU LỰC THI HÀNH, SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH BAN HÀNH VÀ NỘI DUNG CHỦ YẾU CỦA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT
1. Nghị định số 163/2018/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2019.
Nghị định này thay thế Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn để phát triển sản xuất kinh doanh; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 90/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 06 chương, 41 điều, quy định việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, cụ thể: (1) Quy định chung về:Nguyên tắc phát hành và sử dụng vốn trái phiếu doanh nghiệp; < Điều kiện, điều khoản cơ bản của trái phiếu; Mua lại trái phiếu trước hạn, hoán đổi trái phiếu; Đối tượng mua trái phiếu; Quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu; (2) Phát hành trái phiếu tại thị trường trong nước; (3) Phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế; (4) Cơ chế công bố thông tin và chế độ báo cáo; (5) Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan; (6) Điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Doanh nghiệp phát hành trái phiếu là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam; (2) Tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Ban hành kèm theo Nghị định này 02 Phụ lục, cụ thể: (1) Công bố thông tin trước đợt phát hành trái phiếu; (2) Công bố thông tin về kết quả phát hành trái phiếu.
2. Nghị định số 164/2018/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ về kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 02 năm 2019.
Nghị định này thay thế Quyết định số 13/2012/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng trong khu vực phòng thủ.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm thực hiện nhiệm vụ của Chính phủ được giao quy định chi tiết khoản 3 Điều 15 Luật quốc phòng, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 05 chương, 25 điều, quy định chi tiết khoản 3 Điều 15 Luậtquốc phòng, cụ thể: (1) Quy định chung về: Nguyên tắc kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng; Căn cứ kết hợp; (2) Kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội; (3) Kết hợp kinh tế - xã hội với quốc phòng; (4) Kế hoạch về nhu cầu quốc phòng và khả năng kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội với quốc phòng trong thời bình, tình trạng khẩn cấp về quốc phòng và tình trạng chiến tranh; (5) Trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, tổ chức trong kết hợp quốc phòng với kinh tế - xã hội và kinh tế - xã hội kết hợp với quốc phòng.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Công dân Việt Nam, bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; (2) Các tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam; (3) Cá nhân, tổ chức nước ngoài cư trú, đầu tư, kinh doanh và hoạt động tại Việt Nam.
3. Nghị định số 165/2018/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 02 năm 2019.
Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính và Nghị định số 156/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính và Nghị định số 156/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2007 về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 22 điều, quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính, cụ thể: (1) Nguyên tắc giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; (2) Giá trị pháp lý của chứng từ điện tử; (3) Chuyển từ chứng từ giấy sang chứng từ điện tử; (4) Chuyển từ chứng từ điện tử sang chứng từ giấy; (5) Sửa đổi, lưu trữ, hủy hiệu lực, tiêu hủy, niêm phong chứng từ điện tử; (6) Quy định đối với hệ thống thông tin; (7) Bảo đảm an toàn trong giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; (8) Sử dụng dịch vụ người trung gian trong giao dịch điện tử; (9) Xác minh thông tin về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; (10) Điều khoản thi hành.
Nghị đinh này áp dụng đối với: (1) Cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ quản hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; (2) Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; (3) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có nhu cầu tra cứu, xác minh thông tin về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong phạm vi pháp luật cho phép.
4. Nghị định số 166/2018/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2019.
Nghị định này thay thế Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiến triển khai thi hành Nghị định số 70/2012/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2012 của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 04 chương, 26 điều, quy định chi tiết về thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, cụ thể: (1) Quy định chung về: Nguyên tắc cơ bản trong hoạt động lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch di tích, dự án tu bổ di tích; Chi phí lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, điều chỉnh và đánh giá quy hoạch di tích; (2) Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; (3) Dự án tu bổ di tích, báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích; (4) Điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam khi tiến hành các hoạt động lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích trên lãnh thổ Việt Nam.
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục các biểu mẫu, cụ thể: (1) Tờ trình về việc thẩm định/phê duyệt Nhiệm vụ lập quy hoạch di tích; (2) Tờ trình về việc thẩm định/phê duyệt Quy hoạch di tích; (3)Tờ trình thẩm định Dự án tu bổ di tích/Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích; (4) Tờ trình phê duyệt Dự án tu bổ di tích/Báo cáo kinh tế - kỹ thuật tu bổ di tích.
5. Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 02 năm 2019.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất ở các vùng chứa nước ngọt thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 03 chương, 17 điều, cụ thể: (1) Quy định chung về: Nguyên tắc khoanh định và áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất; Phân loại các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; Các hình thức, biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất; (2) Quy định cụ thể về: Khoanh định và việc áp dụng các biện pháp hạn chế khai thác trong Vùng hạn chế 1, 2, 3, 4, hỗn hợp; Lập Danh mục và Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; Phê duyệt, công bố Danh mục và Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; Phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất; (3) Tổ chức thực hiện.
Nghị định này áp dụng đối với: (1) Các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến việc khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất và việc áp dụng các hình thức, biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất; (2) Các tổ chức, cá nhân có hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc trường hợp phải có giấy phép thăm dò, khai thác theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 52 của Luật tài nguyên nước.
6. Nghị định số 168/2018/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2018 của Chính phủ về công tác quốc phòng ở Bộ, ngành trung ương, địa phương.
a) Hiệu lực thi hành: Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 02 năm 2019.
Nghị định số 119/2004/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2004 hết hiệu lực kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Nghị định này bãi bỏ Điều 10, Điều 11, Điều 13; khoản 7, khoản 8 Điều 16 quy định về phụ cấp trách nhiệm quản lý, chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ đối với Chỉ huy trưởng, Chính trị viên, Phó chỉ huy trưởng, Chính trị viên phó Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương; khoản 2, khoản 3 Điều 24 quy định về chế độ báo, tạp chí cho Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành, trung ương tại Nghị định số03/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 01 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều Luật dân quân tự vệ.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Nghị định được ban hành nhằm quy định chi tiết Điều 16 Luật quốc phòng năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.
c) Nội dung chủ yếu: Nghị định gồm 07 chương, 22 điều, quy định chi tiết Điều 16 Luật quốc phòng năm 2018, cụ thể: (1) Nội dung công tác quốc phòng; (2) Ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương; cơ quan thường trực công tác quốc phòng ở địa phương; (3) Trách nhiệm của Bộ, ngành trung ương, địa phương về công tác quốc phòng; (4) Mối quan hệ về công tác quốc phòng; (5) Báo cáo, thanh tra, kiểm tra, giao ban, sơ kết, tổng kết công tác quốc phòng; (6) Kinh phí bảo đảm công tác quốc phòng; chế độ, chính sách đối với ban chỉ huy quân sự Bộ, ngành trung ương; (7) Điều khoản thi hành.
Nghị định này áp dụng đối với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan của Đảng ở trung ương, cơ quan trung ương của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán nhà nước, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao; Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, tập đoàn, tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập, địa phương.
Ban hành kèm theo Nghị định này Phụ lục mẫu báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ quốc phòng ở bộ, ngành, địa phương.
7. Quyết định số 49/2018/QĐ-TTg ngày 12 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2019.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định này được ban hành nhằm thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 04 điều, quy định về thành lập, phê duyệt Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch.
Ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch gồm 04 chương, 25 điều, cụ thể: (1) Quy định chung về: Địa vị pháp lý, tư cách pháp nhân của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch; Chức năng, nhiệm vụ của Quỹ; (2) Tổ chức bộ máy của Quỹ; (3) Chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán, báo cáo; (4) Tổ chức thực hiện.
8. Quyết định số 50/2018/QĐ-TTg ngày 13 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30 tháng 01 năm 2019.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định này được ban hành nhằm quy định chi tiết khoản 4 Điều 38 Luật thủy sản, quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 05 điều, quy định chi tiết khoản 4 Điều 38 Luật thủy sản, quy định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực, cụ thể: (1) Tiêu chí xác định đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; (2) Danh mục đối tượng thủy sản nuôi chủ lực; (3) Tổ chức thực hiện.
Quyết định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kinh doanh đối tượng thủy sản nuôi chủ lực trên lãnh thổ Việt Nam.
9. Quyết định số 51/2018/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2019-2021
a) Hiệu lực thi hành: Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 02 năm 2019.
Quyết định này được áp dụng cho các năm ngân sách từ năm 2019 đến năm 2021.
b) Sự cần thiết, mục đích ban hành: Quyết định này được ban hành nhằm quy định về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2019 – 2021.
c) Nội dung chủ yếu: Quyết định gồm 05 điều, quy định về: (1) Chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế giai đoạn 2019 – 2021; (2) Mức chi tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động; (3) Tổ chức thực hiện./.