(CTTĐTBP) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang vừa ký Công điện số 71/CĐ-TTg ngày 23/2/2023 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
Công điện nêu rõ, để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan theo thẩm quyền, chức năng và nhiệm vụ được giao khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xử lý các khó khăn, vướng mắc của các địa phương (phân công tại
Phụ lục kèm theo Công điện này); có văn bản trả lời, hướng dẫn, diễn giải cụ thể và đồng gửi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để các địa phương tham khảo, triển khai thực hiện bảo đảm thời hạn được giao; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền những nội dung vượt thẩm quyền.
Các Bộ, cơ quan Trung ương là chủ dự án thành phần của các chương trình mục tiêu quốc gia tích cực theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện các dự án thành phần được giao chủ trì quản lý tại các địa phương để chủ động rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách theo tinh thần tháo gỡ các “nút thắt”, khơi thông các “điểm nghẽn”, phù hợp tình hình thực tiễn, tạo điều kiện cho các địa phương tổ chức triển khai thực hiện thuận lợi, thông suốt, hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chủ động, quyết liệt hơn nữa trong công tác triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục các tồn tại, hạn chế. Trong đó, tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: (1) Khẩn trương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành đầy đủ các quy định khung, văn bản quản lý, điều hành để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương; hoàn thành trong quý I năm 2023. (2) Tăng cường công tác chia sẻ, trao đổi thông tin, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để cùng hoàn thiện, thống nhất trong công tác triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn, đặc biệt là trong công tác xây dựng cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền và trách nhiệm của địa phương; nghiên cứu xây dựng sổ tay hướng dẫn chi tiết cụ thể và hồ sơ mẫu để phổ biến, tập huấn, đào tạo cho cấp cơ sở. (3) Rà soát, tổng hợp các văn bản quản lý, điều hành đã ban hành để triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở địa phương, gửi báo cáo về Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 05/3/2023; trong đó nêu rõ căn cứ pháp lý, thẩm quyền ban hành, kết quả triển khai trong thực tiễn, khó khăn, vướng mắc và các đề xuất, kiến nghị (nếu có). (4) Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực tiếp chỉ đạo, điều phối hoạt động giữa các sở, ngành, đơn vị trong việc xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và văn bản triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; rà soát danh mục các dự án đầu tư, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên về tính khả thi, hiệu quả, khả năng giải ngân để tập trung thực hiện bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, tránh dàn trải, rủi ro trong quá trình tổ chức thực hiện.
Các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao bảo đảm đúng quy định hiện hành và tiến độ được giao; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thanh tra, kiểm tra cùng cấp để công tác kiểm tra, giám sát phải thực chất, hiệu quả và đề xuất các giải pháp tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban dân tộc và các bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và định kỳ hàng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả triển khai thực hiện Công điện này./.