Phát triển thương mại điện tử, thương mại biên giới tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030

Thứ hai - 19/09/2022 09:48
(CTTĐTBP) - Ngày 19/9, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1707/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án “Phát triển hệ thống thương mại, thương mại điện tử (TMĐT) và thương mại biên giới (TMBG) tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Thương mại điện tử là xu hướng chung của hội nhập

Theo Đề án này, trong những năm qua, kinh tế tỉnh luôn tăng trưởng cao, đã trực tiếp thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng nhanh. Để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh, hệ thống thương mại đã có bước phát triển tương đối khá, cơ bản đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tuy nhiên, hiện trạng phát triển hệ thống thương mại trên địa bàn tỉnh còn những bất cập như: tự phát, thiếu cơ sở hạ tầng; chưa được tổ chức thành hệ thống, mạng lưới; khâu quản lý còn chưa được chặt chẽ và thiếu những điều kiện, yếu tố phát triển thuận lợi, đòi hỏi cần được sắp xếp lại để quản lý nhằm phát huy vai trò của bán buôn, bán lẻ đối với quá trình phát triển ngành thương mại nói riêng và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh nói chung.

Cùng với xu hướng phát triển công nghệ số, TMĐT là xu hướng chung của hội nhập. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới ảnh hưởng nghiêm trọng tới hầu hết các lĩnh vực, phát triển TMĐT là một hướng đi đúng đắn, an toàn để duy trì các hoạt động kinh tế, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận thị trường trong và ngoài nước theo hình thái mới. Bên cạnh đó, hoạt động TMBG của tỉnh chưa đạt được kết quả như mong muốn; các cặp cửa khẩu song phương chưa được đầu tư đồng bộ giữa 2 bên; chính sách khuyến khích phát triển, thu hút đầu tư vào Khu kinh tế cửa khẩu còn chậm; kết cấu hạ tầng TMBG chưa đáp ứng được so với yêu cầu của thực tiễn và chưa phát huy được tiềm năng. Hoạt động buôn lậu qua biên giới vẫn còn xảy ra, ngày càng tinh vi và khó kiểm soát.

Do đó, việc phát triển hệ thống thương mại, TMĐT, TMBG trên địa bàn tỉnh là yêu cầu cần thiết nhằm gia tăng các chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ tốt cho phát triển kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân. Trong đó, sẽ tập trung tổ chức sắp xếp, đầu tư, nâng cấp mạng lưới hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh theo hướng văn minh, hiện đại; chủ động thu hút các nguồn lực, khai thác các tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển TMBG cũng như phát triển nhanh các hoạt động kinh tế số, TMĐT tiệm cận với các tỉnh, thành phố lớn của cả nước và theo xu hướng chung của thế giới.

Quan điểm phát triển của tỉnh

Quan điểm của Bình Phước là phát triển thương mại, dịch vụ kịp thời để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và đời sống của nhân dân; tập trung vào các lĩnh vực phân phối, bán lẻ, vận tải, logistics. Thu hút đầu tư để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ như: Trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ đầu mối, chợ nông thôn; phát triển TMBG gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống của cư dân khu vực biên giới.

Ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nhanh TMĐT trên cơ sở huy động tối đa mọi nguồn lực, dựa trên nền tảng số, công nghệ mới; coi TMĐT là công cụ quan trọng để hiện đại hóa lĩnh vực thương mại của tỉnh tiệm cận với các tỉnh, thành phố lớn của cả nước trong giai đoạn tới. Khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển TMBG; nâng cao đời sống của cư dân khu vực biên giới, góp phần phát triển kinh tế, xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh khu vực biên giới. Huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh sản xuất, chế biến, xuất khẩu biên mậu các mặt hàng có giá trị gia tăng, các mặt hàng có lợi thế cạnh tranh của tỉnh nhằm mở rộng quy mô thương mại.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 và năm 2030

Theo đó, mục tiêu của tỉnh đề ra: Phát triển hệ thống thương mại tăng về quy mô, đảm bảo việc hỗ trợ, gắn kết giữa sản xuất với thương mại và nhu cầu tiêu dùng của người dân; ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh phát triển TMĐT của tỉnh theo hướng hiện đại, tiệm cận với các tỉnh, thành phố lớn của cả nước trong giai đoạn đến năm 2030.

Tổng mức lưu chuyển hàng hoá bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng đến năm 2025 đạt khoảng 79.235 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 10,34 %. Đến năm 2030 đạt khoảng 151.000 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 2026-2030 đạt 13,5-17%.

Đến năm 2025, hàng hóa qua kênh TMĐT chiếm 5% và đến năm 2030 là 10% trên tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng tỉnh; hàng hóa qua kênh thương mại hiện đại đến năm 2025 chiếm khoảng 25% và đến năm 2030 chiếm 35% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiêu dùng tỉnh.

Tập trung phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, khu mua sắm tập trung tại thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long, thị xã Phước Long, các huyện Chơn Thành, Đồng Phú, Hớn Quản, Phú Riềng trong giai đoạn 2022-2025 và tiếp tục phát triển tại huyện Bù Đăng, Bù Đốp, Bù Gia Mập trong giai đoạn 2026-2030.

Phát triển chợ đầu mối nông sản gắn với hình thành Trung tâm dịch vụ logistics của tỉnh đóng vai trò dự trữ, sơ chế, bảo quản trung chuyển hàng hóa từ khu vực Miền Trung, Tây Nguyên phục vụ từ xa cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh lân cận.

Phát triển các kho thương mại gắn với các khu, cụm công nghiệp, cửa khẩu; đầu tư xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp chợ nông thôn đạt chuẩn theo quy định. Đẩy mạnh phát triển các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh tại các huyện, thị, thành phố.

Tổng kim ngạch xuất khẩu biên mậu giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 900 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 13,3%; giai đoạn 2026-2030 đạt 1.800 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12,5%. Tổng kim ngạch nhập khẩu biên mậu giai đoạn 2021-2025 đạt khoảng 1.650 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 11%; giai đoạn 2026-2030 đạt 3.150 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 10,2%.

Triển khai nâng cấp cửa khẩu phụ Tân Tiến - Bù Đốp lên thành cửa khẩu chính, cửa khẩu Hoàng Diệu lên thành cửa khẩu quốc tế; thành lập cửa khẩu phụ Ô Huýt (Đắk Ơ) - Bù Gia Mập, địa điểm X16 thành cửa khẩu chính Lộc Tấn.

Phát triển kết cấu hạ tầng tại khu vực biên giới: cầu, đường, kho bãi, cảng cạn, Trung tâm logistics… Triển khai xây dựng hạ tầng 3 cửa khẩu Hoàng Diệu, Tân Tiến, Lộc Thịnh. Đầu tư xây dựng nhà làm việc và nhà ở cho các lực lượng chức năng tại cửa khẩu và lối mở biên giới, công trình Quốc môn và các công trình chức năng khác theo quy định.

Tăng cường thu hút các nguồn vốn cho phát triển kết cấu hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, Chợ đường biên; Khu Thương mại - Dịch vụ - Công nghiệp cửa khẩu Hoàng Diệu, Lộc Thịnh và Tân Thành…; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư các loại hình dịch vụ tại cửa khẩu, tập trung vào kho bãi, dịch vụ logisitics, tài chính… theo quy hoạch phân khu chức năng các cửa khẩu. Tập trung thu hút đầu tư và phát triển hạ tầng, tăng khả năng lắp đầy tại Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư góp phần thúc đẩy phát triển thương mại biên giới.

Hoàn thiện mạng lưới giao thông kết nối tới các cửa khẩu; nâng cấp các tuyến đường đã xuống cấp tạo sự thuận lợi trong kết nối, vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu./.

Tác giả: Trung tâm CNTT&TT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Việc làm Bình Phước
Công báo Chính phủ
DVC Quốc gia
Ecom Binh Phuoc
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập0
  • Hôm nay467,804
  • Tháng hiện tại467,804
  • Tổng lượt truy cập460,360,491
ỨNG DỤNG
1 bp today
3 dhtn
2 ioffice
4 congbao
Portal_Ispeed
sổ tay đảng viên
Tạp chi
KQ TTHC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây